'Số hóa' nông nghiệp để nông dân làm chủ đồng ruộng

Chuyển đổi số trong nông nghiệp đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, giúp người nông dân rút ngắn khoảng cách giữa khâu sản xuất với tiêu thụ. Song, chặng đường 'số hóa' vẫn còn là một hành trình dài với không ít thách thức đặt ra…

Chuyển đổi số góp phần quan trọng vào việc tái cơ cấu nông nghiệp. Ảnh ST

Để nông dân làm chủ đồng ruộng…

Với mục tiêu ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất, giảm bớt sức lao động của nông dân, Hợp tác xã Mai Đàn, xã Hải Lâm, huyện Hải Lăng (tỉnh Quảng Trị) phối hợp với Tổng công ty Sông Gianh triển khai mô hình sản xuất nông nghiệp “không dấu chân”. Mô hình sử dụng thiết bị bay không người lái 3 trong 1 dùng để gieo sạ, rải phân và phun thuốc bảo vệ thực vật. Ngoài ra, mô hình còn áp dụng cơ giới hóa vào tất cả các khâu từ làm đất đến thu hoạch vừa giúp đẩy nhanh tiến độ gieo cấy, tiết kiệm được chi phí.

Ông Cáp Kim Thánh - Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Quảng Trị đánh giá, hiệu quả bước đầu của cánh đồng “không dấu chân” đó là giải phóng sức lao động cho nông dân, thời gian gieo sạ chỉ trong một ngày, lượng giống gieo giảm chỉ còn 3 - 4 kg/sào, mật độ gieo đảm bảo, giảm chi phí nhân công dặm tỉa, bón phân, bơm thuốc.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Hồ Xuân Hòe cho biết, xác định tiếp cận và làm chủ công nghệ số sẽ là “chìa khóa” để nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất, tiết kiệm chi phí và đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, thời gian qua, Sở NNPTNT đã chỉ đạo các đơn vị trong ngành phối hợp với các địa phương đẩy mạnh số hóa vào công tác quản lý điều hành và triển khai các mô hình sản xuất trên địa bàn.

Cách làm của hợp tác xã tại tỉnh Quảng Trị cũng là hướng đi chung đang được nhiều hợp tác xã, hộ nông dân trên cả nước thực hiện nhằm “số hóa” các khâu trong sản xuất nông nghiệp.

Phó Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Bùi Thị Thơm cho biết, hiện nay, ngày càng nhiều nông dân trên cả nước, nhất là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi ứng dụng có hiệu quả công nghệ số vào quản lý, tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản, trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, mang lại những kết quả khả quan.

Nhiều chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên đất, nước, phân bón… để chuyển đổi từ sản xuất nông nghiệp truyền thống sang sản xuất nông nghiệp hiện đại, làm chủ đồng ruộng, từ đó tạo ra cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch bệnh tốt hơn.

Qua tổng hợp, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam Nguyễn Hoài Nam - cho biết, chuyển đổi số có thể giúp các hộ dân nuôi trồng thủy sản và doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng giảm chi phí từ 7 - 25%. Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường gặp nhiều khó khăn, với yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của khách hàng về chất lượng, mẫu mã sản phẩm, ứng dụng số hóa thì sẽ giúp thuận lợi hơn rất nhiều trong việc truy xuất nguồn gốc, nâng cao giá trị sản phẩm…

Tính đến hết năm 2023, đã có hơn 2 triệu hộ sản xuất nông nghiệp tại các tỉnh, thành phố được đào tạo kỹ năng số, gần 50.000 sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử và hàng nghìn giao dịch điện tử đã được thực hiện cho thấy hiệu quả bước đầu của công cuộc chuyển đổi số nông nghiệp.

Theo ông Nguyễn Quốc Toản - Giám đốc Trung tâm chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ NNPTNT): “Việc tiếp cận và làm chủ công nghệ số sẽ là “chìa khóa” quan trọng để người nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật vào toàn bộ quy trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm...”.

Theo đó, hàng chục vạn nông dân trên cả nước đã và đang ứng dụng có hiệu quả công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp. Với sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng và sự mạnh dạn, quyết đoán của những “nông dân 4.0”, việc thực hiện chuyển đổi số bước đầu đã được áp dụng trong ngành nông nghiệp ở các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp, mang lại những kết quả hết sức khả quan.

Còn không ít rào cản

Bên cạnh những kết quả đạt được, thông tin tại diễn đàn về tái cơ cấu ngành nông nghiệp mới đây, các chuyên gia cũng chỉ ra những khó khăn, thách thức khi thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Trong đó nổi lên là trình độ, năng lực tiếp cận và đưa công nghệ số vào sản xuất nông nghiệp của nông dân còn thấp. Chính sách phục vụ chuyển đổi số trong nông nghiệp chưa phù hợp, chưa kịp thời, chưa quan tâm hỗ trợ cho các hợp tác xã và nông dân ứng dụng công nghệ cao, chuyển đổi số, truy xuất nguồn gốc. Sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết, canh tác chủ yếu vẫn dựa theo phương pháp truyền thống và phụ thuộc vào kinh nghiệm cá nhân...

Nhiều hộ dân ở huyện Văn Giang đã tích cực ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Ảnh: N.Lộc

Nhiều hộ dân ở huyện Văn Giang đã tích cực ứng dụng công nghệ mới vào sản xuất. Ảnh: N.Lộc

Thực trạng sản xuất manh mún với 9,6 triệu hộ gia đình nhưng có đến 24 triệu mảnh ruộng. Tư duy, thói quen trong sản xuất nông nghiệp của nông dân và khả năng ứng dụng công nghệ rất thấp. Chi phí ứng dụng chuyển đổi số cao nhưng lợi ích không rõ ràng. Đây chính là những thách thức ảnh hưởng đến chuyển đổi số nông nghiệp.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Nguyễn Hoàng Hiệp

Ông Nguyễn Quốc Toản chia sẻ, nhân lực làm công tác chuyển đổi số còn hạn chế, thiếu kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm về chuyển đổi số, nhất là lĩnh vực có liên quan đến các ngành đòi hỏi phải có kiến thức chuyên sâu. Trong khi đó, hiện “còn thiếu các cơ chế chính sách phù hợp nhằm thu hút, tuyển dụng, đãi ngộ nhân lực có trình độ về chuyển đổi số, an toàn, an ninh thông tin” - ông Toản cho hay.

Từ thực tiễn triển khai “số hóa”, Giám đốc Hợp tác xã hữu cơ Bình Minh (tỉnh Bắc Giang) Nguyễn Ngọc Hải đã chỉ ra những khó khăn trong việc tiếp cận các chính sách để áp dụng vào hợp tác xã như chi phí hạ tầng ban đầu cho hệ thống áp dụng chuyển số và truy xuất nguồn gốc còn cao so với quy mô sản xuất. Bên cạnh đó, khả năng chủ động tiếp cận với công nghệ số của nhiều nông dân còn hạn chế, cần sự hỗ trợ về tập huấn, đào tạo...

Chuyên gia nông nghiệp Hoàng Trọng Thủy cho rằng, muốn lan tỏa sóng chuyển đổi số đến nông dân, trước hết cán bộ ngành nông nghiệp phải thay đổi trước, phải chứng minh được lợi ích của việc làm này với nông dân.

Theo ông Thủy, lưu ý này xuất phát từ thực tế tại nhiều nơi, ngành nông nghiệp kêu gọi người dân đẩy mạnh chuyển đổi số, nhưng nhà cán bộ nông nghiệp vẫn sản xuất theo cách truyền thống, thì rất khó để thuyết phục người dân. "Quá trình chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang hiện đại không đơn giản, nhưng không phải là không làm được, nếu có sự vào cuộc tích cực, thực chất của các bên, đặc biệt là người làm công tác khuyến nông cơ sở và doanh nghiệp" - ông Thủy nhấn mạnh.

N.LỘC

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/so-hoa-nong-nghiep-de-nong-dan-lam-chu-dong-ruong-34311.html
Zalo