Sớm hoàn thiện cơ chế thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo
Tp. Hồ Chí Minh có nhiều tiềm năng để phát triển công nghiệp năng lượng, đặc biệt là năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, để tiềm năng đó thành thực tế, cần có cơ chế chính sách trong thu hút nhà đầu tư.
Đây là nội dung được các chuyên gia thảo luận tại Diễn đàn Hỗ trợ Pháp lý Đầu tư 2024 kỳ II với chủ đề “Thu hút đầu tư đối với các dự án năng lượng tái tạo, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế xanh tại Tp. Hồ Chí Minh” do Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh (ITPC) phối hợp Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) tổ chức, ngày 20/9.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND Tp Hồ Chí Minh cho biết: Tăng trưởng kinh tế dựa trên các nguồn lực truyền thống của Tp. Hồ Chí Minh đã “tới hạn”, các thị trường xuất khẩu cũng yêu cầu nguồn cung sản phẩm xanh hơn. Phát triển kinh tế bền vững là mô hình mà nhiều quốc gia trên thế giới đang hướng đến và Việt Nam nói chung, Tp. Hồ Chí Minh nói riêng cũng không nằm ngoài xu thế này.
Tp. Hồ Chí Minh vừa ban hành Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh giai đoạn 2024 - 2030; trong đó, nhấn mạnh tầm quan trọng của các dự án năng lượng tái tạo. Ngoài ra, Nghị quyết 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Tp. Hồ Chí Minh (Nghị quyết 98) cũng góp phần tạo hành lang cần thiết cho sự thúc đẩy phát triển các dự án xanh tại thành phố.
Theo ông Võ Văn Hoan, sản xuất xanh cần năng lượng xanh, chuyển đổi công nghiệp luôn gắn liền với chuyển đổi năng lượng. Do đó, Tp. Hồ Chí Minh phải phát triển công nghiệp năng lượng xanh, năng lượng tái tạo từ gió, mặt trời, sinh khối và đã có quy hoạch xây dựng 5 nhà máy đốt rác phát điện, điện gió Cần Giờ, điện mặt trời trên mái các tòa nhà hành chính…
Tiến sĩ Trần Du Lịch, Phó Chủ tịch VIAC nhận định: Việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo, nhất là các loại năng lượng như năng lượng gió, năng lượng mặt trời, năng lượng sinh khối không chỉ giúp ứng phó các tác hại đối với môi trường, mà còn tạo lợi thế lớn cho địa phương, quốc gia trong xu hướng xanh hóa toàn cầu.
Dù vậy, tính đến hiện tại, “xanh hóa” hay “năng lượng tái tạo” vẫn còn là những cụm từ chưa thực sự quen thuộc với doanh nghiệp; khung pháp lý cho lĩnh vực này tại Việt Nam cũng chưa đầy đủ. Điều này dẫn đến tình trạng muốn làm nhưng không làm được hoặc làm nhưng bị trì hoãn do vướng. Không chỉ vậy, việc thiếu quy định, hướng dẫn còn làm tăng nguy cơ phát sinh tranh chấp khiến nhà đầu tư và nhà nước đều quan ngại.
Tiến sĩ Trần Du Lịch đánh giá, Tp. Hồ Chí Minh có nhiều lợi thế khi được cho phép thí điểm cơ chế đặc thù, bao gồm cả đặc thù trong phát triển các dự án năng lượng tái tạo. Tuy vậy, vì những rào cản chung của chính sách, quá trình hiện thực hóa Nghị quyết 98 đối với lĩnh vực này gặp không ít thách thức.
“Chính quyền thành phố, cộng đồng doanh nghiệp cần phối hợp rà soát những lỗ hổng trong hệ thống pháp lý và nhanh chóng bổ sung, hoàn thiện. Đây là cơ sở để thu hút nhà đầu tư tham gia triển khai, vận hành các dự án năng lượng tái tạo một cách hiệu quả.” Tiến sĩ Trần Du Lịch khuyến nghị.
Ở góc độ nhà đầu tư, ông Nguyễn Xuân Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Châu Âu tại Việt Nam (Eurocham Việt Nam), Tổng Giám đốc Schaeffler Việt Nam cho rằng: Tp. Hồ Chí Minh đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện hóa những quy định thúc đẩy thu hút đầu tư xanh theo Nghị quyết 98. Hiện nay, nhiều nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao tiềm năng và quan tâm đến lĩnh vực năng lượng mặt trời tại thành phố. Tuy nhiên, để tạo dựng sự an tâm cho các bên triển khai hiệu quả các dự án này, nhà đầu tư kỳ vọng nhiều hơn ở một cơ chế hợp tác cụ thể, minh bạch giữa nhà đầu tư tư nhân và cơ quan nhà nước.
Theo đó, một trong những khó khăn trong thực hiện các dự án điện mặt trời là sự chậm trễ ban hành các quy định, hướng dẫn triển khai, vận hành, thương mại hóa điện mặt trời. Điều này, một mặt, gây bế tắc cho nhà đầu tư đang vận hành các dự án năng lượng mặt trời sau năm 2020; mặt khác lại tạo ra sự e ngại cho nhà đầu tư muốn triển khai các dự án mới trong thời gian tới.
Tiến sĩ, Luật sư Lê Nết, Luật sư Thành viên Công ty luật LNT và Thành viên, Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), cho biết: Hiện nay, việc thực hiện dự án trong lĩnh vực điện mặt trời chịu sự điều chỉnh chủ yếu bởi Luật Điện lực và một số nghị định, quyết định khác; trong đó, chỉ riêng thông tư 18/2020/TT-BCT, sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 01/2023/TT-BCT điều chỉnh cụ thể đối với các dự án điện mặt trời.
Hiện, Bộ Công Thương đang trong quá trình xây dựng Dự thảo Nghị định mới quy định về cơ chế, chính sách phát triển điện mặt trời mái nhà, song, nhìn chung các dự án này đều đang gặp vướng mắc do thiếu quy định pháp luật. Cụ thể, hiện nay, điện mặt trời mái nhà được đầu tư mới không có quy định về giá bán cho EVN, pháp luật hiện hành cũng gây hạn chế cho đơn vị phát điện trong việc tìm kiếm đối tác mua điện. Tp. Hồ Chí Minh cần tính toán và cho phép trao đổi phần điện dư thừa cho các cơ quan, đơn vị sự nghiệp công khác hay có cơ chế phối hợp với nhà đầu tư tư nhân thông qua hình thức cho thuê mái nhà các công trình công.
Cùng quan điểm, Luật sư Nguyễn Đức Minh, Luật sư Cấp cao Công ty Luật TNHH Kim & Chang chỉ ra, những mặt hạn chế trong khung khổ pháp lý là nguyên nhân khiến ngành năng lượng tái tạo nói chung, năng lượng mặt trời nói riêng chậm phát triển dù nhu cầu thực tế lớn. Đã đến lúc các cơ quan quản lý xem xét xây dựng một luật riêng điều chỉnh toàn diện lĩnh vực năng lượng tái tạo.
Riêng Tp. Hồ Chí Minh, với trợ lực từ Nghị quyết 98 cần có những bước đi quyết liệt hơn, mạnh dạn hơn nhằm tận dụng những lợi thế từ cơ chế đặc thù. Theo đó, thành phố cần sớm công bố danh mục dự án năng lượng tái tạo, cũng như có hướng dẫn rõ hơn về thủ tục, quy trình thực hiện dự án, ví dụ trong khâu lựa chọn nhà đầu tư chiến lược; phạm vi hợp tác đầu tư; hay chính sách ưu đãi.
Các chuyên gia cũng cho rằng, quá trình xây dựng, hoàn thiện luật cần một khoảng thời gian nhất định. Để không bỏ lỡ những nhà đầu tư sẵn sàng tiên phong, Tp. Hồ Chí Minh cần tận dụng cơ chế đặc thù, mạnh dạn thí điểm trong việc hợp tác đầu tư triển khai dự án phát triển năng lượng tái tạo. Dùng dự án thí điểm để tổng hợp một quy trình, mô hình hợp tác mang lại hiệu quả thực tế cho đôi bên, từ đó đưa ra cơ chế, quy định phù hợp hơn.