Số hóa và hợp tác - 'chìa khóa' xanh hóa ngành logistics
Giảm phát thải carbon trong ngành logistics đang trở thành vấn đề cấp thiết với doanh nghiệp Việt Nam. Dưới áp lực giảm phát thải carbon và các quy định quốc tế ngày càng khắt khe, ngành logistics Việt Nam buộc phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, sự chênh lệch về tiềm lực khiến các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) gặp nhiều thách thức…
![Ngành logistics cần chuyển đổi để bứt phá trong kỷ nguyên mới - Ảnh minh họa.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_3_51464696/d2ff9fb4affa46a41feb.jpg)
Ngành logistics cần chuyển đổi để bứt phá trong kỷ nguyên mới - Ảnh minh họa.
Biến đổi khí hậu đang là một trong những thách thức lớn nhất của toàn cầu. Theo các số liệu thống kê, riêng ngành logistics đang tạo ra lượng phát thải carbon- CO2 ước tính ở mức 7 - 8%. Ở Việt Nam, trung bình mỗi năm hoạt động vận tải phát thải hơn 50 triệu tấn CO2.
NGÀNH LOGISTICS TRƯỚC ÁP LỰC GIẢM PHÁT THẢI
Chia sẻ tại hội thảo “Logistics xanh - đích đến bền vững” do Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) tổ chức, các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp logistics, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) cần nỗ lực đầu tư vào số hóa, vận tải đa phương thức,… để tối ưu vận chuyển. Đồng thời, cần tận dụng chính sách hỗ trợ, thị trường tín chỉ carbon và nâng cao minh bạch trong báo cáo ESG để đáp ứng quy định quốc tế.
Theo ông Đào Trọng Khoa, Chủ tịch VLA, logistics Việt Nam hiện còn phụ thuộc nhiều vào đường bộ và phát triển không đồng đều giữa các phương thức vận tải.
Theo đó, khoảng 75% hàng hóa vẫn được vận chuyển qua đường bộ, trong khi 12% hàng hóa được vận chuyển qua đường biển và chỉ 2% vận chuyển qua đường sắt; có đến 95% phương tiện giao thông tại Việt Nam còn phụ thuộc lớn vào nhiên liệu hóa thạch.
Dẫn số liệu từ Ngân hàng Thế giới (World Bank), ông Khoa cho biết trung bình mỗi năm hoạt động vận tải ở Việt Nam phát thải hơn 50 triệu tấn CO2. Trong đó, vận tải đường bộ chiếm tỷ trọng 85% lượng khí phát thải. Lượng phát thải này được dự báo tăng trung bình 6 - 7% mỗi năm. Dự báo, phát thải CO2 của các ngành vận tải sẽ ở mức 90 triệu tấn CO2 vào năm 2030.
![Hình minh họa do AI thực hiện.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_3_51464696/75492402144cfd12a45d.jpg)
Hình minh họa do AI thực hiện.
Bên cạnh phát thải lớn, ngành logistics Việt cũng chịu ảnh hưởng từ các chính sách, quy định và yêu cầu hội nhập quốc tế ngày càng khắt khe hơn. Các hiệp định thương mại thế hệ mới đều yêu cầu doanh nghiệp Việt Nam phải nâng cao tiêu chuẩn, giảm “dấu chân” carbon trong hoạt động logistics để hướng tới phát triển bền vững chuỗi cung ứng.
Đồng tình quan điểm này, ông Stéphane Graber, Tổng Giám đốc FIATA (Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế), cho rằng việc giảm phát thải carbon trong ngành logistics đang trở thành vấn đề cấp thiết đối với doanh nghiệp Việt Nam.
Đơn cử, Liên minh Châu Âu (EU) là một đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam đã áp dụng Cơ chế Điều chỉnh Biên giới Carbon (CBAM), đánh thuế carbon đối với hàng hóa có lượng phát thải cao khi nhập khẩu.
Ngoài ra, EU còn có Chỉ thị Báo cáo Bền vững Doanh nghiệp (CSRD) nhằm chuẩn hóa báo cáo bền vững. Doanh nghiệp phải công khai thông tin về tác động môi trường, xã hội và quản trị (ESG).
“Điều này có thể ảnh hưởng đến các nhà cung cấp dịch vụ logistics ngoài EU nếu họ nằm trong chuỗi cung ứng của các công ty châu Âu có nghĩa vụ báo cáo. Đến năm 2028, các công ty ngoài EU có hoạt động tại châu Âu cũng sẽ phải tuân theo quy định này”, Tổng Giám đốc FIATA nhận định.
GIẢI PHÁP NÀO CHO DOANH NGHIỆP VỪA VÀ NHỎ?
Thực tế, trong thời gian qua, một số doanh nghiệp đã thực hiện những bước đầu tiên trong quá trình chuyển đổi xanh. Tuy nhiên, chủ yếu thì tập trung ở các doanh nghiệp lớn có tiềm lực tài chính mạnh mẽ. Trong khi đó, các doanh nghiệp vừa và nhỏ chưa đủ tiềm lực tài chính vẫn gặp nhiều khó khăn do chi phí tăng cao.
Chia sẻ về những giải pháp để giúp doanh nghiệp logistics thực hiện chuyển đổi xanh, ông Phạm Thiên Ân, Chuyên gia về khí nhà kính, Tập đoàn Vinacontrol, cho rằng hiện Chính phủ đã có nhiều cơ chế, chính sách để hỗ trợ cho các doanh nghiệp, ngoài ra sắp tới còn có thị trường về trao đổi tín chỉ carbon.
![](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_13_3_51464696/972bce60fe2e17704e3f.jpg)
Ông Stéphane Graber, Tổng Giám đốc FIATA (Liên đoàn các Hiệp hội Giao nhận Vận tải Quốc tế).
“Để thực hiện cam kết Net Zero 2050, doanh nghiệp Việt Nam phải tuân thủ ngày càng nhiều yêu cầu và quy định từ các đối tác thương mại lớn nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận thị trường.
Áp lực về tính bền vững và giám sát chặt chẽ lượng khí thải khiến yếu tố môi trường ngày càng trở thành tiêu chí quan trọng đối với khách hàng và đối tác trong chuỗi cung ứng”.
“Đây có thể là một công cụ tài chính đắc lực cho các doanh nghiệp trong việc chuyển đổi xanh. Do đó, doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược cắt giảm khí nhà kính với chiến lược cụ thể, chính xác và rõ ràng để đạt được mục đích giảm thải carbon hiệu quả nhất, nhanh nhất”, ông Ân nói.
Bên cạnh đó, theo ông Ân, các doanh nghiệp cần ứng dụng công nghệ, sử dụng Al (trí tuệ nhân tạo) để tối ưu hóa quãng đường vận chuyển. Đối với phương tiện vận chuyển nên ưu tiên xe điện, sử dụng xe dùng nhiên liệu sinh học CNG, LPG như giải pháp chuyển tiếp. Đồng thời, doanh nghiệp cần sử dụng kết hợp đa dạng phương thức vận tải.
Đưa ra khuyến nghị cho ngành logistics Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp SMEs, ông Stéphane Graber cho rằng hiện nay, các doanh nghiệp SMEs nên tập trung đầu tư vào số hóa và vận tải đa phương thức. Cần nâng cao hiệu suất để tăng tính bền vững như đầu tư vào công nghệ mới, tài liệu vận tải điện tử. Đầu tư vào công nghệ là rất quan trọng để đẩy nhanh quy trình, nâng cao hiệu quả hoạt động, tối ưu hóa tuyến đường và giảm phát thải.
Ngoài ra, các doanh nghiệp giao nhận, nên trang bị kiến thức mới nhất về cắt giảm phát thải carbon, các quy định trong nước và quốc tế, thực hiện đánh giá dấu chân carbon để xác định các lĩnh vực cần cải thiện, cũng như nâng cao tính minh bạch trong báo cáo.
“Cuối cùng, cần mở rộng đối thoại với các đối tác, thúc đẩy hợp tác giữa SMEs và các công ty lớn hơn để chia sẻ thông tin, tài nguyên và nâng cao kiến thức, giúp cả ngành cùng phát triển theo hướng bền vững”, ông Stéphane Graber nhấn mạnh.
Dưới góc độ doanh nghiệp, bà Phạm Thị Tình, Giám đốc thương mại chi nhánh Hà Nội, Công ty cổ phần Giao nhận tiếp vận quốc tế Interlog, cho hay doanh nghiệp tập trung vào ba yếu tố cốt lõi là nâng cao nhận thức của nhân viên, chuyển đổi năng lượng và tìm kiếm các giải pháp tối ưu nhằm tiết kiệm chi phí.
Theo bà Tình, từ cuối năm 2022, Interlog đã chú trọng đào tạo nội bộ từ cấp lãnh đạo đến nhân viên để nâng cao nhận thức về quá trình chuyển đổi xanh. Đồng thời, công ty đẩy mạnh ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số, hướng tới giảm thiểu việc sử dụng giấy tờ trong công tác quản lý và vận hành...