Số lượng, chất lượng sản phẩm là 'thước đo' đánh giá nhà khoa học trẻ tài năng
Nghị định số 179 thu hút người tài, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế-xã hội.
Tại Nghị định số 179/2024/NĐ-CP ngày 31/12/2024 của Chính phủ quy định chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; đã đề cập đến nhiều chính sách mới, ưu đãi vượt trội về lương, thu nhập, cơ hội thăng tiến cho người có tài khi làm việc trong khu vực công.
Đây được xem là tín hiệu tích cực trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hiệu quả hoạt động của bộ máy nhà nước.
Nhà khoa học trẻ tài năng phải tối thiểu có bằng tiến sĩ
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng - Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Nông Lâm (Đại học Thái Nguyên) cho biết: “Những chính sách thu hút, trọng dụng người có tài năng làm việc trong cơ quan, tổ chức, đơn vị của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội theo Nghị định số 179 là hoàn toàn hợp lý và tiến bộ hơn so với những quy định trước đó.
Theo tôi, Nghị định số 179 có nhiều chính sách mới, giúp thu hút được sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng vào làm việc tại cơ quan Nhà nước. Việc tuyển dụng được những người xuất sắc vào đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, sẽ giúp xây dựng được chính sách, chiến lược tốt, giúp đất nước phát triển hơn. Đặc biệt, trong giai đoạn Nhà nước đang tập trung tinh gọn bộ máy và nâng cao hiệu quả quản lý. Chính sách thu hút người có tài, trong đó có sinh viên xuất sắc là vô cùng kịp thời”.
Thầy Nguyễn Thế Hùng cho biết thêm: “Nhà khoa học trẻ tài năng được đánh giá dựa vào chính các sản phẩm khoa học công nghệ của họ. Một số tiêu chí có thể dựa vào như: bằng sáng kiến, sáng chế, số lượng bài báo được đăng tải trên tạp chí quốc tế… Số lượng và chất lượng sản phẩm chính là “thước đo” để đánh giá nhà khoa học trẻ tài năng”.
Cùng bàn về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung - Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng Thành phố Hồ Chí Minh cũng chia sẻ: “Sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng khi được tuyển dụng vào làm công chức, viên chức, sẽ được hưởng 100% mức lương trong thời gian tập sự; đồng thời, được hưởng phụ cấp tăng thêm bằng 150% mức lương trong thời hạn 5 năm từ ngày tuyển dụng. Phụ cấp tăng thêm không dùng để tính đóng hưởng chế độ bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (đối với viên chức). Hiện tại mức chi này là phù hợp với cân đối của ngân sách nhà nước cho mức chi thường xuyên.
Theo khung trình độ quốc gia Việt Nam, trình độ đại học là ở mức hiểu biết, vận dụng; trình độ thạc sĩ có thể phân tích, đánh giá; trình độ tiến sĩ là bậc cao nhất, có khả năng sáng tạo. Bởi vậy, theo tôi, nhà khoa học trẻ tài năng phải tối thiểu có bằng tiến sĩ”.
Còn theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Công nghiệp Thành phố Hồ Chí Minh, những chính sách trong Nghị định số 179 mang đến sự kỳ vọng về chất lượng nhân sự và giữ chân người có tài.
Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân chia sẻ: “Nếu bộ phận thực thi thực hiện tốt, trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ có bộ máy công quyền chất lượng, đáp ứng được yêu cầu phát triển trong giai đoạn chuyển mình của đất nước.
Trước đây, nhiều sinh viên trẻ khi làm việc tại cơ quan nhà nước sẽ cảm thấy không thoải mái, bị bó buộc trong khuôn khổ, đặc biệt lại có thu nhập thấp. Nghị định số 179 được ban hành sẽ giúp thay đổi suy nghĩ và thu hút được nhiều sinh viên xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng hơn”.
“Đối tượng tuyển dụng ban đầu gồm sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng là một trong những tiêu chí đúng và phù hợp. Có thể đánh giá sinh viên xuất sắc dựa vào kết quả học tập, nhà khoa học trẻ tài năng là người có nhiều công trình nghiên cứu khoa học.
Tuy nhiên, một sinh viên xuất sắc trong quá trình làm việc không phát huy được năng lực, không áp dụng được kiến thức vào thực tiễn, so với sinh viên loại giỏi, khá, cũng cần phải xem xét lại. Sau một quá trình đánh giá, nếu không phù hợp, có thể để họ rời khỏi vị trí làm việc ban đầu” - thầy Nhân bày tỏ.
Cũng theo Tiến sĩ Nguyễn Trung Nhân, nhà khoa học trẻ tài năng là người có những công trình khoa học để lại dấu ấn lớn, uy tín trong giới khoa học thuộc lĩnh vực của họ. Hội đồng khoa học có thể đánh giá được ai là nhà khoa học trẻ tài năng: “Chẳng hạn, nếu một cá nhân nghiên cứu trong lĩnh vực y học, chắc chắn giới y học sẽ biết đến những công trình, sáng kiến mới của họ khi được ứng dụng và mang lại hiệu quả cao. Ngoài ra, nhà khoa học trẻ tài năng còn được thể hiện thông qua những bài báo được đăng tải trên tạp chí khoa học uy tín trong và ngoài nước”.
Nên cho phép người có tài năng được làm cùng lúc nhiều công việc, miễn sao đảm bảo nhiệm vụ
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đức Trung, sinh viên, người trẻ không chọn cơ quan, mà sẽ chọn người lãnh đạo để có thể dẫn dắt và đưa ra những định hướng tốt trong tương lai. Người đứng đầu phải là những người thực sự tài năng để biết cách sử dụng người tài, phân công công việc hợp lý, tạo điều kiện cho người có tài có thể cống hiến, phát triển.
Thầy Trung chỉ ra: “Để thu hút sinh viên xuất sắc, người có tài, cơ quan nhà nước, nên cho phép họ được làm nhiều công việc một lúc miễn sao đảm bảo được khối lượng công việc, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Bên cạnh đó, cần linh hoạt về thời gian, không nên quá cứng nhắc, trong nhiều trường hợp, có thể cho họ được làm online.
Theo tôi, một sinh viên xuất sắc có tài về công nghệ có thể kiếm được khoảng 100 triệu đồng/tháng, thậm chí nhiều hơn. Nếu bắt buộc có mặt và làm đủ 8 tiếng tại cơ quan nhà nước theo kiểu quản lý cũ, sẽ gây khó khăn trong việc thu hút người có tài thực sự. Đặc biệt, trong kỷ nguyên vươn mình, cần có thêm sinh viên, thế hệ trẻ có tài về công nghệ nhằm phục vụ vấn đề chuyển đổi số”.
Còn theo Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng, Nghị định số 179 có tác động tích cực đến sinh viên nói riêng và giới trẻ nói chung. Những sinh viên giỏi, xuất sắc sẽ có thêm động lực để phấn đấu, tham gia vào cơ quan nhà nước. Việc này vừa giúp những người có tài năng có thể phát triển sự nghiệp, vừa có thể cống hiến hết mình cho đất nước ngày càng giàu đẹp. Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước còn là nơi giúp sinh viên, thế hệ trẻ đạt được sự công nhận và đánh giá cao từ xã hội.
“Không chỉ vậy, nghị định này còn góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội” - thầy Hùng nhìn nhận.
Theo Nghị định số 179, sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, nhà khoa học trẻ tài năng sau khi được tuyển dụng vào vị trí công chức, viên chức, được cơ quan, đơn vị quản lý, sử dụng tạo điều kiện tham gia học tập, nâng cao trình độ. Cụ thể, được ưu tiên tập trung bồi dưỡng theo hướng trở thành nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành của lĩnh vực phù hợp với chuyên môn công tác; được cử tham gia các khóa đào tạo tập trung trong nước, quốc tế đối với các chương trình phù hợp với ngành, nghề, lĩnh vực phù hợp với định hướng phát triển và các khóa đào tạo, bồi dưỡng khác phù hợp với đặc thù ngành, lĩnh vực, địa phương.
Cùng với đó, được ưu tiên, tạo điều kiện cử tham gia đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị, quản lý nhà nước và kiến thức chuyên ngành đáp ứng tiêu chuẩn lãnh đạo, quản lý theo chức danh được quy hoạch; tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ của ngạch công chức, chức danh nghề nghiệp viên chức.
Đánh giá cao về những chế độ ưu tiên trên dành cho người có tài khi vào khu vực công làm việc, song, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thế Hùng cũng đề xuất thêm: “Để ngày càng thu hút được nhiều sinh viên xuất sắc tham gia vào làm việc tại khu vực công, cần có thêm những chính sách mạnh mẽ hơn nữa. Đối với những viên giỏi, xuất sắc có thể chọn thành top 10, top 20 sinh viên xuất sắc nhất cả nước để cấp học bổng. Khi cấp học bổng, sinh viên sẽ cam kết vào làm tại cơ quan nhà nước. Điều này giúp thu hút và vừa nuôi dưỡng tài năng khi còn trên ghế nhà trường”.
Mong có cơ chế chính sách áp dụng cho mọi cơ sở giáo dục đại học để thu hút nhân tài
Chia sẻ thêm về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Hoàn - Hiệu trưởng Trường Đại học Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ: “Hiện nay, Chính phủ quy định cán bộ, công chức, viên chức có tài năng được bố trí nghỉ dưỡng 7 ngày trong nước cùng gia đình. Kinh phí tổ chức kỳ nghỉ dưỡng do cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng người có tài năng chi trả theo quy định. Ngoài ra, chưa có chính sách nào có thêm về việc hỗ trợ cho cả gia đình người có tài.
Theo tôi, nên có thêm những cơ chế, chính sách mới hỗ trợ cho gia đình người có tài để họ có thể yên tâm công tác và ổn định cuộc sống gia đình.
Ngoài ra, nên có cơ chế, chính sách áp dụng cho mọi đơn vị, nhất là các cơ sở giáo dục đại học. Trong thời gian tới khi có chính sách cụ thể, rõ ràng, tôi mong các cơ sở giáo dục đại học sẽ có nhiều nhân tài hơn để vừa giúp phục vụ đất nước vừa có thể sử dụng nhân tài để đào tạo thế hệ sau cho nhà trường”.