Sợ đông đúc, chen lấn, bạn trẻ lên kế hoạch du lịch trước cả tháng trước Tết

Dù kỳ nghỉ Tết kéo dài, nhiều người trẻ vẫn quyết định xin nghỉ phép và lên kế hoạch du lịch trước thời điểm này để tránh tình trạng quá tải và đông đúc.

Đi du lịch sớm để tiết kiệm, tránh đông đúc

Nguyễn Thanh Hà (28 tuổi, giáo viên tại huyện Thanh Trì, Hà Nội) vừa hoàn tất chuyến du lịch đến Sa Pa vào cuối tháng 11. Đây là chuyến đi mà cô nàng đã lên kế hoạch từ lâu và quyết định thực hiện trước kỳ nghỉ lễ để tránh cảnh chen chúc, đông đúc thường thấy.

“Chuyến đi thật sự rất thoải mái. Không có cảnh người người chen lấn chờ đợi hàng dài để vào các điểm tham quan. Đặc biệt, giá vé xe và khách sạn rẻ hơn rất nhiều so với dịp lễ. Lần này, mình vừa tiết kiệm được chi phí, vừa tận hưởng trọn vẹn kỳ nghỉ mà không bị gò bó về mặt thời gian,” Hà chia sẻ.

Thanh Hà trong chuyến đi Sa Pa vào cuối tháng 11. (Ảnh: NVCC)

Thanh Hà trong chuyến đi Sa Pa vào cuối tháng 11. (Ảnh: NVCC)

Thanh Hà từng có trải nghiệm không mấy vui vẻ khi đi du lịch vào dịp Tết Nguyên đán năm ngoái. Cô nàng chọn Phú Quốc làm điểm đến nhưng phải đối mặt với cảnh tắc nghẽn tại sân bay, giá dịch vụ "trên trời" nhưng chất lượng không tương xứng. “Lần đó, mình mất hơn hai giờ chỉ để check-in tại sân bay. Đến nơi thì khách sạn không như quảng cáo, đồ ăn lại đắt đỏ. Kỳ nghỉ khiến mình thấy mệt mỏi hơn là vui vẻ.”

Từ đó, Hà quyết định thay đổi cách tận hưởng kỳ nghỉ. Thay vì chen chân vào dòng người đông đúc trong dịp lễ, cô nàng lựa chọn đi sớm, tránh thời gian cao điểm để có được những trải nghiệm đáng giá hơn.

Không chỉ Thanh Hà, nhiều người trẻ khác cũng đang có xu hướng tránh các dịp lễ lớn để đi du lịch. Lý do không chỉ là tiết kiệm chi phí mà còn đến từ nhu cầu tìm kiếm không gian thoải mái, tránh sự đông đúc và những bất tiện đi kèm.

Nguyễn Trọng Huân (23 tuổi, sinh viên trường Đại học Xây dựng) vừa trở về từ chuyến đi Đà Nẵng vào giữa tháng 12. Anh chàng chia sẻ: “Mình không muốn đối mặt với cảnh chen chúc tại các địa điểm du lịch nổi tiếng vào dịp Tết. Lần này, mình có thể thoải mái dạo chơi, khám phá từng góc nhỏ ở Đà Nẵng mà không cần vội vã hay xếp hàng dài chờ đợi.”

Huân trong chuyến đi du lịch tại Đà Nẵng vào giữa tháng 12. (Ảnh: NVCC)

Huân trong chuyến đi du lịch tại Đà Nẵng vào giữa tháng 12. (Ảnh: NVCC)

Huân nhớ lại, năm trước anh từng đi Sa Pa đúng vào dịp Tết Nguyên đán. Chuyến đi khiến anh chàng 23 tuổi ngán ngẩm vì cảnh tượng đông đúc ở mọi nơi, từ bến xe, nhà nghỉ đến các điểm tham quan.

“Chỉ riêng việc xếp hàng ở nhà ga cáp treo đã mất cả tiếng đồng hồ. Ngày 29, 30 Tết thì đã có nhiều tuyến đường ở trung tâm thị xã tắc nghẽn. Di chuyển bằng taxi từ điểm bán vé bản Cát Cát đến chợ Sa Pa khoảng hơn 2 km mất gần 2 tiếng. Giá cả leo thang, nhiều khu vực xô bồ. Các dịch vụ tận dụng triệt để để thu lợi. Du khách thì đổ xô đến để chụp ảnh, thuê những bộ trang phục mang phong cách Tây Tạng, hoàn toàn không phù hợp với văn hóa của người Mông.”

Vì vậy, năm nay, Huân dành trọn 1 tháng trước Tết để đi du lịch, tránh trường hợp mất tiền mà "rước" bực vào người. Anh chàng cho biết, việc đặt vé và lên kế hoạch du lịch sớm mang lại lợi ích đáng kể về chi phí:

“Giá vé máy bay và khách sạn trong chuyến đi vừa rồi thấp hơn khoảng 40% so với dịp Tết, giúp mình tiết kiệm được một khoản kha khá mà vẫn đảm bảo chất lượng chuyến đi. Ngoài ra, mình cũng có thể lựa chọn những dịch vụ cao cấp hơn vì giá cả hợp lý hơn vào thời điểm này.”

Chị Lê Quỳnh Phương, hiện đang là chuyên viên tại Công ty Cổ phần Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) nhận định:

“Ngày nay, người trẻ không chỉ tìm kiếm những kỳ nghỉ để nghỉ ngơi mà còn xem du lịch như một cách để tận hưởng, khám phá. Những trải nghiệm này cần sự thoải mái và chất lượng, điều mà các kỳ nghỉ lễ đông đúc khó đáp ứng được. Chính vì thế, việc đi sớm hoặc chọn thời điểm ít người đi là cách để nhiều người trẻ tối ưu hóa kỳ nghỉ của mình,” chị Phương nhận định.

Chị cũng cho rằng, yếu tố tài chính đóng vai trò quan trọng. “Các dịch vụ du lịch thường tăng giá vào dịp lễ do nhu cầu cao. Điều này khiến nhiều người cảm thấy không đáng bỏ ra một khoản lớn để nhận về trải nghiệm không tương xứng. Thay vào đó, họ chọn đi vào thời điểm trước kì nghỉ, khi giá cả hợp lý hơn mà chất lượng lại tốt hơn.”

Tuy nhiên, chị lưu ý rằng không phải ai cũng có thể linh hoạt về thời gian như vậy. “Những người làm công việc hành chính hoặc có lịch làm việc cố định sẽ khó xin nghỉ sớm trước dịp lễ. Do đó, xu hướng này chủ yếu chỉ phổ biến ở nhóm người trẻ, độc thân, nghề nghiệp tự do hoặc làm việc trong môi trường linh hoạt.”

Tỷ lệ người đi du lịch trong kỳ nghỉ lễ thường cao hơn do đây là thời điểm thuận tiện nhất với đại đa số người lao động. Nhưng trước hay sau kỳ nghỉ, tỷ lệ này giảm rõ rệt, bởi những người có thể linh hoạt về thời gian sẽ tận dụng cơ hội để hưởng các dịch vụ chất lượng với mức giá thấp hơn và tránh được tình trạng đông đúc. “Điều này cũng lý giải tại sao các tour du lịch trước và sau lễ thường thu hút nhóm khách hàng trẻ hoặc gia đình không bị áp lực thời gian,” chị Phương chia sẻ thêm.

Ở nhà... vẫn vui

Ngoài những bạn trẻ chọn cách đi du lịch sớm, một số khác lại quyết định ở nhà trong kỳ nghỉ lễ để tận hưởng sự yên bình tại chính nơi mình sống. Nguyễn Thanh Tùng (27 tuổi, nhân viên ngân hàng tại Hà Nội) chia sẻ: “Tết năm nay, mình không đi đâu xa. Hà Nội vào dịp lễ vắng vẻ, yên bình đến lạ. Mình có thể thong thả ngồi cà phê, đi dạo quanh hồ Tây, ghé thăm những ngôi chùa. Cảm giác này thật sự thư giãn.”

Tùng cho biết, anh từng đi du lịch vào dịp Tết nhưng cảm thấy không thoải mái. “Mọi nơi đều đông đúc, giá cả lại cao. Trong khi đó, ở lại Hà Nội vào dịp lễ, mình vừa tiết kiệm được chi phí vừa có thể dành thời gian cho gia đình, bạn bè.”

Cùng quan điểm, Lê Thùy Linh (24 tuổi, nhân viên thiết kế) cho rằng, ở nhà vào dịp lễ cũng là một cách để tận hưởng. “Mình đã lên kế hoạch dọn dẹp, trang trí nhà cửa và cùng bố mẹ chuẩn bị bữa cơm Tết. Mình cảm thấy ý nghĩa hơn so với việc chen chúc ở một nơi xa.”

Hiếu Nguyễn

Nguồn SVVN: https://svvn.tienphong.vn/so-dong-duc-chen-lan-ban-tre-len-ke-hoach-du-lich-truoc-ca-thang-truoc-tet-post1708679.tpo
Zalo