Khơi dậy ý thức thoát nghèo

Ðể thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, huyện Ðầm Dơi triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ và tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân phát huy tinh thần tự lực vươn lên.

Hộ ông Sơn Văn Liều, ấp Hiệp Hòa Tây, xã Ngọc Chánh, là hộ đồng bào dân tộc thuộc diện nghèo nhiều năm. Tháng 8/2023, gia đình được hỗ trợ 20 triệu đồng mua khoảng 130 kg sò huyết giống thả nuôi. Với 12.000 m2 đất sản xuất, ông thả nuôi mật độ khoảng 100 con/m2. Ðến nay, sò phát triển tốt, kinh tế gia đình ổn định và đã xin thoát nghèo.

Ông Liều cho biết: “Ðược hỗ trợ sò giống thả nuôi, gia đình tích cực chăm sóc để phát triển kinh tế. Rất cảm ơn Nhà nước quan tâm tới người dân chúng tôi. Tôi sẽ cố gắng lao động, sản xuất để kinh tế gia đình ngày càng ổn định hơn”.

Trong 2 năm qua, xã Ngọc Chánh được phân khai kế hoạch vốn thực hiện dự án nuôi sò huyết với 970 triệu đồng. Ðến nay, đã giải ngân trên 961 triệu đồng, hỗ trợ 47 hộ tham gia dự án, trong đó có 18 hộ nghèo, 10 hộ cận nghèo, 11 hộ thoát nghèo, 7 hộ có kinh nghiệm trong sản xuất và 1 hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Ông Ðặng Văn Suôl, Phó chủ tịch UBND xã Ngọc Chánh, cho biết: “Năm 2024, qua rà soát các dự án, nguồn vốn hỗ trợ đã giúp 42 hộ nghèo và 18 hộ cận nghèo trong xã thoát nghèo. Kết quả này khẳng định các nguồn vốn đầu tư hết sức ý nghĩa hiện nay, giúp bà con thoát nghèo bền vững”.

Năm 2023 và 2024, huyện Ðầm Dơi được cấp thẩm quyền phê duyệt 25 dự án, gồm 15 dự án nuôi heo thương phẩm, 8 dự án nuôi sò huyết kết hợp tôm sú, 1 dự án nuôi sò huyết kết hợp tôm thẻ đuôi đỏ và 1 dự án nuôi vịt thương phẩm. Việc triển khai thực hiện các dự án góp phần đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo.

Lãnh đạo huyện tham quan mô hình trồng rau màu của hộ dân ở xã Trần Phán.

Lãnh đạo huyện tham quan mô hình trồng rau màu của hộ dân ở xã Trần Phán.

Cùng với hỗ trợ vốn từ các dự án, công tác thông tin tuyên truyền được huyện tăng cường, giúp người dân biết và hiểu được các chính sách hỗ trợ, quyền lợi và trách nhiệm trong việc thực hiện chương trình giảm nghèo; áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi nhận thức, tư duy, tự lực vươn lên thoát nghèo.

Bà Châu Hồng Nhung, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ðầm Dơi, cho biết: “Phòng phối hợp với các ngành, các cấp và UBND các xã, thị trấn tuyên truyền rộng rãi đến tận ấp, khóm, đặc biệt là đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, về các phương thức sản xuất, nguồn vốn, để họ có ý thức trong quá trình sản xuất cũng như tận dụng thời gian nhàn rỗi, cùng thực hiện các chính sách giảm nghèo”.

Tại huyện Ðầm Dơi, thông qua việc triển khai nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ thiết thực, cùng với đẩy mạnh truyền thông giảm nghèo đã góp phần nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần tự lực tự cường, tự vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng, nắm bắt được cơ hội phát triển kinh tế, giảm nghèo.

Hiện toàn huyện Ðầm Dơi còn 685 hộ nghèo, chiếm 1,57%, giảm 276 hộ, giảm 0,63% so với đầu năm 2024; hộ cận nghèo còn 708 hộ, chiếm 1,62%, giảm 104 hộ, giảm 0,24% so với đầu năm 2024.

Thùy Mỵ

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/khoi-day-y-thuc-thoat-ngheo-a37190.html
Zalo