Sở TT&TT đứng đầu Chỉ số hài lòng của người dân tỉnh Hưng Yên năm 2024

Trong năm 2024, Sở TT&TT đạt điểm cao nhất trong khối các sở, ban, ngành tỉnh Hưng Yên trong Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức (SIPAS) với 86,92 điểm.

Trong năm 2024, Sở TT&TT tỉnh Hưng Yên là 1 trong 9 đơn vị được xếp loại Tốt trong Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp sở, cấp huyện (DDCI); 1 trong 17 đơn vị được xếp loại Tốt trong Chỉ số cải cách hành chính; đạt điểm cao nhất trong khối các sở, ban, ngành tỉnh trong Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức (SIPAS) với 86,92 điểm và xếp loại Xuất sắc trong Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI).

 Lễ khai trương Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh Hưng Yên năm 2023. Ảnh: VNPT

Lễ khai trương Trung tâm điều hành thông minh của tỉnh Hưng Yên năm 2023. Ảnh: VNPT

Theo thông tin từ Sở TT&TT tỉnh Hưng Yên, đến nay, 100% thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện thuộc thẩm quyền quản lý của Sở đã được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Sở tích cực triển khai các giải pháp thúc đẩy hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Công chức được giao nhiệm vụ tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính thực hiện kiểm tra, xác thực tài khoản số của cá nhân, tổ chức thông qua số định danh cá nhân; thực hiện cập nhật đầy đủ thông tin (số CCCD/CMND) của công dân khi tiếp nhận hồ sơ thủ tục hành chính để phục vụ công tác số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính.

Cơ sở dữ liệu của cá nhân và tổ chức thực hiện thủ tục hành chính đã được lưu trữ và tái sử dụng lại. Công chức tại bộ phận một cửa tuyên truyền hướng dẫn người dân, doanh nghiệp nộp hồ sơ trực tuyến, thanh toán phí và lệ phí trên cổng Dịch vụ công quốc gia để tăng tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến. Nhờ đó, tỷ lệ hồ sơ phát sinh trực tuyến trên tổng số hồ sơ tiếp nhận của Sở đạt 100%.

Kết quả chuyển đổi số dựa trên ba trụ cột của tỉnh Hưng Yên

Thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU ngày 15/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hưng Yên khóa 19 về chương trình chuyển đổi số tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030, trong những năm qua, việc thực hiện chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực với 3 trụ cột: chính quyền số, kinh tế số, xã hội số.

Cụ thể, về chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số, cổng Dịch vụ công tỉnh đã tích hợp chữ ký số của các doanh nghiệp đáp ứng nhu cầu về thực hiện thủ tục hành chính có ký số từ xa với Cổng dịch vụ công quốc gia. Hệ thống thông tin báo cáo tỉnh Hưng Yên đã kết nối với Hệ thống thông tin báo cáo của Chính phủ, phục vụ công tác thống kê, báo cáo định kỳ.

100% các cơ quan hành chính nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã đã sử dụng phần mềm quản lý văn bản và điều hành. Hệ thống được kết nối liên thông 4 cấp từ cấp xã đến cấp Trung ương, được tích hợp chứng thư số của cơ quan, chữ ký số của lãnh đạo phục vụ ký số các văn bản, tài liệu đảm bảo tính giá trị pháp lý.

Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu tỉnh (LGSP) được kết nối với Nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NDXP) và phát triển các nền tảng số phục vụ chuyển đổi số của các ngành, lĩnh vực: y tế, giáo dục, tài chính, ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải, logistics, năng lượng, tài nguyên và môi trường.

Đến nay các hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh được kết nối, chia sẻ dữ liệu qua LGSP của tỉnh phục vụ nhu cầu sử dụng dữ liệu chung trong nội bộ tỉnh.

Tiếp tục thực hiện kết nối, chia sẻ dữ liệu các hệ thống thông tin của tỉnh với các bộ, ngành Trung ương. Cổng dữ liệu mở (dulieumo.hungyen.gov.vn) đang cung cấp 84 bộ dữ liệu của 14 nhóm ngành phục vụ người dân, doanh nghiệp, các tổ chức.

Cổng Dịch vụ công và Một cửa điện tử tỉnh đã kết nối, chia sẻ tới các hệ thống thông tin, CSDL của bộ, ngành, địa phương; Cổng Dịch vụ công Quốc gia, CSDL quốc gia về dân cư; Hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ Công an (qua Trục liên thông văn bản quốc gia).

Về kinh tế số, tỷ lệ trên GRDP đạt 9,26%; tỷ trọng thương mại điện tử trong tổng mức bán lẻ khoảng 5,3%; tỷ lệ doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số đạt khoảng 26,2%.

Sàn thương mại điện tử tỉnh hoạt động ổn định, hiệu quả, là cầu nối giữa các doanh nghiệp tỉnh Hưng Yên với các doanh nghiệp, người tiêu dùng trong 2 nước. Sàn đã tham gia kết nối sàn thương mại điện tử địa phương với Sàn hợp nhất “sanviet.vn” theo Đề án Xây dựng sàn thương mại điện tử hợp nhất 63 tỉnh, thành.

Về xã hội số, ngành giáo dục tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, nhà trường chủ động phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp viễn thông để cấp chữ ký số công cộng cho 100% cán bộ, giáo viên và học sinh từ lớp 11 trở lên.

Các cơ sở khám chữa bệnh triển khai thực hiện khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế sử dụng căn cước công dân gắn chíp thay thế thẻ giấy.

Toàn tỉnh đã có 193/193 cơ sở khám chữa bệnh có khả năng đăng ký khám chữa bệnh bằng căn cước công dân gắn chip thay thế thẻ bảo hiểm y tế.

Du Lam

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/so-tt-tt-dung-dau-chi-so-hai-long-cua-nguoi-dan-tinh-hung-yen-nam-2024-2358156.html
Zalo