Số kỳ lân AI tăng gần gấp đôi nhưng AI chưa phải là tất cả

Thế giới có thêm 17 kỳ lân AI (trí thông minh nhân tạo) mới vào cuối tháng 4 vừa rồi, tăng là 85% so với con số 20 của đúng một năm trước. Tuy nhiên, các chuyên gia hàng đầu đánh giá, sự dịch chuyển sang đầu tư cho AI hay phần cứng chưa là giải pháp trọn vẹn.

Làn sóng đầu tư cho AI do các gã khổng lồ công nghệ như Nvidia, Google và Alibaba dẫn dắt đã tạo thêm 17 kỳ lân AI trong năm qua. Ảnh: Information Age

Làn sóng đầu tư cho AI do các gã khổng lồ công nghệ như Nvidia, Google và Alibaba dẫn dắt đã tạo thêm 17 kỳ lân AI trong năm qua. Ảnh: Information Age

10 kỳ lân AI mới bên ngoài nước Mỹ

Kỳ lân là tên gọi của startup chưa niêm yết, có mức định giá từ 1 tỉ đô la. Theo hãng nghiên cứu CB Insights của Mỹ, trong số 20 kỳ lân AI tính đến tháng 4-2023, có 18 kỳ lân AI là ở Mỹ. Sau một năm, 10 trong 17 kỳ lân AI mới nằm bên ngoài nước Mỹ. Dòng vốn tuôn chảy từ các gã khổng lồ công nghệ như Nvidia, Google và Alibaba đã giúp các startup AI đầy triển vọng phát triển vượt bậc.

Trong đó, có thể kế đến startup Mistral AI của Pháp do cựu nhân viên Google và công ty mẹ của Facebook là Meta thành lập năm 2023 hoặc Cohere của Canada do cựu sinh viên Đại học Toronto thành lập.

Năm kỳ lân AI được sinh ra ở Trung Quốc do cựu Chủ tịch Google Trung Quốc Lee Kai-fu đồng sáng lập tháng 6-2023, startup 01.AI được định giá 1 tỉ đô la sau vòng gọi vốn gần đây.

Những gã khổng lồ công nghệ đang thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực này. Trong số 17 kỳ lân AI mới, Nvidia đã đầu tư vào 7, bao gồm Cohere. Alphabet, hãng mẹ của Google, đã đầu tư vào 4 công ty, trong đó có công ty Runway chuyên sản xuất video theo lệnh của người dùng. Cả 5 kỳ lân mới của Trung Quốc đều nhận được đầu tư từ Alibaba.

Các nhà đầu tư toàn cầu đang chuyển trọng tâm từ xe điện và công nghệ tài chính sang AI. Các công ty công nghệ lớn như Microsoft, vốn đang dẫn đầu hoạt động phát triển AI thông qua các khoản đầu tư vào OpenAI – và Nvidia đã thúc đẩy xu hướng tăng vốn hóa thị trường.

Các gã khổng lồ công nghệ dường như đang đầu tư vào các kỳ lân AI với kỳ vọng nắm bắt các công nghệ mới và nguồn nhân lực mới nhằm mở rộng dịch vụ hiện tại của riêng. Tháng 3-2024, Microsoft đã chiêu mộ nhân tài từ Inflection AI, một công ty mà Microsoft đã rót vốn. Chính phủ Anh và Mỹ đã bắt đầu điều tra mối quan hệ giữa Microsoft và Inflection.

Nhiều chuyên gia tin rằng, việc phát triển AI tạo sinh (GenAI) đòi hỏi cơ sở hạ tầng điện toán quy mô lớn nên dễ trở thành một cuộc chiến về vốn. Các công ty như Microsoft và Google cũng đang hỗ trợ tăng trưởng bằng cách cung cấp dịch vụ đám mây riêng cho các startup.

Trong số 17 kỳ lân mới, 12 kỳ lân đã huy động được vốn ngay sau khi thành lập. Nhiều startup mới mẻ vẫn chưa có lộ trình rõ ràng để đạt được lợi nhuận. Các hãng công nghệ lớn được cho là đang đặt cược phần lớn vào tiềm năng các startup AI với hy vọng tìm được những thành công mới mẻ hơn và to lớn hơn.

Đầu tư vào các startup đã chậm lại sau Covid, quá trình hồi phục đòi hỏi thời gian. Theo hãng dữ liệu PitchBook của Mỹ, đầu tư vào startup toàn cầu đạt tổng cộng 349,5 tỉ đô la trong năm 2023, giảm 35% so với năm trước đó. Đầu tư trong quí 1-2024 giảm 20% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xu hướng đầu tư vào phần cứng tập trung chủ yếu vào chip và robot. Startup về robot hậu cần Dexterity của Mỹ từng nhận nguồn vốn lớn từ Kleiner Perkins. Ảnh: Dexterity

Xu hướng đầu tư vào phần cứng tập trung chủ yếu vào chip và robot. Startup về robot hậu cần Dexterity của Mỹ từng nhận nguồn vốn lớn từ Kleiner Perkins. Ảnh: Dexterity

Đi tìm một công thức cho đầu tư công nghệ mới

Tháng 3 rồi, hãng chip TSMC của Đài Loan và công ty đầu tư mạo hiểm hàng đầu Kleiner Perkins của Mỹ là những nhân vật chủ chốt góp vốn vào quỹ mới trị giá 300 triệu đô la do Matter Venture Partners (MVP) tại Mỹ quản lý.

Các nhà đầu tư khác là một công ty con ở Mỹ của tập đoàn kinh doanh tổng hợp Sojitz của Nhật Bản, chi nhánh đầu tư của Cơ quan Phát triển kinh tế Singapore và các quỹ gia đình ở Trung Đông.

Từng làm việc ở Kleiner Perkins, Wen Hsieh hiện là đối tác quản lý của MVP. Hsieh nói, quỹ mới nhắm vào các startup sản xuất, đặc biệt là các nhà sản xuất chip và robot, trong bối cảnh thế giới muốn đa dạng hóa nguồn cung.

Hsieh giải thích, ngày càng có nhiều cơ hội đầu tư vào lĩnh vực “công nghệ cứng” hay phần cứng do nhu cầu về chất bán dẫn và robot ngày càng tăng, nhu cầu về công nghệ tiết kiệm năng lượng và sự phổ biến của GenAI cũng ngày càng tăng. Các yếu tố địa chính trị như căng thẳng Mỹ – Trung gia tăng đã thúc đẩy làn sóng bớt phụ thuốc vào chuỗi cung ứng Trung Quốc.

Theo Hsieh, mỗi xu hướng mà ông đề cập đều là “cơ hội ngàn tỉ đô la”. Việc chuyển từ phần cứng sang phần mềm dễ dàng hơn so với phần mềm sang phần cứng.

Ông thể hiện sự quan tâm với Nhật Bản, gọi đây là “một phần rất quan trọng của chuỗi cung ứng điện tử bán dẫn” và cho biết, các công ty như Sony Group, Murata Manufacturing và Rohm Semiconductor đang cung cấp “các khối cấu thành rất quan trọng” trong chuỗi cung ứng công nghệ cứng điện tử.

Tuy nhiên, những công ty chế tạo robot của Nhật Bản cần thấy rằng, khách hàng không còn muốn mua phần cứng nữa mà muốn mua giải pháp và giải pháp là phần cứng cộng với phần mềm cộng với AI.

Theo Nikkei Asia

Ricky Hồ

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/so-ky-lan-ai-tang-gan-gap-doi-nhung-ai-chua-phai-la-tat-ca/
Zalo