Hàng không châu Á-Thái Bình Dương gặp các vấn đề về chuỗi cung ứng

Nhu cầu đi lại ở châu Á-Thái Bình Dương đã phục hồi sau đại dịch COVID-19 nhưng lợi nhuận của các hãng hàng không đang chịu áp lực do những vấn đề về chuỗi cung ứng làm gián đoạn hoạt động.

Máy bay của Thai Airways tại sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan, ngày 25/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Máy bay của Thai Airways tại sân bay Suvarnabhumi ở Bangkok, Thái Lan, ngày 25/3/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhu cầu đi lại ở châu Á-Thái Bình Dương đã phục hồi sau đại dịch COVID-19, nhưng lợi nhuận của các hãng hàng không trong khu vực đang chịu áp lực do những vấn đề về chuỗi cung ứng làm gián đoạn hoạt động.

Tình trạng thiếu phụ tùng, lao động và máy bay mới khi ngành hàng không phục hồi sau đại dịch COVID-19 diễn ra khi nhu cầu bảo trì các động cơ thế hệ mới nhất cao hơn dự kiến.

Tại cuộc họp thường niên tại Brunei trong tuần này, Tổng giám đốc Hiệp hội các hãng hàng không châu Á-Thái Bình Dương (AAPA), Subhas Menon, cho biết vấn đề chuỗi cung ứng là thách thức lớn nhất mà ngành hàng không đang phải đối mặt.

Thời gian hoàn thành công việc bảo trì động cơ đang kéo dài kỷ lục, khiến các hãng hàng không phải cắt giảm số chuyến bay, và thuê động cơ hoặc máy bay tạm thời để duy trì hoạt động.

Giám đốc điều hành (CEO) Thai Airways, Chai Eamsiri, cho biết việc bảo dưỡng động cơ Rolls-Royce trên máy bay Boeing 787 trước đây mất khoảng ba tháng nay đã tăng lên khoảng sáu tháng.

Trong bối cảnh thiếu máy bay, nhân công và phụ tùng, Malaysia Airlines đã phải chứng kiến tình trạng gián đoạn dịch vụ trong năm nay và cắt giảm 20% công suất kể từ tháng 9/2024.

CEO Malaysia Airlines, Izham Ismail, cho biết, việc bảo dưỡng động cơ thường mất khoảng 55 ngày trước đại dịch, nhưng hiện tại cần 100 ngày hoặc hơn.

Theo người đứng đầu các hãng hàng không lớn như Thai Airways, Singapore Airlines, Malaysia Airlines và Air Astana của Kazakhstan, các chính phủ đang nỗ lực bảo vệ người tiêu dùng nên ngừng đổ lỗi cho các hãng hàng không về sự chậm trễ.

Malaysia, Australia, Thái Lan và Philippines (Phi-líp-pin) nằm trong số các quốc gia tăng cường bảo vệ người tiêu dùng, yêu cầu hoàn tiền trong trường hợp hoãn và hủy chuyến.

CEO Air Astana, Peter Foster cho rằng các hãng chế tạo máy bay cũng phải cùng hành động.

Các đại diện của Airbus và Rolls-Royce cho biết đang nỗ lực giải quyết những vấn đề của chuỗi cung ứng, bao gồm cả việc cải thiện khả năng tiếp cận tài chính của các nhà cung cấp.

Nhu cầu đi lại ở châu Á - Thái Bình Dương, khu vực chiếm khoảng 32% lưu lượng hành khách toàn cầu, phục hồi muộn hơn so với các khu vực khác trên thế giới do việc dỡ bỏ muộn các hạn chế do đại dịch, đặc biệt là ở Trung Quốc.

Theo số liệu của AAPA, lượng hành khách của 40 hãng hàng không có trụ sở tại châu Á-Thái Bình Dương vào tháng 9/2024 đạt trung bình 97,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Lê Minh (Theo Reuters)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/hang-khong-chau-a-thai-binh-duong-gap-cac-van-de-ve-chuoi-cung-ung/353402.html
Zalo