Tại sao các hãng hàng không Mỹ đang phải 'trả giá' dù lượng khách du lịch phá kỷ lục?

Bất chấp du lịch bùng nổ, các hãng hàng không Mỹ đang gặp khó khăn trong việc kiếm lợi nhuận.

Máy bay của hãng hàng không United Airlines tại sân bay Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Máy bay của hãng hàng không United Airlines tại sân bay Los Angeles, bang California, Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), bất chấp môi trường đầy thách thức, năm 2024 vẫn sẽ chứng kiến số lượng hành khách đi du lịch phá kỷ lục.

Với rất nhiều khách du lịch, các hãng hàng không Mỹ đã sẵn sàng cho một giai đoạn thành công. Một số hãng, như Delta, đã đạt được những kết quả nhất định. Nhưng trong toàn ngành, nhiều hãng hàng không đang phải vật lộn để kiếm lợi nhuận do các vấn đề như thừa công suất, cạnh tranh không ngừng và chi phí cao bất ngờ, theo các chuyên gia.

Ví dụ, hãng hàng không Southwest đã cắt giảm dự báo vào tháng 6 và hiện dự kiến doanh thu sẽ giảm tới 4,5% so với mức dự kiến trước đó là 1,5% đến 3,5%. Vào tháng 5 vừa qua, hãng hàng không American đã cảnh báo rằng họ dự kiến doanh thu sẽ giảm từ 5% đến 6% so với năm ngoái. Dự đoán trước đó của họ là từ 1% đến 3%.

Theo nhà phân tích du lịch Henry Harteveldt, biên lợi nhuận đang thu hẹp một phần là do các hãng hàng không đã bổ sung năng lực quá nhiều vào thị trường quá nhanh trong bối cảnh tin tưởng vào nhu cầu tăng cao và hiện không thể bán hết tất cả số ghế/vé đó.

Hãng hàng không American đã khiến khách hàng từ bỏ vào đầu năm nay khi buộc mọi người phải đặt vé trực tiếp qua hãng hàng không để có được vé thay vì thông qua bên thứ ba.

Reuters đưa tin, hãng hàng không American đã làm tổn hại đến sức mạnh định giá của mình sau khi tăng trưởng mạnh mẽ ở thị trường nội địa. Hãng hàng không này cũng đã mất doanh thu từ khách hàng doanh nghiệp do chiến lược bán vé sai lầm mà hãng đã thừa nhận là sai lầm khi áp dụng.

"Chúng tôi thấy lượng đặt chỗ của khách hàng giảm so với kỳ vọng, một phần là do những thay đổi mà chúng tôi đã thực hiện đối với chiến lược bán và phân phối vé", Robert Isom, Tổng Giám đốc điều hành của hãng hàng không American cho biết trong một hội nghị vào tháng 5 năm nay.

Hãng hàng không Southwest cũng cho rằng việc khó dự đoán nhu cầu là một phần của vấn đề doanh thu. Và, không giống như các hãng vận chuyển giá giá rẻ, Southwest không tính thêm phí cho các phụ kiện như hành lý - một cơ hội doanh thu khác bị bỏ lỡ.

Harry Kraemer, cựu Giám đốc tài chính kiêm Giám đốc điều hành của công ty chăm sóc sức khỏe Baxter International, chia sẻ rằng một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng dư thừa công suất của ngành hàng không là do hoạt động kinh doanh du lịch vẫn chưa phục hồi hoàn toàn kể từ sau đại dịch.

Nhiều công ty không chi nhiều cho việc đi công tác vào phút cuối vì đại dịch đã khiến các hình thức họp trực tuyến qua Zoom và Google Meet trở nên thuận tiện hơn.

Hơn nữa, nhà phân tích Harteveldt cho biết các công ty đã trở nên nhạy cảm hơn về giá và đang tìm kiếm các lựa chọn rẻ hơn. Cùng với đó, việc thiếu máy bay mới có nghĩa là các hãng hàng không phải bay những chiếc máy bay cũ trong thời gian dài hơn. Chi phí bảo dưỡng và hiệu quả kém hơn có thể tăng lên, do đó khách hàng không thể tiếp cận các tiện nghi tốt hơn cùng độ tin cậy của máy bay mới hơn.

Để giải quyết một phần tình trạng trên, chuyên gia Harteveldt đề xuất: “Ngày nay, điều quan trọng hơn không phải là có chi phí thấp nhất mà quan trọng hơn là tạo ra nhiều doanh thu nhất. Do đó, cần thực hiện các chiến lược như giảm số lượng vé, giảm giá vé bán ra hoặc tạo ra các gói trọn gói hấp dẫn hơn".

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo BI)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/tai-sao-cac-hang-hang-khong-my-dang-phai-tra-gia-du-luong-khach-du-lich-pha-ky-luc-20240703205714081.htm
Zalo