Sở hữu chéo ngân hàng ngày càng tinh vi

Hoàn thiện hành lang pháp lý đối với các tổ chức tín dụng nhằm ngăn chặn tình trạng sở hữu chéo và thao túng ngân hàng đang là vấn đề được các đại biểu Quốc hội hết sức quan tâm.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng một số quy định vẫn có thể “con voi chui lọt lỗ kim”. ĐTTC đã có cuộc trao đổi với TS. LÊ ĐẠT CHÍ, Đại học Kinh tế TPHCM, để làm rõ vấn đề này.

PHÓNG VIÊN: - Thưa TS., vì sao hơn một thập niên qua chúng ta vẫn chưa xử lý dứt điểm tình trạng SHC?

TS. LÊ ĐẠT CHÍ: - Nhìn lại lịch sử của thị trường tài chính Việt Nam, đặc biệt là ngân hàng (NH), chúng ta có Luật Các TCTD ra đời năm 1997, có điều khoản cho phép NH sở hữu một tổ chức tài chính, nói cách khác là sở hữu NH khác. Tuy nhiên, lần chỉnh sửa thứ 2 của đạo luật này vào năm 2010 đã thay đổi, theo đó các NH cần phải gia tăng quy mô vốn.

Cũng từ đây phát sinh tình trạng NH này sở hữu NH khác nhiều hơn và ra đời thuật ngữ SHC ở Việt Nam. Tiếp tục, Luật Các TCTD sửa đổi lần 3 vào năm 2017 đã không cho phép một định chế hay một NH này sở hữu một NH khác. Và lần sửa thứ tư là dự thảo Luật Các TCTD sửa đổi đã trình Quốc hội xem xét vào kỳ họp 2023 vừa qua. Điều đó cho thấy NHNN đã ý thức việc phải gia tăng tiềm lực vốn thực cho hệ thống NH.

Tình trạng SHC có thể nhìn thấy dễ dàng là các ông chủ nhà băng không có đủ nguồn lực, nên việc tài trợ của NH này cho NH khác để làm gia tăng nguồn vốn ảo, trong khi vốn thật trong mỗi NH mỏng đi rất nhiều.

Nguyên nhân của tình trạng sở hữu chéo (SHC) có thể nhìn thấy dễ dàng là các ông chủ nhà băng không có đủ nguồn lực, nên việc tài trợ của NH này cho NH khác để làm gia tăng nguồn vốn ảo, trong khi vốn thật trong mỗi NH mỏng đi rất nhiều.

Do vậy, khi lần sửa thứ 2 siết lại việc SHC thì các ông chủ nhà băng né theo hướng khác. Tức thay vì phải dùng vốn của NH này đi góp vốn NH khác, thì họ sẽ dùng vốn của NH này cho một ông chủ vay vốn để tài trợ góp vốn vào một NH khác, gọi là cho vay chéo để tăng vốn.

Lần sửa thứ 3 sửa đổi Luật Các TCTD tiếp tục siết mạnh hơn, đó là hạn chế cho vay số tiền lớn. Thời điểm này các ông chủ nhà băng lại nghĩ ra cách khác, đó là cầm cố cổ phiếu của chính các NH để lấy vốn nhằm tăng vốn. Nhưng sau đó điều khoản này bị hủy bỏ.

Tuy nhiên, khi thị trường trái phiếu bùng phát đã trở thành một công cụ béo bở cho các ông chủ nhà băng, họ sử dụng phần vốn góp của mình bằng cổ phần để làm tài sản đảm bảo nhằm phát hành trái phiếu, dùng tiền huy động từ trái phiếu đó để góp vốn vào NH khác.

Cũng từ đây, SHC từ vấn đề đơn giản là một NH này sở hữu chi phối NH khác, đã tạo ra một hệ sinh thái các doanh nghiệp đằng sau của ông chủ để sở hữu NH. Phần sở hữu ở trong các công ty đó được họ thế chấp NH vay vốn, rồi dùng vốn vay này gia tăng vốn sở hữu trong NH.

Cho đến hôm nay, NHNN đã trình một dự thảo Luật Các TCTD lần thứ tư 2023 lên Quốc hội xem xét, cũng đề cập đến việc giảm tỷ lệ sở hữu. Lần sửa này nếu thông qua việc có chấm dứt được SHC hay không vẫn là câu hỏi.

- Là người quan sát trên thị trường tài chính, TS. có thể đưa ra một vài minh chứng trong “thủ thuật” SHC?

- Do vấn đề nhạy cảm nên tôi sẽ không nêu đích danh công ty hay NH cũng như người sở hữu, mà chỉ minh chứng sự kiện đã và đang xảy ra. Cách đây 5 năm, sự kiện một công ty có vốn 5 tỷ đồng nhưng đã mua cổ phần của một ông chủ là người sáng lập một NH với một số tiền rất lớn lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Vậy tiền đâu để mua cổ phần này? Và thủ thuật là sử dụng khoản tiền vay từ NH khác thông qua một tổ chức, sau đó thế chấp bằng chính cổ phần NH đã mua.

Như vậy hiển nhiên trở thành cổ đông lớn của NH mình đã mua mà không cần vốn. Điều này đưa đến một điều là công ty này cho dù có tài sản đem đi thế chấp 5 năm, nhưng quyền sở hữu nó vẫn còn, trong khi vốn thật sự ở trong NH nó không còn. Liệu người đại diện của phần vốn này trong NH sẽ chịu rủi ro thế nào trong mỗi quyết định được đưa ra khi điều hành NH đó?

Đó là trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp vô tình công bố thông tin một doanh nghiệp đang là cổ đông lớn của một NH, phát hành lô trái phiếu thông qua chào bán riêng lẻ với hàng ngàn tỷ đồng, và được đảm bảo bởi chính lượng cổ phiếu NH mà doanh nghiệp này đang sở hữu. Nghĩa là công cụ trái phiếu đã lách được quy định về giới hạn cho vay của một NH hoặc trích lập rủi ro khi cho vay cầm cố cổ phiếu.

Tuy nhiên, vấn đề ở đây là công ty này xem như đã bán đi khoản cổ phiếu NH mà họ sở hữu thông qua hợp đồng trái phiếu, nhưng họ vẫn còn tư cách cổ đông. Vậy cổ đông là doanh nghiệp này khi cử người vào HĐQT của NH sẽ chấp nhận rủi ro thế nào.

Đó là chúng ta chưa làm rõ tiếp bước thứ hai là ai mua lô trái phiếu được phát hành này? Nếu NH trực tiếp đứng ra mua sẽ dễ bị thanh tra NHNN phát hiện, nhưng nếu một NH cấp vốn cho một công ty chứng khoán mua lô trái phiếu đó.

Bức tranh về SHC phát triển đến một mức độ tinh vi, tức không SHC giữa NH này với NH khác như thời kỳ sơ khai của Đạo luật năm 1997, mà nó đã đến mức độ tạo ra một hệ sinh thái đằng sau. Từ đây họ sử dụng mọi công cụ, ban đầu từ phần vốn góp cổ phần là tài sản trong các NH, sau đó đem cổ phần tiếp tục thế chấp để vay vốn...

Như vậy bản chất đơn giản của thí dụ trên là công ty này góp vốn vào NH và thế chấp phần vốn góp để vay. Còn cổ đông này không góp vào NH đó đồng nào sau khi trừ nợ. Phía NH nhận vốn góp của doanh nghiệp này sau đó cũng cho doanh nghiệp vay, nên thực chất NH cũng không nhận được đồng vốn góp nào.

Thế nhưng trong sổ sách khi hạch toán vẫn là 2 khoản mục, nhưng vốn chủ sở hữu thật đã giảm đi nhiều. Đấy cũng là bản chất SHC trong các NH cổ phần. Trong khi NH cổ phần có vốn nhà nước, phần nhà nước sở hữu không thể mang cổ phần này để thế chấp vay nợ, nên vốn góp NH vẫn là vốn thực dương.

Như vậy có thể thấy ở thời kỳ sơ cấp có thể 10 năm trước, người ta đi vay trực tiếp thông qua việc cầm cố tài sản, sau đó chuyển qua tài sản là cổ phần. Từ đây đưa đến những rủi ro và NHNN phải định nghĩa lại tài sản thế chấp khoản cho vay này có rủi ro cao, thí dụ hệ số 200% đối với cho vay cầm cố cổ phiếu. Nhưng nay chuyển qua một công cụ mới trên thị trường trái phiếu, tức chuyển qua mua trái phiếu có tài sản đảm bảo chính cổ phiếu của NH.

Điều này cho thấy bức tranh về việc SHC phát triển đến một mức độ tinh vi, tức không SHC giữa NH này với NH khác như thời kỳ sơ khai của năm 1997 khi đạo Luật Các TCTD ra đời, mà nó đã đến mức độ tạo ra một hệ sinh thái đằng sau. Từ đây họ sử dụng mọi công cụ, ban đầu từ phần vốn góp cổ phần là tài sản trong các NH, sau đó đem cổ phần tiếp tục thế chấp để vay vốn...

Đó là nguyên do tại sao thị trường trái phiếu Việt Nam thời gian qua phát triển rất mạnh nhưng phần lớn là chào bán riêng lẻ. Bởi chào bán riêng lẻ chỉ có một vài nhà đầu tư lớn mua hàng ngàn tỷ đồng. Đồng thời trên báo cáo tài chính của hệ thống NH lại là một khoản gia tăng tín dụng thông qua việc mua trái phiếu của các doanh nghiệp rất lớn.

Như vậy sự phát triển các công cụ tài chính đã tạo điều kiện cho SHC ngày càng tinh vi hơn, không chỉ cho vay trực tiếp mà còn sử dụng các công cụ để tài trợ lẫn nhau nhằm mục đích chi phối NH đó của giới chủ.

- Nói như vậy công cụ giám sát của cơ quan quản lý nhà nước ở đâu?

- Quả thực khi nói đến SHC phát triển đến giai đoạn ngày hôm nay cùng với sự phát triển các công cụ tài chính trên thị trường, càng đưa đến việc giám sát của cơ quan quản lý nhà nước. Một ông chủ của NH họ tạo ra một lớp hệ sinh thái, đó là một lớp doanh nghiệp để sở hữu NH. Và lớp doanh nghiệp này không thể nào cơ quan quản lý nhà nước biết được.

Cho dù chúng ta có những Luật Doanh nghiệp, rằng một ông chủ tịch HĐQT của NH không thể là chủ tịch HĐQT NH khác, nhưng không cấm ông chủ tịch đó có con cháu được lập công ty để sở hữu NH.

Vì vậy cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan giám sát của NHNN rất khó phát hiện. Mặc dù trong điều khoản của Luật Các TCTD có quy định giới hạn cho vay các công ty liên kết với ông chủ NH đó, nhưng để NHNN giám sát và thực thi điều khoản giới hạn cho vay trong một nhóm các công ty liên kết gần như rất khó, nhất là khi các công ty này được lập nên không có phả hệ mà luật pháp quy định, thí dụ con rể, con dâu, em vợ, em chồng.

Do vậy, cần thiết lập nên hệ thống kiểm soát trong NH đó, tức phải nắm được NH cấp tín dụng hay quyết định một khoản đầu tư trái phiếu cho một doanh nghiệp nào đó. Kiểm soát đầu tiên phải nhắm đến là cách tổ chức và vận hành của HĐQT, trách nhiệm của HĐQT đó là kiểm soát nội bộ.

Tuy nhiên, ở Việt Nam hiện nay việc bầu ra HĐQT và tổ chức vận hành HĐQT đó bộc lộ quá nhiều nhược điểm, trong khi Luật Các TCTD chưa nhận ra để điều chỉnh trong lần sửa đổi này.

Bản chất của SHC Việt Nam dường như lại khác với khái niệm SHC ở một số NH các nước trên thế giới. Với Việt Nam đó là một vài ông chủ đứng đằng sau và thâu tóm, nắm quyền kiểm soát, lũng đoạn nhà băng để cho vay thân hữu, và chủ yếu là tập trung vào bất động sản. Và rõ ràng việc cho vay trong nội bộ hay trong hệ sinh thái hoàn toàn làm tăng vốn ảo, không có lợi cho nền kinh tế, đặc biệt là đẩy giá bất động sản, đẩy bong bóng tài sản cố định trong nền kinh tế lên cao, tạo ra một khả năng tiềm ẩn trong báo cáo tài chính.

Với pháp luật các nước đơn giản là họ sẽ trừ hết tất cả các khoản vốn ảo, các khoản vốn mà các cơ quan quản lý phát hiện nằm trong hệ sinh thái. Đây là cách thức xử lý tôi cho rằng khá hữu hiệu, có thể là một bài học kinh nghiệm để chúng ta xử lý triệt để SHC trong thời gian tới.

GS.TS TRẦN NGỌC THƠ, Đại học Kinh tế TPHCM

Trong Luật Doanh nghiệp có nói một nhóm cổ đông sở hữu 10% mới được đề cử 1 thành viên HĐQT, nghĩa là nếu trúng cử thành viên này sẽ là người đại diện trong NH của nhóm cổ đông đề cử, để có thể cung cấp thông tin cho cổ đông về hoạt động NH. Vậy cổ đông đại chúng, cổ đông nhỏ lẻ trong một NH rất khó đề cử một ai đó đại diện cho chính mình.

Các NH họ hiểu rõ đặc điểm này, nên khi kết thúc nhiệm kỳ HĐQT này sang nhiệm kỳ HĐQT khác, gần như HĐQT của nhiệm kỳ cũ ra một nghị quyết đề cử một vài người tiếp tục ứng cử vào nhiệm kỳ mới. Thậm chí họ tiếp tục đề cử thêm thành viên mới, thành viên độc lập cho nhiệm kỳ tiếp theo với quyền lợi của nhóm cổ đông lớn. Và cứ thế những người này đem ra ĐHCĐ để đề cử và bầu chọn. Cách thức bầu lên HĐQT đã có vấn đề.

Do vậy trong Luật Các TCTD cần phải thiết lập các tiêu chuẩn đề cử, thay đổi lại hành vi này giúp việc bầu cử các thành viên HĐQT trong NH thực sự là người có chuyên môn và đại diện cho cổ đông đại chúng, thay vì một nhóm nhỏ sở hữu NH.

Một doanh nghiệp sở hữu NH phải tương đối chặt hơn, Luật Các TCTD có đề cập đến vị trí thành viên HĐQT độc lập, nhưng tiêu chuẩn cho người độc lập này là gì? Ai sẽ được đề cử? Ai đề cử người này và ai sẽ đạt được tiêu chuẩn để trở thành một thành viên HĐQT độc lập.

Liệu người làm luật đang có ý định đưa người của NHNN vào, để qua đó nắm bắt thông tin hay chỉ đơn thuần mong muốn người này bảo vệ cổ đông nhỏ lẻ, hoặc chỉ đơn thuần tăng thêm quyền kiểm soát NH cho nhóm cổ đông chi phối khi đề cử họ?

Hiện trong Luật Doanh nghiệp cho đến Luật Các TCTD, kể cả Thông tư 155 mới nhất năm 2020 có nói về quản trị doanh nghiệp, các doanh nghiệp đại chúng, nhưng các hướng dẫn này không thể giám sát được hoạt động của doanh nghiệp. Đơn cử đọc báo cáo quản trị các doanh nghiệp hay báo cáo quản trị NH thường thấy nhiều thành viên HĐQT vắng họp, một NH có 7 thành viên mà cuộc họp đã có đến 3 thành viên vắng, 4 thành viên họp đã quá bán đúng quy định của luật, trong 4 thành viên này có 1 chủ tịch và 1 tổng giám đốc. Nghĩa là chủ tịch và tổng giám đốc thao túng cả NH. Nhìn đó để thấy vai trò giám sát hoạt động NH ở phòng tuyến đầu tiên từ HĐQT đã bị “thủng” thì làm sao kiểm soát rủi ro hệ thống NH. Trong khi đó Luật Các TCTD sửa đổi không đề cập.

Thông thường hiện nay người làm HĐQT được ứng xử như là một người đại diện cho giới chủ, làm việc với tư cách là hưởng phúc lợi của người chủ chứ không phải hưởng lương, lẽ đương nhiên sẽ làm việc theo chỉ đạo ông chủ NH. Như vậy công việc của HĐQT có gì đó không tròn trách nhiệm với tư cách của cổ đông ủy quyền cho họ trong vấn đề giám sát quá trình hoạt động của một NH, doanh nghiệp.

Qua mùa ĐHCĐ vừa qua, việc công bố danh sách cổ đông có quyền dự họp dễ dàng thấy có vài trăm doanh nghiệp đang là cổ đông trong NH. Họ chia nhỏ sở hữu ra để né đi các quy định về giới hạn sở hữu của Luật Các TCTD quy định, né đi vấn đề công bố thông tin trên thị trường chứng khoán, và việc chia nhỏ sở hữu này giúp ông chủ kiểm soát được NH, nhưng cũng đồng thời lợi dụng được phần vốn góp cổ phần này để vay vốn, kinh doanh khi quyền sở hữu này chưa dùng đến.

- Xin cảm ơn TS. về cuộc trao đổi này.

---------

Kỳ tới: Cuộc trao đổi giữa ĐTTC với TS. HỒ QUỐC TUẤN, Giảng viên Đại học Bristol, Anh

TRẦN HẢI (thực hiện)

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/so-huu-cheo-ngan-hang-ngay-cang-tinh-vi-post106023.html
Zalo