Số phận TikTok giữa cuộc chiến thuế Mỹ-Trung

Số phận TikTok ở Mỹ vốn đã khó đoán nay càng trở nên bất định sau các diễn biến căng thẳng thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc.

Một trong những hành động đầu tiên của Tổng thống Mỹ Donald Trump khi bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai là hoãn thi hành lệnh cấm mạng xã hội TikTok hoạt động tại Mỹ. Hai tháng rưỡi sau, ông Trump tiếp tục gia hạn lệnh hoãn lần thứ hai.

Tuy nhiên, trong bối cảnh căng thẳng thuế quan giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang như hiện nay, số phận TikTok tại Mỹ trở nên khó đoán định.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump và logo ứng dụng TikTok. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Donald Trump và logo ứng dụng TikTok. Ảnh: AFP

Gập ghềnh diễn biến xung quanh TikTok

Theo một đạo luật được quốc hội Mỹ thông qua vào năm 2024, TikTok sẽ bị cấm hoàn toàn ở Mỹ kể từ ngày 19-1 vì công ty mẹ ByteDance (Trung Quốc) không thể bán lại ứng dụng cho chủ sở hữu Mỹ. Nhưng chỉ một ngày sau đó, ông Trump đã can thiệp bằng cách ký sắc lệnh trì hoãn việc thực thi đạo luật thêm 75 ngày (đến ngày 5-4) để cho ByteDance thêm thời gian tìm đối tác mua lại.

Đến đầu tháng 4, sau nhiều tháng đàm phán, ByteDance xác nhận đang làm việc với chính phủ Mỹ về một kế hoạch để TikTok tiếp tục hoạt động tại Mỹ.

Bốn nguồn thạo tin nói với tờ The New York Times rằng ByteDance cùng với một số nhà đầu tư và các quan chức Mỹ đã đồng thuận với một phương án sở hữu mới cho TikTok. Các nguồn tin cho biết phương án này sẽ giúp TikTok đáp ứng yêu cầu của luật liên bang Mỹ là TikTok phải tìm được chủ sở hữu mới nhằm giải quyết những lo ngại về an ninh quốc gia, nếu không sẽ bị cấm hoạt động tại Mỹ.

Theo kế hoạch, các nhà đầu tư Mỹ sẽ nắm 50% cổ phần trong một thực thể TikTok mới tại Mỹ, trong khi các cổ đông Trung Quốc chỉ giữ dưới 20% cổ phần – mức giới hạn được quy định trong luật. Các tập đoàn đầu tư lớn như Blackstone và Silver Lake, cùng quỹ đầu tư mạo hiểm Andreessen Horowitz, đều đã cân nhắc việc rót vốn vào thực thể mới này.

Cuối tháng 3, ByteDance đã thông báo với Nhà Trắng rằng chính phủ Trung Quốc chấp thuận với phương án của kế hoạch về phân chia sở hữu, theo hai nguồn tin. Một bản dự thảo sắc lệnh của Tổng thống Trump phác thảo những nét chính của thỏa thuận đã được lưu hành, theo một bản sao do The New York Times tiếp cận.

Nhưng rồi kế hoạch vấp phải trở ngại. Theo các nguồn tin, sáng 3-4 (giờ Mỹ), đại diện của ByteDance gọi điện đến Nhà Trắng để thông báo rằng việc ông Trump chiều 2-4 công bố một loạt thuế quan mới đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc, đã khiến chính phủ Trung Quốc không cho phép thỏa thuận TikTok tiếp tục được tiến hành.

Đáp lại, ông Trump cho TikTok thêm thời gian. Vào ngày 4-4, tổng thống Mỹ đã tạm ngưng việc thực thi luật cấm TikTok, gia hạn thời gian cho thương vụ TikTok thêm 75 ngày nữa, tức là đến giữa tháng 6.

“Theo báo cáo, chúng ta gần như đã đạt được thỏa thuận với TikTok. Không hẳn là thỏa thuận hoàn chỉnh nhưng rất gần với thỏa thuận. Và rồi Trung Quốc đã thay đổi điều đó vì các mức thuế” - ông Trump nói với phóng viên trên chuyên cơ Air Force One vào ngày 6-4.

Theo luật được quốc hội Mỹ thông qua năm 2024, tổng thống có thể cho phép trì hoãn lệnh cấm TikTok một lần, kéo dài tối đa 90 ngày, nếu “có tiến triển đáng kể” trong việc đạt được thỏa thuận bán TikTok và đã có các cam kết pháp lý ràng buộc để hoàn tất thỏa thuận trong thời gian gia hạn.

Tiktok trở thành “con tin” trong căng thẳng Mỹ-Trung

 Số phận TikTok giữa cuộc chiến thuế Mỹ-Trung. Ảnh: BROOKINGS

Số phận TikTok giữa cuộc chiến thuế Mỹ-Trung. Ảnh: BROOKINGS

Theo The New York Times, tình cảnh bế tắc hiện tại cho thấy TikTok đang mắc kẹt trong cuộc đối đầu địa chính trị giữa Mỹ và Trung Quốc về thương mại và quyền thống trị công nghệ.

Một yếu tố khiến đàm phán bế tắc là chính quyền Mỹ không trực tiếp trao đổi với chính phủ Trung Quốc mà chỉ dựa vào hiểu biết của ByteDance về lập trường của Bắc Kinh.

Theo các chuyên gia, kể cả trước khi ông Trump công bố các mức thuế quan lên Trung Quốc, cũng không có gì đảm bảo rằng Bắc Kinh sẽ ngầm chấp thuận hay chính thức phê chuẩn thỏa thuận.

Từ tháng 3, Trung Quốc đã lên tiếng khẳng định nước này không đồng ý với đề xuất dùng thuế quan đổi lấy TikTok. “Trung Quốc đã nhiều lần nêu rõ lập trường của mình về vấn đề TikTok. Quan điểm của Trung Quốc phản đối việc áp dụng thuế quan bổ sung cũng nhất quán và rõ ràng” - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Quách Gia Khôn nói hôm 27-3.

Và các đòn thuế quan qua lại gần đây giữa hai nước lại càng đẩy thỏa thuận TikTok vào ngõ cụt. Ông Trump nhiều lần gợi ý rằng ông có thể giảm thuế đối với Trung Quốc để đổi lấy việc Bắc Kinh chấp thuận thỏa thuận TikTok.

“Việc tận dụng thuế quan trong đàm phán thật sự là một nỗ lực đáng chú ý nhằm ép buộc việc bán lại một công ty nước ngoài” - ông Anupam Chander, giáo sư luật và công nghệ tại ĐH Georgetown (Mỹ), nhận định.

Trong khi GS Chander cho rằng Mỹ dùng TikTok như đòn bẩy để đàm phán với Trung Quốc thì một số chuyên gia khác lại cho rằng Bắc Kinh mới là bên đang chơi bài. Theo bà Zongyuan Zoe Liu, nghiên cứu viên cao cấp về các vấn đề Trung Quốc tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR), Trung Quốc hiểu rõ vấn đề TikTok là ưu tiên chính trị quan trọng của chính quyền ông Trump, nên đã sử dụng TikTok như một quân bài mặc cả quan trọng với Nhà Trắng.

“Quyền lực thực sự của Trung Quốc trong thương vụ TikTok không hẳn do chính Bắc Kinh quyết định, mà phụ thuộc vào cách chính quyền ông Trump xử lý vấn đề này. Nếu chính quyền Mỹ tiếp tục giữ TikTok làm quân bài mặc cả và cố gắng ép Trung Quốc phải nhượng bộ, thì Bắc Kinh sẽ không dễ dàng đồng ý, trừ khi đổi lại được những lợi ích lớn” - bà Liu nói với tờ Politico.

Trước tình cảnh này, GS Chander kết luận: “Các bên đều quá kiêu hãnh để đàm phán, và vì thế chúng ta bị kẹt giữa hai nền kinh tế khổng lồ đang đối đầu nhau. TikTok giống như con chuột vô tình bị kẹt dưới chân hai con voi vậy”.

Ông Vương Nghị chỉ trích sự ‘ích kỷ cực độ’ trong thuế quan

Ngày 26-4, phát biểu bên lề cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao Trung Quốc - Trung Á tại Kazakhstan, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nói rằng Bắc Kinh kiên quyết đứng về phía các quy tắc quốc tế trong vấn đề thuế quan, theo thông báo đăng trên trang web Bộ Ngoại giao Trung Quốc (fmprc.gov.cn).

Theo ông Vương, một số quốc gia vẫn luôn đặt lợi ích quốc gia của mình lên hàng đầu, tiến hành các hành vi bắt nạt, ép buộc và vô cớ gây chiến tranh thương mại.

“Lòng ích kỷ cực độ của họ đã bị phơi bày hoàn toàn, điều này chỉ làm giảm thêm uy tín của họ mà thôi. Trung Quốc kiên quyết đứng về phía đúng đắn của lịch sử và luật pháp quốc tế” - ông Vương nói mà không đề cập quốc gia cụ thể nào.

“Trung Quốc sẵn sàng đoàn kết và hợp tác với các nước có cùng chí hướng để cùng nhau duy trì chủ nghĩa đa phương, bảo vệ sự công bằng và chính nghĩa, phản đối chủ nghĩa bảo hộ, không bao giờ để thế giới quay trở lại tình trạng kẻ mạnh bắt nạt kẻ yếu” - nhà ngoại giao Trung Quốc nhấn mạnh.

THẢO VY

Nguồn PLO: https://plo.vn/so-phan-tiktok-giua-cuoc-chien-thue-my-trung-post846791.html
Zalo