Sở hữu 'con bài mặc cả' với ông Trump, Đức tự tin chặn đứng dòng chảy LNG từ Nga, mở cửa đón hàng Mỹ
Đức mới đây đã yêu cầu một nhà điều hành cảng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) từ chối mọi lô hàng của Nga, khẳng định chính sách không nhập khẩu trực tiếp khí đốt của xứ bạch dương. Dường như, đầu tàu kinh tế châu Âu đã có hướng đi mới.
Trước khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2/2022, Đức là nước nhập khẩu khí đốt của Moscow lớn nhất châu Âu.
Sau khi tuyên bố ngừng nhập khí đốt của Nga và Moscow cũng đột ngột cắt nguồn cung cấp mặt hàng này, Berlin đã tìm giải pháp thay thế. Giải pháp mà đầu tàu kinh tế châu Âu chọn là ký kết hợp đồng với các nhà cung cấp khác và xây dựng các nhà ga để tiếp nhận các lô LNG được vận chuyển bằng đường biển.
Trong vài tháng, Đức đã có thể ngừng nhập khẩu khí đốt trực tiếp từ Nga.
Quyết tâm thoát khí đốt Nga
Nguồn cung cấp khí đốt của Moscow cho Berlin một lần nữa trở thành tâm điểm chú ý sau khi tờ báo kinh doanh hàng ngày của Anh Financial Times đưa tin, một lá thư từ Bộ Kinh tế Đức ra "chỉ thị" cho công ty Deutsche Energy Terminal không chấp nhận bất kỳ lô hàng LNG nào của Nga.
Trích dẫn từ lá thư, Financial Times viết, Bộ trên cho biết, lệnh được ban hành để bảo vệ lợi ích công cộng quan trọng nhất của đất nước.
Trong thư, Bộ Kinh tế Đức cho biết, nếu tiếp nhận chuyến hàng khí đốt Nga, cảng ở Brunsbuttel sẽ làm trái với mục đích xây dựng ban đầu của nó là giúp Đức và Liên minh châu Âu (EU) "thoát phụ thuộc vào khí đốt Nga".
Vào ngày 14/11, Reuters cũng đưa tin, đầu tàu kinh tế châu Âu đã từ chối cho phép dỡ lô hàng LNG của Nga tại nhà ga Brunsbuttel.
Deutsche Energy Terminal là một công ty nhà nước, vận hành 4 nhà ga LNG của Đức trên bờ biển Bắc Hải là Brunsbuttel, Wilhelmshaven I, Wilhelmshaven II và Stade. Nhà ga đóng vai trò thiết yếu trong việc đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt của Đức.
Ai đã mua khí đốt của Nga?
Một câu hỏi đặt ra là, trong bối cảnh Đức đã hạn chế mua năng lượng Nga từ tháng 2/2022, vậy ai đã đặt hàng và mua LNG của Moscow?
Người ta suy đoán rằng, điều này đã xảy ra thông qua một công ty có tên là SEFE Energy GmbH - một công ty nhập khẩu khí đốt nhà nước có trụ sở tại thị trấn Kassel.
Được thành lập vào năm 1993, với tư cách là một liên doanh Đức-Nga, công ty đã được bán cho tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga vào tháng 10/2015.
Sau khi Moscow tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Kiev, công ty đã được quốc hữu hóa và nhà nước Đức là chủ sở hữu duy nhất của công ty kể từ năm 2022.
Theo Công ty dữ liệu hàng hóa Kpler, Tập đoàn năng lượng SEFE Energy GmbH có hợp đồng dài hạn để đưa LNG từ cơ sở xuất khẩu Yamal của Nga đến Pháp. LNG được tái khí hóa tại đó và đưa vào hệ thống đường ống dẫn khí đốt kết nối khắp châu Âu.
Với Đức, đất nước bắt đầu nhận khí đốt qua đường ống từ Pháp vào tháng 10/2022.
Một số chuyên gia cũng cho hay, dù không còn nhập khẩu trực tiếp khí đốt của xứ bạch dương qua đường ống hoặc dưới dạng LNG, nhưng đầu tàu kinh tế châu Âu vẫn có thể nhận được một lượng gián tiếp qua nước láng giềng Bỉ và Hà Lan.
Cả hai nước này vẫn nhập khẩu LNG của Nga và tái xuất một phần, bao gồm cả sang Đức.
Con số chính xác rất khó xác minh vì nguồn gốc của khí đốt gần như không thể truy tìm được một khi nó đi vào mạng lưới khí đốt châu Âu. Nghiên cứu gần đây cho thấy, Đức có thể vẫn nhận được từ 4-6% nhu cầu khí đốt thông qua việc nhập khẩu LNG của Nga từ hai nước láng giềng.
Đức đã có hướng đi mới
Trang DW cho hay, hiện vẫn còn tồn tại những thỏa thuận trung chuyển tiềm năng về LNG Nga trong khối 27 thành viên.
DW dự đoán, LNG Nga đã được dỡ xuống tại các nhà ga của Đức và sau đó được chuyển tiếp đến các nước châu Âu khác.
Mỹ và Anh đã cấm LNG của Nga, song EU vẫn tiếp tục nhập khẩu nhiên liệu của nước này.
Dữ liệu của Kpler chứng minh, khối 27 thành viên hiện nhập khẩu 20% nhiên liệu có nguồn gốc từ Nga. Bỉ, Tây Ban Nha và Pháp đang có hợp đồng dài hạn mua nhiên liệu từ xứ bạch dương.
Cơ quan Mạng lưới Liên bang Affani - cơ quan quản lý năng lượng của Đức - cho hay, không thể loại trừ khả năng LNG Moscow được chuyển khí đốt qua các mạng lưới của và Berlin đang đóng vai trò trung chuyển cho các nước châu Âu khác.
Hiệp hội vận động hành lang về khí đốt của Đức - Zukunft Gas - trích dẫn dữ liệu do tổ chức nghiên cứu Bruegel có trụ sở tại Brussels biên soạn cho biết, LNG của Nga vẫn chiếm 16% tổng lượng LNG nhập khẩu vào EU trong tháng 10.
Người phát ngôn của Zukunft Gas Charlie Gruneberg nói, việc vận chuyển khí đốt của Nga qua các nhà ga của EU có thể sẽ kết thúc vào tháng 3/2025 theo gói trừng phạt gói trừng phạt thứ 14 của khối 27 thành viên nhằm vào Moscow.
Ông Charlie Gruneberg thông tin: "Gói trừng phạt bao gồm các hạn chế mới đối với LNG của Nga, cấm việc chuyển hàng tại các cảng châu Âu để tiếp tục vận chuyển đến các nước thứ ba. Tuy nhiên, không có lệnh trừng phạt chung nào của EU đối với khí đốt của Nga".
Còn với lệnh cấm của Đức, Financial Times cho biết, có 3tàu đã rời Yamal những ngày gần đây để hướng đến châu Âu, song không tín hiệu nào cho thấy chúng sẽ cập cảng Brunsbuttel của Đức.
Hiện vẫn chưa có thông tin chính thức về việc các cảng LNG của Berlin có chấp nhận các lô hàng khí đốt của Moscow hay không.
Nhưng dường như, đầu tàu kinh tế châu Âu đã có hướng đi mới. LNG được coi là "con bài mặc cả" của EU và chính quyền ông Donald Trump - Tổng thống đắc cử mới của Mỹ.
Gần đây, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nêu ý tưởng thay thế LNG Nga bằng cách nhập khẩu nhiều hơn từ Mỹ. Vì vậy, khi ngừng tiếp nhận LNG Nga, Đức đã sẵn sàng mở cửa, đón nhận mặt hàng này từ nền kinh tế lớn nhất thế giới.