Sôi nổi những mô hình văn hóa văn nghệ phát triển từ Dự án 6

Từ năm 2022, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu của Dự án số 6 'Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch' (gọi tắt là Dự án 6) thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã đem lại lợi ích cho cộng đồng dân tộc thiểu số ở Tây Bắc.

 Tiết mục văn nghệ độc đáo của thiếu nữ Tây Bắc

Tiết mục văn nghệ độc đáo của thiếu nữ Tây Bắc

Dân ca dân vũ nâng cao đời sống tinh thần

Phong trào văn hóa văn nghệ ở các làng bản người dân tộc thiểu số có những chuyển biến mạnh mẽ kể từ khi Dự án 6 được triển khai. Hàng tuần, chị Nông Thị Minh, ở xã Vĩnh Yên, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai đến nhà văn hóa tham gia tập luyện dân vũ rất đều đặn. Với sự tham gia của hàng chục chị em, từ năm 2022 đến nay, việc tập luyện dân vũ với họ đã thành nếp quen thuộc.

Những bài tập được chị em tự rèn rũa, đào tạo lẫn nhau để tập cho đồng đều. Với họ, những buổi tập này chẳng những để có vốn cho các lần đi biểu diễn, mà còn để thể dục thể thao nâng cao sức khỏe. Vì thế ai nấy đều say sưa tập luyện một cách tự giác.

Câu lạc bộ Dân ca dân vũ của người Tày ở huyện Bảo Yên, Lào Cai

Câu lạc bộ Dân ca dân vũ của người Tày ở huyện Bảo Yên, Lào Cai

Chị Ma Thị Duyên ở thôn Nậm Rịa, xã Nghĩa Đô, huyện Bảo Yên, cho biết: “Bây giờ phong trào dân vũ phát triển mạnh, các làng bản đều có đội dân vũ, chị em đều say mê tham gia luyện tập, vừa tốt cho sức khỏe lại vừa vui. Hội LHPN còn tổ chức thi dân vũ cho chị em, nên tôi thấy phong trào rất có ích cho cuộc sống”.

Ngoài dân vũ, phong trào sưu tầm và hát dân ca truyền thống của người Tày ở Bảo Yên, Lào Cai cũng được chú trọng. Nếu dân vũ chỉ có chị em phụ nữ tham gia, thì dân ca còn có sự góp mặt của cả nam giới. Do đó, các màn hát đối đáp được người dân thể hiện rất thuần thục trong những ngày lễ, tết ở cộng đồng.

Ông Phạm Thanh Đồng, cán bộ Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Lào Cai, cho hay: “Dự án 6 đã đem lại những hiệu quả tích cực ở cộng đồng dân cư. Người dân nhiệt tình đón nhận cũng như hưởng ứng thực hiện, vì Dự án đem lại những hiệu quả trực tiếp đến đời sống của cộng đồng. Nhờ đó đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân. Cho đến nay, hầu như ở các thôn bản trên địa bàn tỉnh Lào Cai đều có các đội, các Câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, dân vũ. Người dân tham gia sinh hoạt rất đều đặn, tạo ra phong trào khá sôi nổi ở các địa phương”.

Văn nghệ trở thành sản phẩm du lịch đặc thù và hút khách

Người Dao ở thôn Ngòi Tu, xã Vũ Linh (Yên Bình, Yên Bái) đã xây dựng các đội văn nghệ thôn, với sự tham gia của cả nam và nữ. Họ khai thác các tiết mục, các làn điệu truyền thống của dân tộc Dao, để xây dựng thành hệ thống tiết mục văn nghệ biểu diễn phục vụ du khách.

Do có bề dày về phát triển du lịch cộng đồng từ hàng chục năm trở lại đây, nhưng chỉ từ khi thực hiện Dự án số 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các DTTS gắn với phát triển du lịch”, thì người dân mới chú trọng đến việc đẩy mạnh khai thác các tiết mục văn hóa văn nghệ truyền thống mang tính đặc thù của tộc người, để ứng dụng vào khai thác phát triển du lịch.

Câu lạc bộ Dân ca dân vũ người dân tộc Dao

Câu lạc bộ Dân ca dân vũ người dân tộc Dao

Ông Tưởng Văn Hà, ở xã Vũ Linh, cho hay: “Trước kia thì người dân vẫn làm theo kiểu tự phát, mạnh ai nấy làm, nhưng từ năm 2022, khi ngành văn hóa tuyên truyền vận động người dân bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc, thì mọi người mới chú trọng vào thành lập đội văn nghệ, tập luyện có chương trình, có bài bản. Nhờ đó, phong trào văn nghệ ở thôn mới mạnh như bây giờ. Dù không có khách du lịch thì người dân vẫn sinh hoạt biểu diễn văn nghệ bình thường. Hoạt động này như một hình thức làm tốt đẹp thêm cho cuộc sống”.

Ông Huỳnh Văn Tuấn, khách du lịch đến từ thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, chia sẻ: “Việc du lịch nghỉ dưỡng thì ở đâu cũng có thể có các dịch vụ theo tiêu chuẩn hiện đại, nhưng điều đặc biệt ở mỗi điểm du lịch vùng Tây Bắc là những giá trị văn hóa truyền thống của người dân tộc bản địa. Mỗi nơi, mỗi dân tộc lại có những nét văn hóa khác nhau, tạo thành những sản phẩm du lịch văn hóa rất đặc thù, thu hút du khách.

Ví dụ như chúng tôi không đến đây thì khó mà biết được người dân tộc Dao ở bản Ngòi Tu này có nhiều nét văn hóa truyền thống độc đáo và hay như vậy. Việc khai thác và áp dụng các nét văn hóa truyền thống vào phát triển du lịch cộng đồng như ở đây là rất hợp lý”.

Hoàng Sa

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/soi-noi-nhung-mo-hinh-van-hoa-van-nghe-phat-trien-tu-du-an-6-20231202093044237.htm
Zalo