Số phụ nữ biết vận dụng kỹ thuật trong sản xuất thấp hơn nam giới nhiều lần
Ngày 19-2, tại thành phố Hồ Chí Minh, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương phối hợp với Viện Thông tin khoa học xã hội (Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) tổ chức Hội thảo 'Bình đẳng giới trong giáo dục, đào tạo, khoa học công nghệ'.

Quang cảnh buổi hội thảo. Ảnh: Nghiêm Ý
Tại hội thảo, ông Phạm Quý Trọng, Phó Vụ trưởng Vụ Địa phương 3, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương thông tin, trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước luôn đánh giá cao đóng góp và vai trò của phụ nữ và thực hiện hàng loạt các chính sách cả cấp vĩ mô và vi mô nhằm tăng cường bình đẳng giới, thúc đẩy sự tiến bộ của phụ nữ, và đảm bảo phụ nữ được bảo vệ, chăm sóc và phát triển. Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới tham gia Công ước xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ và đã có những nỗ lực đáng kể để thực hiện cam kết của mình trong công tác này.
Cũng theo ông Phạm Quý Trọng, kết quả nghiên cứu dựa trên số liệu khảo sát 9.094 người 6 vùng kinh tế - xã hội trên cả nước, trong đó, thành phố Hồ Chí Minh có 1.006 người dân từ 18 tuổi trở lên.
Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Trần Thị Minh Thi, Phó Viện trưởng, Viện Thông tin khoa học xã hội (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) cho biết, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phá vỡ các hệ thống quản trị, các ngành công nghiệp và thị trường lao động, khi các hệ thống thực tế ảo phát triển và trở nên tinh vi hơn.
"Phụ nữ đang có nguy cơ bỏ lỡ những cơ hội công việc của tương lai. Liên hợp quốc dự đoán rằng phụ nữ sẽ mất 5 việc làm cho mỗi người do Công nghiệp 4.0, so với việc nam giới mất 3 việc làm cho mỗi người kiếm được (UNESCO, 2018)”, PGS.TS Trần Thị Minh Thi dẫn chứng.

PGS.TS Trần Thị Minh Thi chia sẻ tại hội thảo. Ảnh: Nghiêm Ý.
Để phụ nữ nắm bắt các cơ hội do Cách mạng công nghiệp 4.0 mang lại, cần phải có một sân chơi bình đẳng về khả năng tiếp cận các yếu tố hỗ trợ như giáo dục và thông tin. Phụ nữ có quyền tham gia vào nền kinh tế kỹ thuật số để đảm bảo rằng Công nghiệp 4.0 không duy trì định kiến giới. Thúc đẩy bình đẳng giới trong giáo dục, đào tạo, khoa học và công nghệ không chỉ là trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước mà còn là của toàn xã hội.
Còn TS Vũ Thị Thanh, Viện Nghiên cứu con người chia sẻ, kết quả khảo sát ở Việt Nam cho thấy, tỷ lệ nam giới biết sử dụng các phương tiện sản xuất có tính kỹ thuật đều cao hơn rất nhiều so với nữ giới. Cụ thể, hệ thống, dây chuyền sản xuất tự động (nam 12,6%, nữ 4,4%); máy cày, máy chế biến thức ăn (nam 28,6%, nữ 21,4%)… Sự chênh lệch này có thể là do sự hạn chế của phụ nữ trong việc sử dụng công nghệ, kỹ thuật bắt nguồn từ định kiến giới cho rằng khả năng học tập khoa học, kỹ thuật của phụ nữ kém hơn so với nam giới.
Nhiều ý kiến phát biểu tại hội thảo cũng làm rõ hơn các vấn đề liên quan đến việc cần tăng cường năng lực cho phụ nữ để họ có thể biết sử dụng hiệu quả các thiết bị khoa học kỹ thuật và công nghệ trong đời sống và hoạt động kinh tế.
Để làm được điều đó, cần có các cơ chế, chính sách hỗ trợ, thúc đẩy phụ nữ tham gia các hoạt động đào tạo chính thức hoặc phi chính thức để nâng cao năng lực sử dụng khoa học và công nghệ, đặc biệt là năng lực số cho phụ nữ.