Sớm giải quyết vấn đề nước tưới cho người dân bản Mển

Trong quá trình thi công sửa chữa quốc lộ 12, hệ thống kênh mương dẫn nước phục vụ tưới tiêu cho ruộng lúa của người dân bản Mển và Hua Ná (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên) đã bị ảnh hưởng. Đơn vị thi công thay thế bằng đường ống nhựa nhưng do thiết kế không phù hợp, nước không thể chảy về ruộng, gây khô hạn. Trước thực trạng này, các cấp, ngành cần sớm có giải pháp khắc phục hiệu quả, đảm bảo quyền lợi và sinh kế cho người dân.

Diện tích lúa của người dân bản Mển bị khô héo vì thiếu nước.

Diện tích lúa của người dân bản Mển bị khô héo vì thiếu nước.

Từ quốc lộ 12 có thể dễ dàng quan sát thấy những chân ruộng lúa nước của người dân bản Mển đã ngả màu vàng úa. Dưới chân ruộng, lớp đất nứt toác thành từng khe sâu, khô khốc. Nước không về các chân ruộng khiến người dân chỉ biết ngậm ngùi nhìn lúa chết dần. Đây là vụ lúa thứ 3 liên tiếp bị ảnh hưởng bởi khô hạn, khiến đời sống bà con thêm khó khăn.

Dẫn chúng tôi thăm cánh đồng lúa khô héo, ông Lường Văn Khánh, Trưởng bản Mển bày tỏ: Trước đây, hệ thống kênh mương kiên cố do Nhà nước đầu tư đã phục vụ việc tưới tiêu cho hơn 20ha lúa hai vụ của người dân bản Mển và Hua Ná. Tuy nhiên, vào cuối năm 2023, khi triển khai gói thầu thi công xây dựng công trình, sửa chữa hư hỏng nền, mặt đường gia cố lề đường đoạn Km182+700 - Km189+320 (quốc lộ 12), nhằm phục vụ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, đơn vị thi công đã mở rộng nền đường, làm ảnh hưởng đến hệ thống kênh mương dẫn nước. Mặc dù đơn vị thi công đã thay thế bằng hệ thống ống nhựa HDPE để dẫn nước, nhưng do đường ống lắp có độ dốc thấp, nước không thể chảy về các thửa ruộng của bản Mển, trong khi bản Hua Ná lại bị thừa nước. Hệ quả là 3 vụ mùa liên tiếp, người dân bản Mển bị thiệt hại nặng, năng suất lúa giảm từ 50 - 70% trên tổng diện tích hơn 15ha.

Chân ruộng bị khô nứt nẻ.

Chân ruộng bị khô nứt nẻ.

Qua ý kiến, kiến nghị của nhân dân hai bản, lãnh đạo UBND xã cùng đại diện bản đã nhiều lần gặp chủ đầu tư để bàn giải pháp khắc phục hệ thống mương dẫn nước đảm bảo phục vụ tưới tiêu cho nhân dân, nhưng hiện nay chưa được giải quyết. Vấn đề mấu chốt nằm ở phần đất của ông Lường Văn Ún (bản Mển), nơi tuyến kênh đi qua. Ban đầu, ông Ún yêu cầu mức đền bù 5 triệu đồng/m² cho diện tích 60m² (tổng 300 triệu đồng) nên không được chấp thuận. Sau nhiều lần vận động, gia đình ông đồng ý mức bồi thường 80 triệu đồng nhưng hai bên vẫn chưa thống nhất.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã Thanh Nưa cho biết: Thực hiện gói thầu, toàn tuyến có 15 hộ có đất sản xuất bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, dự án không có kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng. Nhờ tuyên truyền, vận động, hầu hết các gia đình đã đồng thuận, duy chỉ có gia đình ông Ún và nhà thầu chưa thể thỏa thuận được khiến cho việc thống nhất xây dựng lại tuyến kênh bê tông gặp khó. Dù chính quyền địa phương và chủ đầu tư đã vào cuộc rất tích cực nhưng vẫn chưa thể giải quyết. Vì vậy, chủ đầu tư đã tiến hành lắp đặt đường ống HDPE. Dù ban đầu chính quyền xã, phòng chuyên môn huyện, người dân phản đối phương án này vì không khả thi song đơn vị thi công vẫn tiến hành. Thực tế đã chứng minh đường ống không đủ khả năng cung cấp nước, gây thiệt hại cho sản xuất.

Đường ống lắp đặt thay thế cho kênh mương bê tông.

Đường ống lắp đặt thay thế cho kênh mương bê tông.

Trước phản ánh của người dân, Sở Giao thông vận tải (tên cũ) đã chỉ đạo Ban Bảo trì đường bộ kiểm tra. Trong văn bản số 2122/SGTVT-BBTĐB ngày 30/8/2024, Sở xác nhận dự án có hạng mục đầu tư kiên cố hóa kênh mương thủy lợi song song với sửa chữa Quốc lộ 12. Tuy nhiên, đoạn từ Km188+274 đến Km188+625 (dài khoảng 350m) phải thay thế bằng ống HDPE do vướng mắc mặt bằng.

Ông Phạm Văn Phúc, Giám đốc Ban Bảo trì đường bộ cho biết: Ban đầu hệ thống ống vẫn vận hành tốt, nhưng sau đó bị một số người bỏ đá vào làm tắc nghẽn dòng chảy. Đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với chính quyền và người dân để tìm giải pháp khắc phục, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu.

Hệ thống ống lắp đặt có độ dốc thấp nên không thể dẫn nước về chân ruộng thấp, còn vị trí ruộng cao tại đầu nguồn lại thừa nước tưới.

Hệ thống ống lắp đặt có độ dốc thấp nên không thể dẫn nước về chân ruộng thấp, còn vị trí ruộng cao tại đầu nguồn lại thừa nước tưới.

Sau nhiều lần người dân kiến nghị, ngày 20/12/2024, Sở Giao thông vận tải tiếp tục ban hành Văn bản số 3416/SGTVT-BBTĐB trả lời đơn đề nghị của bà con bản Mển và Hua Ná. Đồng thời đề nghị UBND xã Thanh Nưa phối hợp với hai bản tổ chức quản lý, điều tiết nguồn nước hợp lý. Tiếp tục vận động gia đình ông Lường Văn Ún tạo điều kiện về mặt bằng để lắp đặt tuyến ống thuận lợi hơn. Nếu không thể đạt thỏa thuận, cần báo cáo UBND huyện để thực hiện thu hồi đất, hỗ trợ, bồi thường theo quy định pháp luật. Sở cũng đề nghị UBND huyện Điện Biên chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với xã Thanh Nưa rà soát và giải quyết các vướng mắc về mặt bằng. Sau khi hoàn tất công tác mặt bằng, Sở sẽ phối hợp triển khai xây dựng lại hệ thống kênh mương đảm bảo hiệu quả tưới tiêu cho người dân.

Thực trạng thiếu nước sản xuất kéo dài không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến năng suất, sản lượng lúa mà còn gây bức xúc trong cộng đồng dân cư bản Mển và Hua Ná. Việc khắc phục tạm thời bằng hệ thống ống nhựa chưa mang lại hiệu quả như mong đợi, trong khi việc xây dựng lại tuyến kênh mương kiên cố vẫn gặp vướng mắc do chưa thống nhất về mặt bằng. Trước những khó khăn trên, rất cần sự vào cuộc quyết liệt và phối hợp đồng bộ giữa các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và người dân để sớm giải quyết dứt điểm. Qua đó góp phần đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, ổn định sinh kế, phát triển nông nghiệp bền vững cho người dân trên địa bàn. Đặc biệt là việc tháo gỡ những điểm nghẽn còn tồn tại, giúp hạn chế những sự việc kéo dài, gây mất lòng tin và ảnh hưởng đến an sinh xã hội tại địa phương.

Phạm Quang

Nguồn Điện Biên Phủ: https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/kinh-te/som-giai-quyet-van-de-nuoc-tuoi-cho-nguoi-dan-ban-men
Zalo