Sôi động cuộc 'chạy đua drone biển' trên toàn cầu

Sự phát triển của các thiết bị bay không người lái (drone) quân sự đã làm thay đổi tương quan chiến tranh hiện đại ở các khu vực xung đột như Ukraine và Gaza, một diễn biến mà Mỹ - quốc gia có quân đội hùng mạnh nhất thế giới - và đối thủ đứng thứ hai là Trung Quốc hết sức chú ý.

Không chỉ có ưu thế ở trên không, các drone hiện còn được xem là "vũ khí hải chiến mới", theo đó các chuyên gia nhận định, "các thiết bị không người lái trên mặt nước nay trở thành một loại vũ khí có vai trò quyết định trong hải chiến".

Không chỉ có Mỹ và Trung Quốc, rất nhiều quốc gia ở cả châu Âu và châu Á khác cũng đều đang sốt sắng với cuộc chạy đua drone này.

Từ chiến trường Ukraine

Hiệu quả sát thương của các thiết bị không người lái trên biển đã được chứng minh ở Biển Đen, nơi Ukraine đã triển khai các tàu cao tốc điều khiển từ xa chứa đầy thuốc nổ để đánh chìm các khinh hạm và tàu quét mìn của Nga kể từ cuối năm 2022.

Trong chuyên mục "Giải mã" ngày 26/10, báo "Le Figaro" nhắc lại việc lực lượng Ukraine đặt camera Go Pro lên thuyền có động cơ gắn ngoài, chở các thùng đầy nhiên liệu, biến chúng trở thành một loại drone biển có khả năng tấn công tàu Nga. Theo bài báo này, những phát minh khéo léo nói trên có thể đạt hiệu quả ngang với các loại vũ khí tinh vi, đắt tiền.

Drone biển được dự báo sẽ trở thành vũ khí chủ chốt trong các cuộc hải chiến trong tương lai.

Drone biển được dự báo sẽ trở thành vũ khí chủ chốt trong các cuộc hải chiến trong tương lai.

Theo ý kiến một chuyên gia đăng trên tờ "Le Monde" ngày 3/11, một quân đội dù không có lực lượng hải quân như Ukraine nhưng lại có thể đối phó được hạm đội Nga, một trong những hạm đội hùng mạnh nhất thế giới tại Biển Đen, là một trong những điều gây bất ngờ lớn nhất trong chiến tranh Ukraine.

Cho dù các drone mặt nước không phải là vũ khí mới, nhưng theo chuyên gia Léo Péria-Peigné của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, "những phát triển công nghệ gần đây về thiết bị điện tử trên tàu đã cho phép chế tạo những tàu nhỏ hơn, mạnh hơn và có khả năng chống chịu cao hơn với môi trường vốn đòi hỏi nhiều yêu cầu khắt khe". Cũng theo chuyên gia này, "nghiên cứu về drone mặt nước đang tiến triển tương đối chậm, nhưng cuộc chiến ở Ukraine đã tạo ra một cú hích vô cùng mạnh".

Nước Pháp cũng được ghi nhận có thay đổi chiến lược do tác động của chiến tranh Ukraine. Theo một nguồn thạo tin của "Le Monde", một lộ trình đã được vạch ra từ cuối năm 2023 để Hải quân Pháp "không bị các đối thủ cạnh tranh vượt mặt", nhưng đến những tháng gần đây, Pháp mới tăng tốc và đến cuối năm 2024, Cơ quan Đổi mới Quốc phòng dường như mới khởi động chương trình nghiên cứu drone mặt nước có vũ trang. Trong bối cảnh căng thẳng và xung đột gia tăng tại nhiều vùng biển trên thế giới, từ Biển Đông đến Biển Đen, Biển Đỏ…, triển lãm Hải quân Quốc tế Euronaval tại Paris, Pháp mới diễn ra đầu tháng 11/2024 đã cho thấy sự thống lĩnh của các thiết bị không người lái trên biển (drone biển).

Trước đó, hồi tháng 9, Tập đoàn Naval Group, nhà sản xuất tàu quân sự chính của Pháp, đã công bố loại drone Seaquest, một loại drone mặt nước có chiều dài 6-50m, đặc biệt dành cho các hoạt động phòng thủ ven biển hoặc bảo vệ các tàu hải quân, ví dụ tàu sân bay. Tuy nhiên, đến nay, hãng đóng tàu Naval Group vẫn chưa nhận được đơn đặt hàng drone nào từ nhà nước Pháp.

Trong khi đó, theo nhận định của Tamara Brizard, nhà đồng sáng lập Arke Oceán, công ty chuyên sản xuất những đàn drone lặn kích cỡ nhỏ của Pháp, dẫu bị tụt lại phía sau trong phân khúc drone trên không, lần này, Pháp lại có nhiều ưu thế để trở thành quốc gia số một trong lĩnh vực drone biển, nhờ các công ty nhỏ nhưng rất năng động ở vùng ven biển Côte d'Azur và Bretagne.

Ban đầu, những drone này được chế tạo nhằm mục đích bảo vệ đa dạng sinh học, nhưng sau đó, Arke Oceán đã tìm ra ứng dụng quân sự cho loại drone dân sự của công ty. Theo ông Tamara Brizard, các drone lặn nhỏ sẽ không thể ra khơi xa nhưng trái lại, chúng có khả năng định vị chính xác hơn nhiều. Vì vậy, các đàn drone được dùng để bảo vệ các địa điểm, phát hiện các âm thanh. Chúng có thể hoạt động và nghe dưới đáy biển cả tháng trời. Khi nghe thấy dấu hiệu cho thấy có mối đe dọa từ các thợ lặn hoặc tàu thuyền, đàn drone sẽ phát ra âm thanh báo động.

Nhìn rộng hơn ra khắp châu Âu, do ngân sách hạn chế, các đầu tư trong những năm gần đây ở Lục địa già chủ yếu liên quan đến drone lặn, trong bối cảnh việc bảo vệ các cảng, lối tiếp cận hoặc cơ sở hạ tầng biển dường như cấp bách hơn. Tây Ban Nha, Italy và Anh trong những năm gần đây mới cho ra mắt một vài mô hình drone biển, chỉ có Berlin là cho thấy Đức có tham vọng lớn trong việc phát triển drone mặt nước. Hồi tháng 3/2023, Hải quân Đức đã giới thiệu một dự án tương tự như dự án của Hàn Quốc, theo đó từ nay đến năm 2035, 1/3 hạm đội của Đức sẽ là drone biển thế hệ mới.

So với các nước châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ được xem là một ngoại lệ. Một số chương trình drone mặt nước khá tân tiến, trong đó có một mẫu drone kamikaze, đã được trình làng ngay từ đầu những năm 2020. Đây là những thuyền động cơ thủy gắn ngoài nhỏ, có thể thích ứng mọi nhu cầu, từ thiết bị viễn thông, gây nhiễu đến các loại vũ khí khác nhau (ngư lôi chống tàu ngầm, tên lửa dẫn đường để chiến đấu trên mặt nước). Ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn hướng nhiều đến nước ngoài, được huy động để xuất khẩu các thiết bị tương đối rẻ tiền. Ankara hy vọng drone mặt nước của Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ đạt thành công tương tự như drone trên không.

Cuộc đua ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Đối với Washington, thách thức thực sự là làm sao duy trì được ưu thế ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Ngoài một đội drone cỡ nhỏ giống như những drone được sử dụng ở Ukraine, Mỹ còn bắt tay vào phát triển các tàu chiến không người lái thực sự. Tuy nhiên, do các nhà máy đóng tàu của Mỹ khó theo kịp tốc độ chế tạo tàu của đối thủ Trung Quốc nên drone biển được xem là một giải pháp khả thi. Lầu Năm Góc đặt mục tiêu đến năm 2045 sẽ có một hạm đội hỗn hợp gồm hơn 370 tàu thông thường và 150 drone biển. Trong năm 2024 - 2025, Hải quân Mỹ sẽ chi 1 tỷ USD cho riêng các chương trình drone biển, ngoài ngân sách 32 tỷ USD để đóng các tàu thông thường cho năm 2025.

Đài Bắc cũng có tham vọng lớn về phát triển drone biển để đối phó với những mối đe dọa tiềm tàng. Bắt đầu được triển khai cách nay 2 năm, việc phát triển drone biển mang chất nổ đang được tiến hành với tốc độ tối đa. Vào tháng 6, nhà sản xuất tàu của Đài Loan CITIC Shipbuilding đã cho trình làng bản mẫu đầu tiên của drone mặt nước. Dài 16,5m và có tầm hoạt động 40 km, drone này được lấy cảm hứng trực tiếp từ mô hình drone phổ biến nhất của Ukraine: thuyền có động cơ thủy gắn ngoài cỡ nhỏ. Drone biển của Đài Loan có thể đạt tốc độ 30 hải lý/giờ (khoảng 55km/giờ). Theo nhà sản xuất, sớm nhất là vào năm 2026, drone có thể được sản xuất "đại trà".

Các thiết bị bay không người lái đã tỏ ra hiệu quả trên chiến trường Ukraine.

Các thiết bị bay không người lái đã tỏ ra hiệu quả trên chiến trường Ukraine.

Trong 2 năm qua, Trung Quốc đã đầu tư mạnh mẽ và toàn diện vào thiết bị bay không người lái, chế tạo các thiết bị nhanh hơn, thông minh hơn và thích ứng hơn cho hải quân, lục quân và không quân của mình với mức độ thu hút sự chú ý của toàn bộ giới quan sát quân sự.

Hải quân Hàn Quốc từ năm 2022 cũng đã tái cơ cấu, chuyển đổi 1 trong 3 hạm đội thành một "bộ chỉ huy lực lượng hải quân không người lái". Đây được xem là một thay đổi lớn nhằm phát triển một đội drone mặt nước, một đội drone lặn và một đội drone trên không. Mục tiêu của Seoul là đến năm 2035 sẽ tăng số drone mặt nước, hiện chiếm chưa đến 10%, lên thành 30%.

Ấn Độ dường như cũng đã lao vào cuộc chạy đua toàn cầu này khi xúc tiến triển khai công nghệ không người lái phóng từ tàu ngầm. Sự phát triển của các phương tiện bay không người lái phóng từ tàu ngầm (SLUAV), còn được gọi là phương tiện bay không người lái phóng từ dưới nước (ULLUAV), dự kiến sẽ cách mạng hóa các hoạt động hàng hải.

Tuy nhiên, Phát triển SLUAV là một nỗ lực phức tạp, đầy rẫy những thách thức đáng kể. Một trong những trở ngại chính là duy trì liên lạc vô tuyến đáng tin cậy dưới nước. Không giống như UAV trên không được hưởng lợi từ liên lạc trực tiếp với các trạm mặt đất, SLUAV phải hoạt động trong môi trường mà tín hiệu vô tuyến bị suy yếu nghiêm trọng. Nước, đặc biệt là nước mặn, làm suy yếu tín hiệu điện từ, khiến việc liên lạc thời gian thực gần như không thể. Để khắc phục điều này, SLUAV cần có hệ thống dẫn đường tự động tiên tiến, cho phép chúng đi theo các đường bay được lập trình sẵn và thực hiện nhiệm vụ mà không cần sự can thiệp của con người theo thời gian thực. Các hệ thống này phải mạnh mẽ và đáng tin cậy, có khả năng xử lý nhiều loại hồ sơ nhiệm vụ và điều kiện môi trường.

Một thách thức quan trọng khác là việc thu hồi SLUAV sau khi thực hiện nhiệm vụ. Môi trường dưới nước đặt ra những rào cản hậu cần đặc thù, đòi hỏi các giải pháp sáng tạo để thu hồi những thiết bị này một cách an toàn và hiệu quả. Đảm bảo rằng có thể thu hồi chúng mà không ảnh hưởng đến khả năng tàng hình và sự hoạt động toàn vẹn của tàu ngầm đòi hỏi kỹ thuật cao và lập kế hoạch tỉ mỉ.

Bất chấp những trở ngại này, drone biển vẫn được kỳ vọng sẽ trở thành một yếu tố chủ chốt trong các cuộc hải chiến tương lai, bởi chúng sẽ giúp đảm bảo sự hiện diện gần như thường trực của hải quân của một quốc gia, kể cả ở các đại dương dẫu là rộng lớn nhất và xa xôi nhất nhưng cũng là trung tâm của sự cạnh tranh giữa các quốc gia.

Ngọc Bích

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/khoa-hoc-van-minh/soi-dong-cuoc-chay-dua-drone-bien-tren-toan-cau-i754798/
Zalo