3 tỉnh Vĩnh Long, Bến Tre và Trà Vinh sau sáp nhập sẽ có 124 đơn vị cấp xã
Theo Dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh thì 3 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và Vĩnh Long sẽ sáp nhập thành tỉnh mới tên tỉnh Vĩnh Long, có 124 đơn vị hành chính cấp xã.
UBND tỉnh Vĩnh Long đã chủ trì xây dựng Dự thảo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh trên cơ sở hợp nhất 3 tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và Vĩnh Long thành tỉnh mới, mang tên tỉnh Vĩnh Long.
Ba địa phương có nhiều điểm tương đồng
Dự thảo đang được triển khai lấy ý kiến nhân dân ba địa phương trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Theo nội dung dự thảo Đề án, phương án sắp xếp này được xây dựng trên cơ sở thực hiện Nghị quyết số 60-NQ/TW ngày 12/4/2025 của Hội nghị Trung ương 11 khóa XIII và Kết luận số 130-KL/TW ngày 14/3/2025 của Bộ Chính trị về chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp.
Việc hợp nhất 3 tỉnh được xác định là bước đi chiến lược nhằm tinh gọn bộ máy, tăng hiệu quả quản lý nhà nước, tiết kiệm ngân sách và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội vùng.
Ba tỉnh Bến Tre, Trà Vinh và Vĩnh Long có nhiều điểm tương đồng về điều kiện tự nhiên, văn hóa, xã hội, lịch sử hình thành đơn vị hành chính cũng như sự gắn kết về dân cư, giao thông và hạ tầng.
Việc hợp nhất sẽ giúp mở rộng không gian phát triển, tăng cường liên kết vùng, khai thác tối đa lợi thế của từng địa phương.

Trung tâm hành chính tỉnh Vĩnh Long
Về tên gọi và trung tâm hành chính sau sắp xếp, đề án đề xuất giữ tên “tỉnh Vĩnh Long” do địa danh này có bề dày lịch sử và từng là một trong sáu tỉnh đầu tiên được thành lập ở Nam Bộ. Thành phố Vĩnh Long cũng có vị trí địa lý trung tâm, hệ thống giao thông thuận lợi, phù hợp để đặt trụ sở hành chính – chính trị tỉnh mới.
Sau khi sáp nhập, tỉnh Vĩnh Long mới có diện tích tự nhiên hơn 6.296 km², dân số hơn 4,1 triệu người, vượt xa tiêu chuẩn tối thiểu về diện tích và dân số theo quy định. Tỉnh có 124 đơn vị hành chính cấp xã.
Thành lập mới 5 cơ quan và 2 đảng bộ
Về tổ chức bộ máy, dự thảo đề xuất phương án hợp nhất đồng bộ các cơ quan Đảng, chính quyền, mặt trận và đoàn thể chính trị – xã hội. Tỉnh ủy Vĩnh Long sẽ thành lập mới 5 cơ quan và 2 đảng bộ trên cơ sở sáp nhập các cơ quan tương ứng từ ba tỉnh gồm: Văn phòng Tỉnh ủy; Ban Tổ chức Tỉnh ủy; Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy; Ban Nội chính Tỉnh ủy; Ban Tuyên Giáo và Dân vận Tỉnh ủy; Đảng bộ Các cơ quan Đảng tỉnh; Đảng bộ UBND tỉnh.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh sẽ tiếp nhận chức năng tham mưu từ các tổ chức đoàn thể sau khi hợp nhất. Thành lập 2 đơn vị sự nghiệp trên cơ sở hợp nhất các cơ quan tương ứng của 3 tỉnh gồm: Trường Chính trị; Báo và Đài Phát thanh và Truyền hình
HĐND tỉnh mới được hợp thành từ các HĐND hiện hữu của 3 tỉnh, duy trì hoạt động đến hết nhiệm kỳ. Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh sẽ được hợp nhất. Tổng số đại biểu Quốc hội của ba tỉnh hiện nay là 17, còn đại biểu HĐND là 150 người.
UBND tỉnh Vĩnh Long sau sáp nhập sẽ có đầy đủ các thành viên và tổ chức lại 13 cơ quan chuyên môn trên cơ sở sáp nhập tương ứng. Đồng thời, thành lập Ban Quản lý các khu kinh tế và khu công nghiệp chung cho toàn tỉnh.
Các đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế, giáo dục, truyền thông sẽ được rà soát, giữ nguyên hoặc sắp xếp lại theo hiệu quả hoạt động thực tế. Trường Đại học Trà Vinh và các đơn vị liên xã vẫn tiếp tục duy trì hoạt động.

Dự kiến sau sắp xếp Trường Đại học Trà Vinh và các đơn vị liên xã vẫn tiếp tục duy trì hoạt động.
Đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước, Sở Tài chính từng tỉnh sẽ rà soát, tham mưu mô hình hoạt động phù hợp và xử lý việc chuyển giao theo đúng quy định, trong đó có việc nghiên cứu sáp nhập các công ty xổ số kiến thiết.
Các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang như Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Công an tỉnh và Bộ đội Biên phòng sẽ thực hiện theo hướng dẫn và quyết định của cấp có thẩm quyền.
Lộ trình sắp xếp sẽ được thực hiện ngay sau khi có nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, toàn bộ bộ máy chính quyền sẽ vận hành từ thời điểm đó. Các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm xây dựng đề án cụ thể về tổ chức bộ máy, nhân sự và sắp xếp cán bộ, công chức, viên chức, đảm bảo hoàn thành trước ngày 1-8-2025.
Việc hợp nhất ba tỉnh thành một đơn vị hành chính không chỉ là yêu cầu tất yếu theo chủ trương của Trung ương, mà còn mở ra cơ hội lớn để tạo nên một tỉnh mạnh về quy mô, năng lực quản trị và phát triển đồng đều, bền vững trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long.