Sở Tư pháp Nam Định - 43 năm xây dựng và phát triển
Trải qua 43 năm, Sở Tư pháp Nam Định đã từng bước trưởng thành, lớn mạnh cùng với các cấp, các ngành, địa phương và đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển chung của tỉnh trong thời kỳ đổi mới, hội nhập, công nghiệp hóa - hiện đại hóa Đất nước.

Tập thể cán bộ lãnh đạo, công chức Sở Tư pháp Nam Định
Ông Lê Huy Công, Phó chánh Văn phòng Sở Tư pháp tỉnh Nam Định cho biết: Sở Tư pháp tỉnh Nam Định mà tiền thân là Sở Tư pháp tỉnh Hà Nam Ninh được thành lập theo Quyết định số 495/QĐ-UB ngày 22/6/1982 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam Ninh thời kỳ đó. Với chức năng quản lý nhà nước ở địa phương về công tác tư pháp thuộc cơ quan hành chính cấp tỉnh.

Đại hội Đảng bộ Sở Tư pháp tỉnh Nam Định nhiệm kỳ 2025 - 2030
Giai đoạn đầu mới thành lập, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của các cơ quan thuộc hệ thống tư pháp, cơ cấu bộ máy của ngành còn hết sức mới mẻ. Đội ngũ cán bộ hầu hết được điều chuyển từ nhiều lĩnh vực khác nhau về, chưa được làm quen với môi trường công tác mới, năng lực, trình độ chuyên môn còn thiếu đồng bộ. Trụ sở làm việc, cơ sở vật chất có nhiều khó khăn, bất cập, địa bàn công tác rộng, xa trung tâm, phương tiện đi lại nhiều hạn chế, ảnh hưởng trực tiếp đến việc triển khai, thực hiện nhiệm vụ của toàn ngành.
Chấp hành chủ trương, hướng dẫn của Bộ Tư pháp, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, thời kỳ này, Sở Tư pháp tập trung chủ yếu vào một số nhiệm vụ chủ yếu là tuyên truyền và phổ biến, giáo dục pháp luật; tham gia xây dựng và chủ trì xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền, theo sự phân công của tỉnh; tiếp nhận công tác quản lý về tổ chức của các đơn vị tòa án nhân dân cấp huyện; quản lý công tác luật sư, công chứng, giám định, hộ tịch; công tác đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ và một số nhiệm vụ khác theo yêu cầu.
Mặc dù là đơn vị mới, song với tinh thần phấn khởi, tự tin, công tác tổ chức từng bước ổn định, đội ngũ cán bộ phát huy năng lực thực tế, luôn nêu cao thái độ trách nhiệm trước nhiệm vụ được giao, đoàn kết vượt qua khó khăn, thách thức, phối hợp chặt chẽ giữa cấp và ngành, tương trợ, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ.
Hoạt động chuyên môn luôn được quan tâm đúng mức, triển khai thực hiện trên cơ sở kế hoạch, mạnh mẽ, đồng bộ, theo từng lĩnh vực, bước đầu đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh, tạo bước chuyển biến căn bản, làm tiền đề cho việc tiếp thu và triển khai công việc mới.
Sau khi tỉnh Hà Nam Ninh được chia tách thành hai tỉnh Nam Hà và Ninh Bình, Sở Tư pháp tỉnh Nam Hà được thành lập và chính thức đi vào hoạt động theo đơn vị mới từ 01/4/1992. Sở có nhiệm vụ trực tiếp tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh về quản lý ngành, chỉ đạo chuyên môn, nghiệp vụ đối với phòng Tư pháp các huyện, thành phố, thị xã và cơ sở. Toàn tỉnh có 13 phòng Tư pháp cấp huyện và các Ban Tư pháp cấp xã.
Thời kỳ này, mô hình tổ chức ngành đã cơ bản ổn định, có tính hệ thống chặt chẽ, theo ba cấp, tỉnh, huyện và xã. Đội ngũ công chức, viên chức đã có bước trưởng thành, trình độ chuyên môn nghiệp vụ được nâng lên đáng kể, khá đồng đều, nhất là cán bộ tư pháp cơ sở; nhiều công việc mới được bổ sung, công tác quản lý, thực thi nhiệm vụ chuyên môn được phân chia cho các đơn vị thuộc cơ quan Sở theo hướng chuyên sâu hơn, đảm bảo tính thống nhất, chặt chẽ hơn.
Hoạt động xây dựng, rà soát văn bản Quy phạm pháp luật được đánh giá cao về chất lượng, đồng bộ, nền nếp, theo kế hoạch phê duyệt hàng năm; công tác phố biến giáo dục pháp luật được khẳng định, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của các đối tượng là cơ quan, tổ chức và nhân dân.
Từ tháng 6/1993, chính thức tiếp nhận, quản lý công tác thi hành án dân sự do Tòa án chuyển sang; công tác quản lý tổ chức nhân sự Tòa án địa phương được tăng cường, góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ thẩm phán, chất lượng xét xử; vị trí, vai trò, chất lượng hoạt động của các tổ chức giám định tư pháp, luật sư, tư vấn pháp luật, công chứng được đề cao, góp phần đảm bảo tính minh bạch, quyền và nghĩa vụ các đối tượng trong hoạt động tư pháp; nhiều tập thể và cá nhân được Bộ Tư pháp, Ủy ban nhân dân tỉnh và chính quyền địa phương tuyên dương khen thưởng…

Tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức Sở Tư pháp Nam Định chụp kỷ yếu năm 2025
Đến tháng 01 năm 1997, sau khi tách tỉnh Nam Hà thành hai tỉnh Hà Nam và Nam Định, Sở Tư pháp tỉnh Nam Định được thành lập và đi vào hoạt động. Kế thừa mô hình tổ chức, nhiệm vụ chuyên môn và phương thức hoạt động của các giai đoạn trước. Ngay từ ngày đầu, cơ cấu tổ chức bộ máy khẩn trương được kiện toàn, sắp xếp, đội ngũ cán bộ được bổ sung, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, đảm bảo đủ về số lượng, tăng cường về chất lượng, đáp ứng kịp thời nhiệm vụ của một đơn vị mới; trước mắt đó là nhiệm vụ tổng rà soát văn bản Quy pháp pháp luật theo yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ.
Tháng 9 năm 1992, công tác quản lý về tổ chức đối với Tòa án địa phương được bàn giao về Tòa án nhân dân tối cao, sau 20 năm ngành Tư pháp quản lý; Thực hiện Luật Thi hành án dân sự, Nghị định 7/2009/NĐ-CP ngày 09/9/2009, kết thúc 16 năm thực hiện quy chế ủy quyền của Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh quản lý.
Hoạt động trợ giúp pháp lý, bán đấu giá tài sản được hình thành lập, đi vào hoạt động và trực tiếp giao cho sở Tư pháp quản lý; công tác phố biến giáo dục pháp luật được triển khai mạnh mẽ hơn theo chương trình hành động chung của Chính phủ; hòa giải ở cơ sở được củng cố kiện toàn, hoạt động trên cơ sở quy định pháp luật, hiệu quả, thiết thực hơn; hoạt động công chứng được mở rộng, các văn phòng công chứng được hình thành tạo thuận lợi cho việc giao dịch của tổ chức và công dân.
Thời gian này, nhiều văn bản pháp luật được sửa đổi căn bản, bổ sung hoàn thiện và ban hành mới; nhiều lĩnh vực được luật hóa, tạo cơ sở pháp lý quan trọng trong tổ chức thực hiện…làm thay đổi diện mạo về tổ chức bộ máy, biên chế nhân sự và hoạt động của các cơ tư pháp địa phương.
Nhằm triển khai, thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ của ngành, Sở Tư pháp Nam Định đã chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền, phối hợp với các bên hữu quan, sáng tạo chủ động tổ chức nhiều hoạt động có phạm vi ảnh hưởng rộng rãi trong xã hội, trực tiếp, mang tới hiệu quả thiết thực đến đối tượng nhân dân, như các hình thức thi tìm hiểu pháp luật; xây dựng “Tủ sách pháp luật” ở xã, phường, thị trấn; phát hành “Bản tin tư pháp”, chuyên mục “pháp luật và đời sống” trên sóng phát thanh và truyền hình tỉnh; thi “Hòa giải viên giỏi”, “Hộ tịch viên giỏi”…nhiều mô hình được xem là hình mẫu cho toàn ngành, như “Tủ sách pháp luật”, kết hợp giữa phổ biến giáo dục pháp luật với trợ giúp pháp lý, được Bộ Tư pháp đánh giá cao, tổ chức hội nghị tổng kết tại tỉnh và nhân rộng ra toàn quốc.
Trong suốt chặng đường 43 năm, kể từ ngày thành lập, quá trình xây dựng và trưởng thành, lúc thuận lợi, cũng như lúc khó khăn, dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp, sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, có thể khẳng định, Sở Tư pháp tỉnh Nam Định đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, trên cơ sở quy định của pháp luật, sự năng động, sáng tạo trong tổ chức thực hiện, tinh thần nỗ lực vươn lên của từng cá nhân.
Nhiều điển hình tiên tiến, nhiều tập thể lao động và cá nhân được tổ chức Đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể công nhận, khen thưởng như Huân chương lao động, Cờ thi đua xuất sắc, Bằng khen các cấp…thể hiện sự đóng góp tích cực, to lớn, liên tục vào việc hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của ngành Tư pháp qua các thời kỳ.

Bà Trần Thị Thúy Hiền - Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Sở Tư pháp từ tháng 1 năm 2024 đến nay.
Bà Trần Thị Thúy Hiền - Bí thư Đảng ủy - Giám đốc Sở Tư pháp chia sẻ: Phát huy truyền thống vẻ vang 80 năm của ngành Tư pháp Việt Nam, và 43 năm kiên trì nỗ lực phấn đấu, xây dựng và phát triển của Tư pháp Nam Định, tập thể lãnh đạo cùng công chức, viên chức, người lao động Sở Tư pháp Nam Định nguyện tiếp tục thi đua, cống hiến nhiều hơn nữa, xứng đáng với niềm tin của Đảng, của chính quyền và nhân dân địa phương.
Với truyền thống trung thành, trách nhiệm, sáng tạo, đoàn kết, kỷ cương, phụng công, thủ pháp, chí công vô tư. Thấm nhuần tư tưởng, quan điểm và lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư; gần dân, hiểu dân, học dân, phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu của nhân dân trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam. Cùng cả nước tiến lên kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.