Số hóa dữ liệu và Đề án 06 – 'Tấm lá chắn' ngăn chặn vi phạm trong đấu thầu y tế

Thời gian qua, ngành y tế đã chứng kiến nhiều vụ việc gian lận trong đấu thầu, đặc biệt là các gói thầu cung cấp dịch vụ thiết yếu như giặt là, thiết bị y tế và thuốc... Những sai phạm này không chỉ phơi bày các kẽ hở trong công tác đấu thầu mà còn đặt ra câu hỏi về tính minh bạch, sự công bằng trong quản lý tài chính công và chất lượng dịch vụ y tế cung cấp cho người dân.

Đồng thời, nó cũng khiến chúng ta phải nhìn nhận lại tính cấp bách của việc nâng cấp toàn bộ hệ thống quản lý đấu thầu hiện nay, đặc biệt là trong bối cảnh chuyển đổi số và sự ra đời, phát triển của Đề án 06.

Vi phạm gian lận – Những hệ lụy khó lường

Gian lận trong đấu thầu không chỉ đơn thuần là một hành vi phạm pháp, mà nó còn là một “tảng băng chìm” của nhiều vấn đề nghiêm trọng hơn, như sự thiếu sót hay buông lỏng trong công tác giám sát, quản lý. Chúng ta dễ dàng nhận thấy rằng, trong lĩnh vực y tế, nơi mà mỗi chi tiết nhỏ đều có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng con người, việc sử dụng giấy tờ giả để tham gia đấu thầu không chỉ gây thiệt hại về tài chính, mà còn đe dọa đến sức khỏe cộng đồng. Khi các nhà thầu không đủ năng lực nhưng vẫn trúng thầu nhờ những hồ sơ giả, chất lượng dịch vụ sẽ không đảm bảo. Điều này có thể dẫn đến sự cố y tế nghiêm trọng, từ việc dụng cụ y tế không đạt tiêu chuẩn cho đến các dịch vụ bảo vệ, vệ sinh, giặt là bệnh viện không đúng yêu cầu.

Ngoài vấn đề an toàn sức khỏe, việc sử dụng giấy tờ giả hoặc tạo dựng những rào cản bằng các tiêu chuẩn vô lý trong hồ sơ mời thầu còn tạo ra một môi trường đấu thầu không công bằng. Các doanh nghiệp đủ năng lực sẽ dễ bị loại bỏ, trong khi đó những công ty có hành vi gian lận lại dễ dàng chiếm ưu thế. Điều này không chỉ làm thất thoát ngân sách Nhà nước mà còn làm giảm tính cạnh tranh và minh bạch trong các cuộc đấu thầu công. Những vụ án liên quan đến sai phạm trong đấu thầu của CDC Hà Nội, Việt Á… ở đó nhiều chứng thư thẩm định giá được làm giả, hồ sơ thầu với những tài liệu giả mạo để hợp thức hóa trúng các gói thầu hàng chục, hàng trăm tỷ vẫn nhức nhối, bỏng rát bài học.

Mới đây, một trong những vụ việc thu hút sự chú ý của dư luận là Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch Vụ TMC Việt Nam sử dụng giấy tờ giả tham gia đấu thầu gói thầu giặt là tại một bệnh viện lớn trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ TMC Việt Nam đã sử dụng tới gần 30 giấy khám sức khỏe giả để cho vào hồ sơ tham dự thầu. Hành vi gian dối của Công ty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ TMC Việt Nam đã bị bệnh viện phát hiện, loại bỏ khỏi danh sách tham dự thầu.

Trong vụ việc này, nếu không bị bệnh viện phát hiện kịp thời thì rất có thể không chỉ làm giảm chất lượng dịch vụ giặt là tại bệnh viện, mà còn đẩy người bệnh vào tình thế nguy hiểm, bởi những sản phẩm và dịch vụ không đảm bảo vệ sinh có thể gây ra nguy cơ lây nhiễm chéo trong bệnh viện khi nhân sự tham gia trong hồ sơ thầu không đảm bảo các yêu cầu đặt ra.

Thông tin về chuyên án khám phá đường dây sản xuất, mua bán giấy khám sức khỏe giả với số lượng lớn vừa bị Công an TP Hà Nội phát hiện, triệt xóa đầu năm 2025, chỉ huy Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đánh giá: Về mặt pháp lý, người có hành vi làm giả, sử dụng giấy tờ, tài liệu giả sẽ bị xử phạt hành chính, thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với mức phạt tù lên đến 2 năm. Trong một số trường hợp cụ thể có thể bị phạt tù lên đến 7 năm. Việc sử dụng giấy tờ giả không chỉ vi phạm pháp luật mà còn gây ảnh hưởng tiêu cực đến uy tín cá nhân, tổ chức và tiềm ẩn nguy cơ cho xã hội, đặc biệt khi các đối tượng sử dụng giấy tờ giả để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Trong bối cảnh đó, số hóa dữ liệu, đặc biệt là việc triển khai Đề án 06 chính là một giải pháp quan trọng trong việc phòng ngừa, phát hiện và xử lý các hành vi gian lận trong đấu thầu. Đề án 06, với mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, sẽ tạo ra một hệ thống điện tử kết nối các thông tin về các nhà thầu, giúp cơ quan chức năng dễ dàng kiểm tra, xác minh hồ sơ của các nhà thầu trong các gói thầu. Số hóa không chỉ giúp giảm thiểu sai sót do quá trình thủ công mà còn giúp tăng cường khả năng giám sát, kiểm tra các hồ sơ, tài liệu dự thầu.

Mới đây, trên hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, nhà thầu cũng lên tiếng phản đối Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình khi yêu cầu các nhà thầu tham gia gói thầu cung cấp dịch vụ may đồ vải tại đơn vị phải có chứng nhận 5S. Với yêu cầu này, nhà thầu cho rằng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình đã gây hạn chế cạnh tranh, làm méo mó mục tiêu lựa chọn nhà thầu có năng lực thực sự và không phản ánh đúng trọng tâm hướng đến chất lượng sản phẩm, thay vào đó gần như tạo dựng một hàng rào hạn chế sự tham gia rộng rãi của các nhà thầu…

Đẩy mạnh số hóa dữ liệu, triển khai hiệu quả Đề án 06 sẽ góp phần nâng cao công tác quản lý, phòng chống sai phạm đấu thầu, trong đó có lĩnh vực y tế. Ảnh minh họa.

Đẩy mạnh số hóa dữ liệu, triển khai hiệu quả Đề án 06 sẽ góp phần nâng cao công tác quản lý, phòng chống sai phạm đấu thầu, trong đó có lĩnh vực y tế. Ảnh minh họa.

Xây “bộ lọc” bằng chuyển đổi số

Theo các chuyên gia, khi hồ sơ đấu thầu được số hóa và lưu trữ trên các hệ thống điện tử, mọi thông tin về nhà thầu sẽ được mã hóa và liên kết với cơ sở dữ liệu quốc gia. Điều này giúp giảm thiểu tình trạng nhà thầu sử dụng giấy tờ giả, hay chủ đầu tư đưa ra những yêu cầu vô lý, không phù hợp quy định của pháp luật, bởi thông tin có thể dễ dàng được kiểm tra và đối chiếu ngay lập tức. Những hệ thống số hóa như vậy sẽ cho phép các cơ quan chức năng thực hiện các bước xác minh nhanh chóng, tránh tình trạng các nhà thầu gian lận qua mặt các cán bộ quản lý cũng như tình trạng “quân xanh, quân đỏ” móc ngoặc liên kết giữa nhà thầu và chủ đầu tư.

Số hóa dữ liệu không chỉ giúp lưu trữ thông tin mà còn có khả năng áp dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để phân tích và nhận diện các dấu hiệu vi phạm. Các công nghệ phân tích dữ liệu có thể được ứng dụng để rà soát, phát hiện những dấu hiệu bất thường trong hồ sơ đấu thầu, từ đó cảnh báo các cơ quan chức năng về các hành vi gian lận có thể xảy ra.

Chẳng hạn, một số hệ thống AI có khả năng so sánh và phát hiện các sự trùng lặp hoặc không khớp giữa các thông tin trong hồ sơ đấu thầu. Khi có sự mâu thuẫn trong các tài liệu như giấy tờ đăng ký kinh doanh, chứng chỉ năng lực, hay tài chính của nhà thầu, hệ thống có thể tự động cảnh báo cho các cơ quan chức năng về khả năng có gian lận. Điều này không chỉ giúp phòng ngừa các hành vi gian lận mà còn làm tăng tính minh bạch trong các quá trình đấu thầu công.

Thông tin với PV, chỉ huy Đội 7, Phòng Cảnh sát kinh tế, Công an TP Hà Nội cho biết: Việc triển khai Đề án 06, định danh dân cư, mã số thuế hạn chế được việc thuê, mượn, mạo danh người khác để đứng tên thành lập doanh nghiệp nhằm mục đích bất hợp pháp để tham gia hoạt động đấu thầu, tạo doanh thu, năng lực ảo; tạo các giao dịch khống để hợp thức về năng lực, hợp đồng tương tự nhằm đủ điều kiện tham gia đấu thầu; chuyển giá, đẩy giá sản phẩm…

Chỉ huy Đội 7 cũng khẳng định: Từ việc số hóa dữ liệu, cơ quan chức năng có thể có cơ sở dữ liệu khai thác, số hóa liên quan đến các doanh nghiệp tham gia đấu thầu (lịch sử kinh doanh, hoạt động; công khai thông tin về các đơn vị, con người từng có vi phạm trong đấu thầu; phản ánh một phần thông tin về con người như giám đốc, đại diện pháp luật (tiền án, tiền sự hoặc các vi phạm khác từng phát sinh trong lĩnh vực), tình hình tài chính thực tế, khả năng, năng lực, để có nhìn nhận đánh giá bao quát tổng thể đối với việc chọn doanh nghiệp, đơn vị thầu phù hợp. Việc này sẽ phòng tránh, hạn chế trường hợp các nhóm doanh nghiệp tham gia thầu dưới hình thức “quân xanh, quân đỏ”, thông thầu khi tham gia, góp phần minh bạch hơn trong công tác quản lý, xây dựng cơ chế giá và các tiêu chí có liên quan trong đấu thầu….

Không thể phủ nhận rằng, số hóa dữ liệu là một bước đột phá quan trọng trong việc tạo dựng một môi trường đấu thầu công khai, minh bạch, và hiệu quả. Đặc biệt trong lĩnh vực y tế, việc sử dụng công nghệ để giám sát các gói thầu sẽ giúp bảo vệ không chỉ ngân sách Nhà nước mà còn bảo vệ quyền lợi của người dân. Bởi trong bối cảnh nguồn lực hạn hẹp và nhu cầu cải thiện chất lượng dịch vụ y tế ngày càng cao, việc sử dụng các phương tiện công nghệ để kiểm tra và kiểm soát các gói thầu sẽ giúp giảm thiểu các sai sót, đảm bảo chất lượng dịch vụ y tế cho người dân.

Số hóa dữ liệu và áp dụng Đề án 06 không chỉ là biện pháp giúp ngăn ngừa các hành vi gian lận mà còn tạo ra một hệ thống thông minh, tự động cập nhật và phản hồi, từ đó góp phần bảo vệ sự công bằng và minh bạch trong đấu thầu công, đặc biệt là trong các lĩnh vực quan trọng như y tế, giáo dục, giao thông vận tải, xây dựng…

Việc nhà thầu sử dụng giấy tờ giả hoặc liên kết với chủ đầu tư tạo dựng những hàng rào cài cắm trong đấu thầu không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng về chất lượng dịch vụ, thất thoát ngân sách mà còn làm giảm niềm tin vào hệ thống công quyền và ảnh hưởng đến người dân. Để phòng ngừa và xử lý hiệu quả các vi phạm này, việc ứng dụng công nghệ và số hóa dữ liệu, đặc biệt là triển khai Đề án 06, đóng vai trò cực kỳ quan trọng. Chuyển đổi số không chỉ giúp tăng cường minh bạch trong đấu thầu mà còn góp phần nâng cao chất lượng công trình, dịch vụ công, đặc biệt là trong các lĩnh vực y tế, nơi có ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của cộng đồng.

Hoàng Phong

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/so-hoa-du-lieu-va-de-an-06--tam-la-chan-ngan-chan-vi-pham-trong-dau-thau-y-te-i766801/
Zalo