Sớm hiện thực hóa chủ trương đúng đắn

Một trong những vấn đề đang rất được người dân quan tâm và bày tỏ đồng tình cao là chủ trương của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc các trường tiểu học, trung học cơ sở tổ chức dạy học 2 buổi/ngày tùy theo điều kiện của từng địa phương về cơ sở vật chất, tài chính và giáo viên.

Nội dung này được đưa ra trong thông báo kết luận của Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi làm việc ngày 18-4 với Chính phủ và các ban, bộ, ngành về tình hình thực hiện các nghị quyết của Trung ương về giáo dục và đào tạo; chuẩn bị nghị quyết của Bộ Chính trị về đột phá giáo dục, đào tạo và một số chủ trương hỗ trợ dạy và học. Theo đó, việc dạy học 2 buổi/ngày bảo đảm không thu phí và giảm áp lực với học sinh, tăng cường dạy học về văn hóa, nghệ thuật, bảo đảm học sinh phát triển toàn diện.

Tổng Bí thư giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo Bộ Giáo dục và đào tạo, các bộ, ngành, địa phương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, giáo viên, nội dung chương trình dạy học, hoạt động giáo dục để các trường tiểu học, trung học cơ sở dạy học 2 buổi/ngày bảo đảm nâng cao chất lượng giáo dục. Thời gian thực hiện từ năm học 2025-2026.

Trước đó, phát biểu tại một hội nghị, Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết khi làm việc với Bộ Giáo dục và đào tạo đã đề cập đến việc học 2 buổi. Buổi chiều có thể cho các cháu học thêm những môn khác để các cháu phát triển. Ví dụ như dạy nhạc thì mời luôn ca sĩ, mời luôn những nghệ sĩ giỏi dạy cho các cháu, hợp đồng luôn. Thể dục, thể thao cũng như thế, mời vận động viên. Hoặc là mời họa sĩ hướng dẫn các cháu học vẽ. Để làm sao khi học hết lớp 12 ít nhất phải biết chơi một loại nhạc cụ, tùy gia đình, tùy khả năng và năng khiếu.

Đây là một chủ trương rất đúng đắn, hợp lòng dân bởi hiện nay, học sinh từ tiểu học đến trung học phổ thông của nước ta đang học chương trình được đánh giá khá nặng, áp lực. Ngoài thời gian học trên lớp, học sinh còn phải học thêm, học phụ đạo, không có thời gian học các môn năng khiếu hay rèn luyện kỹ năng, tham gia thể dục thể thao, giải trí. Do đó, nếu nhà trường vừa dạy văn hóa vừa đào tạo năng khiếu lẫn kỹ năng sẽ giúp giảm áp lực, mỗi ngày đến lớp thật sự là một ngày vui đối với học sinh đồng thời phụ huynh không còn căng thẳng trong việc đưa rước; chọn thầy, cô hay trung tâm cho con theo học thêm sau giờ học trên lớp.

Tuy nhiên, để sớm hiện thực hóa chủ trương này, Nhà nước cần có chính sách đầu tư bài bản về cơ sở vật chất, đào tạo và bồi dưỡng giáo viên dạy năng khiếu hay có cơ chế đặt hàng, hợp đồng với giảng viên. Đặc biệt, việc huy động nguồn lực xã hội hóa cũng là một giải pháp khả thi nhằm chung tay xây dựng môi trường giáo dục chất lượng cao bên cạnh sự tham gia tích cực, chủ động từ các địa phương…

Minh Ngọc

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/dong-nai-cuoi-tuan/202505/som-hien-thuc-hoa-chu-truong-dung-dan-5d23028/
Zalo