Số hóa di tích góp phần gìn giữ giá trị văn hóa Huế
Hệ thống các di tích, hiện vật, tư liệu ở cố đô Huế hiện nay lần lượt được số hóa không chỉ góp phần lưu trữ kho tàng di sản, văn hóa truyền thống của dân tộc mà còn phục vụ công tác trùng tu, tôn tạo, cũng như phát huy giá trị qua kênh quảng bá, thu hút du khách bốn phương.
Trải nghiệm thú vị cho du khách
Hiện nay, hệ thống các di tích, tư liệu, hiện vật Huế lần lượt được số hóa nhằm lưu trữ kho tàng di sản, văn hóa, đồng thời phục vụ công tác trùng tu, tôn tạo các di tích.
Đơn cử như di tích điện Thái Hòa, ngôi điện quan trọng nhất nằm trong Đại nội Huế, là nơi đăng quang của 13 vị vua triều Nguyễn (1802-1945) được hạ giải để trùng tu kéo dài từ năm 2022 đến 2025 nhưng du khách vẫn có thể ngắm di tích này qua tour du lịch thực tế ảo.
Khi du khách qua Ngọ Môn, nhân viên hướng dẫn quét mã QR trên điện thoại thông minh, khách tham quan khám phá điện Thái Hòa với kiến trúc theo lối "trùng thiềm điệp ốc" (mái chồng lên nhau, nhà nối liền nhau), trang trí pháp lam, trên lợp ngói hoàng lưu ly, giữa đặt ngai vàng nằm dưới hệ thống bửu tán bằng gỗ thếp vàng... một cách chân thực bằng công nghệ 3D.
"Với 3 chế độ xem, góc nhìn 3D đa chiều, các bước di chuyển ngắn, liên tục và chi tiết nên du khách chủ động tương tác trực tiếp không gian, màu sắc, hình ảnh sắc nét sống động về điện Thái Hòa. Ngoài ra, thông qua giọng đọc thuyết minh về lịch sử, kiến trúc, giá trị của ngôi điện, mọi người biết đây là công trình di tích tiêu biểu thuộc Quần thể di tích cố đô Huế được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới đầu tiên của Việt Nam vào năm 1993", chị Nguyễn Thị Thương Nhàn (SN 1991, du khách đến từ tỉnh Hà Tĩnh) lần đầu trải nghiệm chia sẻ.
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế cho biết, ngoài việc phục vụ khách tham quan, để giám sát và làm tư liệu gốc đối chứng sau khi hạ giải, tránh sai lệch xuyên suốt quá trình trùng tu điện Thái Hòa, đơn vị đã scan 3D toàn bộ dữ liệu thu thập từ bề mặt công trình; sử dụng thiết bị drone bay quét chi tiết, định dạng kích thước, họa tiết, hoa văn... rồi chuyển đổi dữ liệu thành các mô hình 3D ảnh thực qua phần mềm chuyên nghiệp trên máy tính. Từ đây, người quản lý lưu trữ dữ liệu kiến trúc cổ một cách vĩnh viễn, đối chiếu để điều chỉnh trong quá trình trùng tu, sửa chữa hoặc phục vụ công tác giáo dục, nghiên cứu khoa học về sau.
Số hóa di tích
Theo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế, Đề án chuyển đổi số của Trung tâm giai đoạn 2022 - 2025 đặt ra ba mục tiêu chính gồm: Xây dựng dịch vụ chính quyền số và hệ thống cơ chế, chính sách; Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động nghiệp vụ và tạo ra các giá trị gia tăng.
Lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho hay, để hiện thực hóa các mục tiêu trên, Trung tâm đã đưa vào vận hành hệ thống vé điện tử giúp du khách thuận tiện trong thanh toán không dùng tiền mặt, đồng thời cải tiến quy trình nghiệp vụ, chất lượng phục vụ.
Việc phân tích, tổng hợp dữ liệu từ hệ thống vé điện tử còn là cơ sở quan trọng cho việc dự báo, ra quyết định để tăng hiệu quả công tác quản lý, điều hành; dự báo tình hình khách tham quan tại các điểm di tích và sự hài lòng của du khách khi trải nghiệm các dịch vụ.
"Dịch vụ trải nghiệm thực tế ảo XR cũng là mô hình mới mà đơn vị hợp tác thực hiện, nhằm trải nghiệm vật thể ảo ở các vị trí cụ thể trong quá trình tham quan Đại Nội", ông Hoàng Việt Trung cho biết.
Đến nay, có hơn 1.400 bộ hồ sơ được tạo lập, chỉnh lý tiến đến số hóa, đưa vào hệ thống phần mềm dữ liệu của di sản.
Một số công trình trong quá trị hạ giải để trùng tu được ứng dụng công nghệ BIM để lưu trữ các khối cấu kiện, 3D hóa nhằm lưu trữ tư liệu, đồng thời đánh giá được quá trình thi công, phục hồi, tu bổ công trình.
Việc lưu trữ tư liệu về cổ vật cũng được quan tâm trong quá trình CĐS và tạo lập cơ sở dữ liệu về cổ vật. Đã có 207 cổ vật triều Nguyễn được scan, số hóa 3D để giới thiệu với công chúng.
Thử nghiệm định danh 10 cổ vật gắn chíp đưa lên không gian mạng. Số hóa đưa vào sử dụng các mã QR thông tin một số bia tiến sĩ tại Văn Thánh, hệ thống Cửu Đỉnh, các cổ vật trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế.
Đặc biệt, đến nay, tỉnh có đến 8 di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được UNESCO vinh danh. Do đó, việc quản lý bảo tồn và phát huy giá trị kho tàng di sản văn hóa cần có những công cụ, phương thức khoa học, hiện đại.
Theo các chuyên gia, chuyển đổi số là cầu nối đưa các giá trị văn hóa, di sản Huế đến gần hơn với người dân và du khách, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản, giá trị văn hóa Huế.