Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa kiến nghị lãnh đạo UBND tỉnh

Trước thực trạng các giáo viên hợp đồng theo Nghị định 111/2022/NĐ-CP (Hợp đồng theo Nghị định 111 của Chính phủ, hưởng lương theo ngân sách, gọi tắt là giáo viên 111) lo lắng nguy cơ mình sẽ trở thành những 'lao động thời vụ' khi ngày 31/5 tới đây, hợp đồng lao động sẽ kết thúc mà chưa biết kế hoạch tiếp theo của cơ quan chức năng sẽ ký tiếp vào khi nào. Mới đây, Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị tiếp tục thực hiện Hợp đồng lao động đối với các giáo viên nói trên nhằm bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Đảm bảo quyền lợi cho giáo viên 111

Trao đổi với phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật, ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa, cho biết: “Sau khi báo chí và giáo viên phản ánh, tôi đã ký văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị nghiên cứu tiếp tục thực hiện hợp đồng lao động cho giáo viên 111; đồng thời đề xuất Sở Nội vụ tham mưu lãnh đạo tỉnh ký nối liền, để chế độ của giáo viên được liền mạch. Ngày 7/5, Sở Nội vụ cũng đã có văn bản trả lời về việc đã xây dựng phương án xin ý kiến các đơn vị, tổng hợp số lượng hợp đồng để tham mưu cho lãnh đạo tỉnh.

 Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa.

Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa.

Quan điểm của lãnh đạo Sở GD&ĐT Thanh Hóa, để ổn định đội ngũ, chuẩn bị cho năm học mới, cũng như ổn định công việc, đảm bảo cuộc sống cho người lao động yên tâm công tác, nhằm nâng cao chất lượng dạy học các nhà trường; Sở GD&ĐT đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, tiếp tục cho thực hiện ký hợp đồng theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ và hỗ trợ kinh phí liên tục trong năm (cả các tháng hè).

Theo lý giải của Sở GD&ĐT, ngành GD&ĐT có đặc thù riêng, công tác thi tốt nghiệp và tuyển sinh được thực hiện trong thời gian các tháng nghỉ hè, nhiều chương trình bồi dưỡng và công tác chuyên môn nghiệp vụ khác cũng triển khai thường xuyên trong hè. Nếu không thực hiện ký hợp đồng các tháng nghỉ hè, thì việc thực hiện ký lại các hợp đồng lao động vào đầu năm học sẽ gặp vướng mắc về pháp lý khi thực hiện ký HĐLĐ mới (thực hiện xét tuyển lại hay không) và không tránh khỏi khó khăn về nguồn lao động (có thể người lao động nghỉ việc luôn sau khi không ký hợp đồng các tháng hè). Đồng thời, để đảm bảo quyền lợi cho lao động hợp đồng tương đương với viên chức trong đơn vị (thực tế, năm 2024 tỉnh đã cấp kinh phí hỗ trợ chi trả các tháng nghỉ hè cho HĐLĐ làm giáo viên tại các cơ sở giáo dục).

Theo tìm hiểu, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng về việc giao tham mưu giải quyết đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo…Hiện nay, Sở Nội vụ đang phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, các sở, ngành có liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố; tổng hợp nhu cầu biên chế sự nghiệp giáo dục năm học 2025 - 2026 để xác định số lượng lao động hợp đồng làm giáo viên năm học 2025 - 2026, báo cáo UBND tỉnh tại phiên họp thường kỳ UBND tỉnh tháng 5 năm 2025 tới đây.

Sau khi HĐND tỉnh phê duyệt, UBND tỉnh giao chỉ tiêu lao động hợp đồng làm giáo viên năm học 2025 - 2026, Sở Nội vụ sẽ phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên quan hướng dẫn triển khai thực hiện hợp đồng lao động theo quy định của pháp luật.

Hàng trăm giáo viên gần nửa năm chưa nhận được lương

Ngoài câu chuyện về thời gian ký hợp đồng lao động, hàng trăm giáo viên 111 bậc THPT tại Thanh Hóa phản ánh tới Báo Bảo vệ pháp luật về việc, từ tháng 1/2025 đến nay, họ đi dạy mà vẫn chưa nhận được một đồng lương nào khiến cuộc sống gặp nhiều khó khăn.

Được biết, để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, năm 2024, tỉnh Thanh Hóa giao 3.840 chỉ tiêu giáo viên hợp đồng 111 cho các đơn vị tuyển dụng. Trong đó, giáo viên mầm mon, tiểu học và THCS do huyện tổ chức thi tuyển, còn giáo viên THPT do Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa tổ chức thi tuyển.

Tuy nhiên đến tháng 3, rất nhiều giáo viên hợp đồng 111 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa “kêu cứu” vì bị chậm lương, cuối tháng 3/2025, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định phê duyệt bổ sung dự toán kinh phí hỗ trợ chi trả lương, phụ cấp và các khoản đóng góp cho lao động hợp đồng làm giáo viên (đợt 1 năm 2025). Tổng dự toán kinh phí hỗ trợ gần 53 tỉ đồng, lấy từ nguồn chi sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề trong dự toán ngân sách tỉnh năm 2025 (kinh phí tuyển dụng giáo viên hợp đồng theo Nghị định 111 và các nhiệm vụ phát sinh khác).

Sau khi UBND tỉnh Thanh Hóa chi 53 tỉ đồng cho các giáo viên hợp đồng 111 trong đợt 1 năm 2025 thì một số huyện đã được nhận kinh phí hỗ trợ và kịp thời chi trả lương cho giáo viên mà họ tuyển dụng. Tuy nhiên, hơn 200 giáo viên của bậc THPT do Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Thanh Hóa tuyển dụng lại chưa nhận được kinh phí hỗ trợ.

Chị L.T.H, giáo viên 111 tại một trường THPT trên địa bàn thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa (xin được giấu tên) cho biết: Chúng tôi đang rất hoang mang, lo lắng bởi thời hạn hợp đồng chuẩn bị hết mà không biết có được ký lại hay không, và nếu ký thì bắt đầu từ khi nào. Nỗi lo lại chồng chất nỗi lo khi gần 5 tháng nay chúng tôi - những giáo viên hợp đồng 111 của bậc THPT chưa nhận được đồng lương nào. Đa số giáo viên hợp đồng chúng tôi đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, lương tháng là nguồn thu nhập chính để trang trải cuộc sống. Việc đi làm 5 tháng qua đi làm mà chưa nhận được lương khiến chúng tôi rất vất và. Nhất là những gia đình mà cả vợ lẫn chồng đều là thầy cô hợp đồng bậc THPT. Thiết nghĩ, khi giáo viên mất đi sự ổn định về công việc và thu nhập, chất lượng giảng dạy có thể bị ảnh hưởng, điều này tác động trực tiếp đến học sinh và hệ thống giáo dục địa phương.”

Liên quan vấn đề “nợ lương” của giáo viên, ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Thanh Hóa cho biết: Năm 2024, Nghị quyết của HĐND tỉnh Thanh Hóa thống nhất giao số lượng lao động hợp đồng làm giáo viên, được hỗ trợ kinh phí trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập cho UBND các huyện, thị xã, thành phố và Sở Giáo dục và Đào tạo theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ, với số lượng là 3.840 chỉ tiêu. Khi chỉ tiêu phân bổ, các huyện, thị xã, thành phố và Sở GD&ĐT đã tổ chức tuyển giáo viên. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên tuyển không hết số chỉ tiêu ấy. Trong quy định của tỉnh, chỉ những trường hợp nào đã ký hợp đồng, các đơn vị đã sử dụng lao động thì mới tổng hợp, đề xuất cấp kinh phí, chứ không phải giao chỉ tiêu bao nhiêu là tỉnh cấp bấy nhiêu kinh phí. Vì vậy, việc chi trả lương cho giáo viên sẽ đi sau một bước. Quá trình thẩm định kinh phí thì cũng mất thời gian nên thường giáo viên hợp đồng sẽ nhận lương chậm hơn so với viên chức. Được biết, Sở Tài chính cũng đang thẩm định kinh phí cho các trường THPT trên địa bàn, khả năng cuối tháng 5 này sẽ hoàn thành việc chi trả lương cho giáo viên 111.

Những giáo viên hợp đồng đã phải chịu “thiệt đơn thiệt kép”, mặc dù khối lượng công việc của họ cũng không kém gì những giáo viên đã vào viên chức. Có lẽ, cơ quan chức năng cần sớm có biện pháp “gỡ khó” cho họ, để các thầy cô không phải nơm nớp lo âu về công việc của mình và yên tâm công tác, hết lòng cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Trước đó, Báo Bảo vệ pháo luật đã có bài viết: Hàng trăm giáo viên lo lắng sẽ trở thành “lao động thời vụ”phản ánh tình trạng hàng loạt giáo viên hợp đồng theo Nghị định 111 tại Thanh Hóa vô cùng lo lắng, bất an khi thời hạn hợp đồng chuẩn bị hết vào ngày 31/5 tới đây, nhưng không biết có được ký lại hay không, và nếu ký thì bắt đầu từ thời gian nào?

Đinh Huê

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/giao-duc/so-giao-duc-va-dao-tao-tinh-thanh-hoa-kien-nghi-lanh-dao-ubnd-tinh-177459.html
Zalo