100 ngày đầu trở lại Nhà Trắng của ông Donald Trump

Từ việc áp thuế quan với tất cả các nước, cắt viện trợ nước ngoài đến không ngần ngại bày tỏ ý định sáp nhập Greenland và tái kiểm soát Kênh đào Panama, ông Donald Trump đã có những tuyên bố, động thái táo bạo trong 100 ngày đầu tiên trở lại Nhà Trắng.

Ngày 29/4 đánh dấu 100 ngày đầu tiên ông Donald Trump đảm nhận vị trí Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ thứ hai. Trở lại Nhà Trắng, ông Trump đã khởi đầu nhiệm kỳ cùng chính sách “Nước Mỹ trước tiên” với việc đóng cửa biên giới, trục xuất hàng loạt người nhập cư bất hợp pháp, áp thuế với hàng nhập khẩu từ tất cả các nước và cắt giảm đáng kể viện trợ nước ngoài, thay đổi các chính sách đối ngoại và cải tổ bộ máy chính phủ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký nhiều sắc lệnh trong những ngày đầu tiên trở lại Nhà Trắng. Ảnh minh họa Getty Images

Tổng thống Mỹ Donald Trump ký nhiều sắc lệnh trong những ngày đầu tiên trở lại Nhà Trắng. Ảnh minh họa Getty Images

Ngày 20/1, chỉ vài giờ sau khi nhậm chức, ông Trump đã ký một sắc lệnh hành pháp tạm dừng hầu hết các khoản viện trợ nước ngoài trong 90 ngày để đánh giá hiệu quả và có phù hợp với chính sách “Nước Mỹ trước tiên” hay không. Lệnh này yêu cầu các cơ quan liên bang ngừng ký kết các thỏa thuận mới và tạm dừng giải ngân các quỹ viện trợ phát triển.

Một số ngoại lệ được áp dụng, bao gồm viện trợ quân sự cho Israel và Ai Cập, cũng như hỗ trợ lương thực để đáp ứng các nhu cầu nhân đạo cấp bách. Đáng chú ý, Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID), một cơ quan được coi là công cụ quyền lực mềm của Mỹ, đã bị giải thể, dẫn đến việc hàng nghìn nhân viên mất việc. Đây là một cú sốc đối với các chương trình giảm đói nghèo trên toàn cầu.

Chính quyền mới tại Mỹ cũng tiến hành cải tổ mạnh mẽ bộ máy khi cách chức hàng loạt quan chức tại các cơ quan chủ chốt, đặc biệt là tại Bộ Tư pháp, thậm chí, sa thải 10.000 nhân viên tại các cơ quan y tế Mỹ, trong đó có Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh, một phần trong kế hoạch tinh gọn chính phủ liên bang và cắt giảm ngân sách của Tổng thống Donald Trump và tỉ phú Elon Musk.

Một trong những tuyên bố gây chú ý nhất của ông Trump khi trở lại Nhà Trắng là ý định mua lại đảo Greenland, một vùng lãnh thổ tự trị của Đan Mạch, không loại trừ khả năng sử dụng sức mạnh quân sự hoặc kinh tế để đạt được mục tiêu này. Bên cạnh đó, ông cũng không ngần ngại chia sẻ tham vọng giành quyền kiểm soát kênh đào Panama, cho rằng khu vực này hiện đang chịu sự kiểm soát của Trung Quốc, dù không có bằng chứng xác thực.

Tổng thống Trump cũng thay đổi cách nhìn nhận các đồng minh. Điều này khiến châu Âu cân nhắc giảm phụ thuộc vào Mỹ về quốc phòng và công nghệ. Ông Trump đã thúc ép các thành viên NATO tăng chi tiêu quốc phòng, cho rằng mức yêu cầu hiện tại của liên minh là 2% GDP nên được nâng lên 5%. Đồng thời, ông đã đảo ngược chính sách của Mỹ đối với cuộc chiến kéo dài ba năm ở Ukraine và khẩu chiến tại Phòng Bầu dục với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky vào cuối tháng 2.

Dù vậy, ông đã không thể thực hiện lời hứa chấm dứt chiến sự Ukraine trong ngày đầu tiên nhậm chức. Trong cuộc phỏng vấn mới đây, ông thừa nhận cam kết này có phần “cường điệu hóa” và “bông đùa”. Washington vẫn nỗ lực làm trung gian đem lại hòa bình tại Ukraine. Dù những nỗ lực này đang bước vào giai đoạn then chốt, ông Trump dường như ngày càng trở nên mất kiên nhẫn với cả hai bên.

Đáng chú ý hơn cả, sự trở lại của ông Trump cũng báo hiệu cuộc chiến thương mại nóng trở lại. Tổng thống Mỹ ban đầu áp đặt các mức thuế mới đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico, Canada và Trung Quốc. Đặc biệt, ông đã tăng mức thuế lên với một số mặt hàng nhập trừ Trung Quốc lên 245%, đẩy Mỹ và các đối tác vào cuộc chiến thương mại khi những nước này ngay lập tức trả đũa. Tiếp đó, ông áp thuế với hàng nhập khẩu từ tất cả các nước, kể cả đồng minh. Ông Trump đã gọi thuế quan là “liều thuốc” cần thiết nhưng mục tiêu của ông vẫn chưa rõ ràng ngay cả khi chính quyền của ông đang nỗ lực đàm phán các thỏa thuận riêng với hàng chục quốc gia.

Theo giới phân tích, chương trình nghị sự “Nước Mỹ trên hết” trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump có thể khiến đồng minh dè chừng và đối thủ trở nên táo bạo hơn, đồng thời đặt ra câu hỏi về việc ông sẽ đi xa đến đâu. “Những gì chúng ta đang chứng kiến là sự gián đoạn lớn trong các vấn đề thế giới. Không ai chắc chắn vào thời điểm này về những gì đang xảy ra hoặc những gì sẽ xảy ra tiếp theo”, Dennis Ross, cựu nhà đàm phán Trung Đông của Mỹ, cho biết. “Ông Trump hiện quyết liệt hơn rất nhiều so với 8 năm trước. Tôi thực sự bất ngờ”, Elliott Abrams, một chính khách từng làm việc dưới thời cựu Tổng thống Ronald Reagan và George W. Bush trước khi được bổ nhiệm làm đặc phái viên về Iran và Venezuela trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, nhận định.

“Tổng thống Trump đang hành động nhanh chóng để giải quyết các thách thức bằng cách đưa cả Ukraine và Nga vào bàn đàm phán để chấm dứt chiến tranh, ngăn chặn dòng chảy fentanyl và bảo vệ người lao động Mỹ bằng cách buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm, đưa Iran vào bàn đàm phán bằng cách áp đặt lại áp lực tối đa”, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng Brian Hughes tuyên bố.

100 ngày đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống là dấu mốc luôn được chú ý trong chính trường Mỹ, là chỉ dấu thể hiện người đứng đầu Nhà Trắng dự định lãnh đạo đất nước như thế nào trong 4 năm tới. Những hành động của chính quyền, thường là quyết liệt, trong những ngày đầu tiên được coi là thước đo đánh giá về hiệu suất làm việc của Tổng thống.

Ông Trump có kế hoạch đến Michigan trong tuần này để tham gia một cuộc mít tinh kỷ niệm cột mốc 100 ngày tại nhiệm, trong khi đó, Nhà Trắng dự định sẽ nêu bật chính sách kinh tế của Tổng thống, việc trục xuất những người nhập cư không có giấy tờ, thay đổi chính sách đối ngoại và nỗ lực thanh lọc bộ máy liên bang, cắt giảm những gì được cho là lãng phí.

Tiến Anh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/100-ngay-dau-tro-lai-nha-trang-cua-ong-donald-trump-i766800/
Zalo