Số ca tử vong do COVID-19 trên thế giới giảm thấp nhất trong 11 tháng
Theo dữ liệu của hãng tin AFP, trong tuần từ ngày 27/9 đến 3/10, thế giới ghi nhận trung bình mỗi ngày 7.606 ca tử vong do mắc COVID-19, đây là mức thấp nhất trong vòng 11 tháng qua.
Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 6/10 (theo giờ Việt Nam), toàn thế giới đã ghi nhận tổng cộng 236.532.020 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, trong đó có 4.830.032 ca tử vong. Số ca nhiễm mới trong 24 giờ qua là 374.565 và 6.860 ca tử vong mới.
Số bệnh nhân bình phục đã đạt 213.618.323 người, 18.083.665 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 85.458 ca nguy kịch.
Điều trị cho bệnh nhân nhiễm COVID-19 tại bệnh viện ở Magdeburg, Đức. Ảnh: AFP
Trong 24 giờ qua, Mỹ dẫn đầu thế giới với 80.890 ca nhiễm mới; tiếp theo là Anh với 33.869 ca và Thổ Nhĩ Kỳ 29.802 ca. Mỹ cũng đứng đầu về số ca tử vong mới, với 1.572 trường hợp, tăng hơn gấp đôi so với một ngày trước đó là 738 ca; tiếp theo là Nga có 895 ca tử vong và Brazil 644 ca.
Trong khi đó, theo dữ liệu của hãng tin AFP, trong tuần từ ngày 27/9 đến 3/10, thế giới ghi nhận 53.245 ca tử vong do mắc COVID-19, trung bình mỗi ngày có 7.606 ca. Đây là mức thấp nhất trong vòng 11 tháng qua. Điều này cho thấy tình hình dịch bệnh trên thế giới vẫn đang tiếp tục xu hướng giảm vào từ cuối tháng 8, sau khi số ca tử vong thời điểm trước đó lên tới khoảng 10.000 ca/ngày.
Cũng theo AFP, trong bối cảnh chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 tại nhiều nước đạt tiến triển, số ca tử vong do mắc COVID-19 trong tháng 9/2021 đã giảm 25%.
Sau khi các làn sóng lây nhiễm COVID-19 liên quan tới sự lây lan của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2, trong đó có biến thể Delta, số ca mắc mới gần đây cũng đã giảm hơn 33% so với cuối tháng 8. Hiện cứ 100 người trên thế giới, có gần 81 liều vaccine ngừa COVID-19 được sử dụng. Các nước đang hy vọng tình hình dịch bệnh thế giới sẽ duy trì đà giảm này, cho dù vẫn có sự chênh lệch lớn về tỷ lệ tiêm chủng giữa các khu vực.
Trên thực tế, tại Bắc Mỹ, cứ 100 người có 123 liều vaccine được tiêm, trong khi con số này tại châu Phi chỉ là 11 liều. 50% số nước tại châu Phi đang nỗ lực để có thể tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 chỉ cho khoảng 2% dân số.
Tuy đã có những tín hiệu lạc quan, ngày 5/10, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo rằng cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 vẫn chưa kết thúc, dù có nhiều quan điểm cho rằng cuộc chiến này sắp đi tới hồi kết.
Phát biểu trong buổi thảo luận trực tuyến của WHO, bà Maria Van Kerkhove - Trưởng nhóm kỹ thuật thuộc bộ phận dịch bệnh khẩn cấp của WHO, cho biết cơ quan này đã ghi nhận có 3,1 triệu ca mắc COVID-19 mới trong tuần qua và 54.000 trường hợp thiệt mạng và con số thực tế có thể cao hơn.
Do vậy, bà Van Kerkhove cho rằng tình hình hiện nay vẫn khá khó lường, bởi chúng ta vẫn chưa thể kiểm soát hoàn toàn sự lây lan của virus. Bà Van Kerkhove cũng bày tỏ quan ngại việc tại một số thành phố, các phòng chăm sóc đặc biệt và bệnh viện vẫn chật kín người “nhưng trên phố, người ta ứng xử như thể đại dịch đã hoàn toàn chấm dứt". Theo bà, do cách thức thế giới xử lý khủng hoảng, COVID-19 sẽ không bị loại trừ và vẫn sẽ tồn tại dai dẳng.
Theo số liệu thống kê của AFP, kể từ khi bùng phát vào tháng 12/2019 đến nay, đã có ít nhất 4,8 triệu người trên thế giới tử vong do COVID-19. Bà Van Kerkhove cho rằng số ca tử vong hiện nay chủ yếu ở nhóm đối tượng chưa tiêm chủng vaccine, do đó cần chống những thông tin giả và sai lệch đang lan tràn trên mạng Internet về COVID-19.
Thông tin thêm, bà Van Kerkhove cho biết WHO sẽ tiến hành thảo luận về hiện trạng của đại dịch trong thời gian từ 3-18 tháng tới và bày tỏ tin tưởng thế giới cuối cùng sẽ kiểm soát được dịch bệnh này.