Sơ kết soạn thảo Luật Nhà giáo giai đoạn 1: Quyết tâm cao tạo sự thuyết phục
Chiều 2/12, tại Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chủ trì sơ kết soạn thảo Luật Nhà giáo giai đoạn 1.
Tham dự có Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, lãnh đạo các đơn vị Vụ, Cục thuộc Bộ GD&ĐT, các thành viên Ban soạn thảo.
Theo báo cáo của Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục - cơ quan thường trực soạn thảo Luật Nhà giáo, việc lập đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo được thực hiện từ tháng 12/2021 đến tháng 6/2024 và được Bộ GD&ĐT triển khai khẩn trương, nghiêm túc, tạo cơ sở bước đầu quan trọng để xây dựng Luật khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý bổ sung vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Trong thời gian từ tháng 5/2024 đến tháng 10/2024, Bộ GD&ĐT đã tập trung tối đa lực lượng, khẩn trương, nghiêm túc triển khai các bước trong quy trình soạn thảo Luật Nhà giáo theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Với thời gian 15 tháng kể từ khi Chính phủ chính thức thông qua đề nghị xây dựng Luật Nhà giáo, hơn 4 tháng kể từ khi Quốc hội có Nghị quyết chính thức bổ sung dự án Luật Nhà giáo vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Bộ GD&ĐT đã tập trung tối đa các nguồn lực để nghiên cứu, soạn thảo, góp ý, hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Nhà giáo đúng quy trình, đầy đủ thủ tục, đảm bảo tiến độ, chất lượng, được Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu và đánh giá cao về sự chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc.
Theo Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục Vũ Minh Đức, với thời gian triển khai thực hiện rất ngắn, quy trình trình Luật phức tạp, tiến độ soạn thảo rất gấp, là Luật mới, khó… nhưng bằng sự nỗ lực, cố gắng của Ban soạn thảo, sự phối hợp giữa Ban soạn thảo với các đơn vị trong Bộ GD&ĐT, với các chuyên gia… dự án Luật đã hoàn thành đề trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu tại Kỳ họp thứ 8.
Từ những kinh nghiệm triển khai dự án Luật Nhà giáo giai đoạn 1, ông Vũ Minh Đức cho biết: Thời gian tới sẽ tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Nhà giáo. Trong đó có việc tiếp thu, giải trình ý kiến của 127 đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Đồng thời, tiếp tục bổ sung, làm rõ một số nội dung trong dự thảo Luật; hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động; cập nhật, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành để đảm bảo tính đồng bộ, khả thi khi Luật Nhà giáo được thông qua…
Bộ GD&ĐT sẽ phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội chuẩn bị tài liệu phục vụ các phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và hoàn thiện bộ hồ sơ dự án Luật Nhà giáo phục vụ Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.
Đánh giá về một số bài học kinh nghiệm sau giai đoạn 1 soạn thảo Luật Nhà giáo, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề cập tới công tác lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ GD&ĐT với quá trình nghiên cứu, biên soạn dự án Luật; năng lực, trách nhiệm của đơn vị chủ trì soạn thảo với sự đồng hành của các chuyên gia; cách làm, sự vào cuộc của tất cả các Vụ, Cục, đơn vị; công tác phối hợp tạo sự đồng thuận trong và ngoài ngành…
Nhấn mạnh nguyên tắc xuyên suốt, thống nhất là vì lợi ích cho nhà giáo, vì sự phát triển của nhà giáo, Thứ trưởng nêu một số nhiệm vụ, công việc cần làm trong thời gian tới. Trong đó, chủ động phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội để hoàn thiện, tinh chỉnh tốt nhất dự thảo Luật; tiếp tục đánh giá tác động nguồn lực thực hiện; cập nhật nội dung quản lý nhà nước về nhà giáo…
Ghi nhận, cảm ơn đội ngũ chuyên gia - những người trách nhiệm tận tâm, tận lực, vô tư đã đem kinh nghiệm, trí tuệ, tâm huyết cùng đồng hành trong suốt quá trình xây dựng Luật Nhà giáo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng thời đánh giá cao nỗ lực của lãnh đạo, chuyên viên Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục - đơn vị được giao chủ trì xây dựng dự thảo Luật Nhà giáo, cùng sự phối hợp chặt chẽ của các đơn vị.
Nhìn lại giai đoạn 1 soạn thảo Luật Nhà giáo, Bộ trưởng nhấn mạnh tới sự quyết tâm, tính hướng đích, tính mục tiêu rất cao và quyết tâm đó đã thuyết phục được người khác. Ngoài ra, theo Bộ trưởng, sự đồng lòng, đồng thuận từ bên trong là rất quan trọng và những điều này cần tiếp tục phát huy trong giai đoạn tiếp theo.
Nhắc tới “sức ép” thời gian, Bộ trưởng đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục chủ động, bám sát kế hoạch để hoàn thành các công việc, nhiệm vụ đúng tiến độ, không chủ quan. Trong đó, ưu tiên số 1 là tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu Quốc hội thảo luận tại Kỳ họp thứ 8. Đồng thời, lưu ý về công tác phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, đơn vị liên quan và tiếp tục truyền thông lan tỏa về dự thảo Luật Nhà giáo.