Sở Tư pháp: Nỗ lực thực hiện công tác xây dựng pháp luật
Với việc triển khai nhiều giải pháp đẩy nhanh tiến độ xây dựng, thẩm định các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và các nghị định hướng dẫn thi hành, năm 2024, Sở Tư pháp Khánh Hòa đã hoàn thành tốt công tác xây dựng pháp luật.
Đẩy nhanh tiến độ xây dựng, thẩm định các văn bản
Ngày 29-6-2024, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, có hiệu lực từ ngày 1-8-2024, sớm hơn 5 tháng so với quyết nghị trước đó của Quốc hội (trừ khoản 2, khoản 3 Điều 252 Luật Đất đai). Chính phủ và các bộ đã ban hành hơn 20 nghị định, thông tư, quyết định hướng dẫn thi hành 3 luật. Thủ tướng Chính phủ đã đôn đốc các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành 3 luật. Sở Tư pháp đã chủ động tham mưu UBND tỉnh ban hành danh mục văn bản quy định chi tiết, giao các cơ quan chủ trì soạn thảo với thời hạn cụ thể; hằng tuần báo cáo tiến độ thực hiện. Tuy nhiên, do thời gian có hiệu lực của 3 luật được điều chỉnh sớm lên, trong khi có hơn 90 nội dung được giao quy định chi tiết, nhiều nội dung lại phức tạp và mới nên đến ngày 15-10-2024, Khánh Hòa mới ban hành được 3 văn bản quy định chi tiết 23 nội dung.
![Cán bộ, công chức Phòng Nghiệp vụ 1 (Sở Tư pháp) trao đổi về việc thẩm định một dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_435_51434588/85db5953621d8b43d20c.jpg)
Cán bộ, công chức Phòng Nghiệp vụ 1 (Sở Tư pháp) trao đổi về việc thẩm định một dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai.
Ngày 22-10-2024, Thủ tướng Chính phủ có công điện phê bình nghiêm khắc một số địa phương và yêu cầu hoàn thành ban hành các văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai trước ngày 31-10-2024. Trong gần 10 ngày, thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh, Sở Tư pháp đã tập trung triển khai nhiều giải pháp tham mưu UBND tỉnh ban hành 15 văn bản đôn đốc; hướng dẫn, phối hợp cho ý kiến 32 đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), dự thảo VBQPPL; hoàn thành sớm và đúng hạn 24 dự thảo báo cáo thẩm định, trong đó có 22 dự thảo thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Chủ động thực hiện
Ông Lý Nguyễn Nguyên Vũ - Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, áp lực lớn nhất của sở là hầu hết dự thảo VBQPPL đều thực hiện theo trình tự, thủ tục rút gọn nên thời hạn thẩm định chỉ có 7 ngày. Các hồ sơ liên quan đến 3 luật gửi thẩm định tập trung chủ yếu từ ngày 22 đến 30-10-2024. Trong khi đó, Phòng Nghiệp vụ 1 có 6 người, phải thực hiện rất nhiều nhiệm vụ, riêng nhiệm vụ này chỉ có 4 cán bộ, công chức chuyên trách. Để đạt được kết quả nêu trên, lãnh đạo sở đã chỉ đạo toàn bộ cán bộ, công chức phải xác định đây là nhiệm vụ quan trọng nhất và ưu tiên hàng đầu; chú trọng nâng cao chất lượng thẩm định dự thảo VBQPPL; đẩy nhanh tiến độ; tuân thủ trình tự, thủ tục gắn với kiểm soát chặt chẽ quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và lợi ích nhóm trong xây dựng pháp luật. Lãnh đạo sở đã linh hoạt, sáng tạo, đổi mới trong công tác lãnh đạo; cán bộ, công chức làm việc với tinh thần chủ động, khẩn trương, trách nhiệm. Đặc biệt, Phòng Nghiệp vụ 1 đã tham mưu sở lập danh mục các nội dung được giao quy định chi tiết cho từng cơ quan; xây dựng thời gian hoàn thành từng bước trong quy trình xây dựng từng VBQPPL và thường xuyên điều chỉnh cho phù hợp; theo dõi sát tiến độ thực hiện; hằng tuần báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh. Tại các cuộc họp rà soát tiến độ của UBND tỉnh, phòng cũng có ý kiến đối với những nội dung cần lưu ý để đảm bảo hồ sơ gửi Sở Tư pháp thẩm định đầy đủ, đúng trình tự, thủ tục quy định. Tuy hầu hết cơ quan đều lập đề nghị xây dựng VBQPPL trình Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý chủ trương theo trình tự, thủ tục rút gọn, không phải lấy ý kiến Sở Tư pháp, nhưng khi nhận được yêu cầu của Chủ tịch UBND tỉnh, đề nghị của các cơ quan chuyên môn về cho ý kiến đối với đề nghị xây dựng VBQPPL, phòng luôn chủ động, khẩn trương tham mưu lãnh đạo sở có ý kiến trong vòng 1 ngày, cao điểm có ngày cho ý kiến 7 văn bản. Tất cả công chức Phòng Nghiệp vụ 1 được tăng cường làm việc ngoài giờ. Công chức được phân công thẩm định đồng đều về số lượng văn bản; phù hợp với năng lực, lĩnh vực phụ trách của từng người; đồng thời được phân công kiểm tra, hướng dẫn cơ quan chủ trì soạn thảo hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị thẩm định. Các công chức chủ động cập nhật thông tin liên quan đến nội dung thẩm định qua nhiều kênh. Trong quá trình thẩm định, công chức thẩm định phối hợp chặt chẽ với công chức soạn thảo để nhanh chóng chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo văn bản quy định chi tiết, hoàn thành báo cáo thẩm định trong 1-3 ngày đảm bảo chất lượng. Sau khi thẩm định, phòng còn theo dõi sát kết quả tiếp thu, giải trình ý kiến thẩm định của cơ quan chủ trì soạn thảo; kịp thời có ý kiến nếu cần.
Nhờ đó, năm 2024, Sở Tư pháp đã hoàn thành 86 báo cáo thẩm định; 100% báo cáo thực hiện sớm và đúng hạn. Nhiều ý kiến thẩm định của sở được đánh giá cao, giúp tỉnh và các cơ quan quyết định ban hành VBQPPL; góp phần tích cực vào công tác xây dựng, triển khai, thực thi pháp luật và hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Năm 2024, Khánh Hòa là 1 trong 13 địa phương đầu tiên hoàn thành các văn bản quy định chi tiết Luật Đất đai; cũng là 1 trong các địa phương đầu tiên hoàn thành hầu hết các văn bản quy định chi tiết thi hành 3 luật. Sở Tư pháp được Bộ trưởng Bộ Tư pháp tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng pháp luật.