Số ca tay chân miệng TP.HCM tăng đột biến

TP.HCM đang đối mặt với tình hình số ca tay chân miệng tăng đột biến 40%, nâng tổng số ca từ đầu năm 2025 lên hơn 6.700, tăng gần 50% so với cùng kỳ.

Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC), trong tuần 20 của năm (tính đến ngày 19/5/2025), thành phố ghi nhận 916 ca mắc mới tay chân miệng.

Điều trị bệnh nhi tay chân miệng (Ảnh minh họa)

Điều trị bệnh nhi tay chân miệng (Ảnh minh họa)

Con số này tăng đến 40% so với mức trung bình 654 ca của bốn tuần trước đó. Đáng lo ngại, số ca bệnh nhi phải nhập viện điều trị cũng tăng 26% so với trung bình giai đoạn này.

Tính từ đầu năm 2025 đến nay, toàn TP.HCM ghi nhận tổng cộng 6.711 trường hợp mắc tay chân miệng, cao hơn 49% so với cùng kỳ năm 2024 (khi đó ghi nhận 4.510 ca).

Trong số này, có 967 ca phải điều trị nội trú tại các bệnh viện, tăng 15% so với cùng kỳ năm 2024 (842 ca). Hiện tại, chưa ghi nhận trường hợp tử vong do tay chân miệng.

Sự gia tăng ca bệnh được ghi nhận tại hầu hết các quận, huyện và TP.Thủ Đức. Trong đó, 8/22 địa phương có số ca mắc mới tăng ở mức đáng chú ý, bao gồm: Quận 1, Quận 5, Quận 7, Quận 12, huyện Bình Chánh, quận Bình Tân, quận Tân Bình và TP. Thủ Đức.

Theo HCDC, tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus đường ruột gây ra. Bệnh lây lan chủ yếu qua đường tiêu hóa, khi tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ mũi, họng, nước bọt, dịch từ các nốt phỏng hoặc phân của người bệnh.

Cần vệ sinh đồ chơi của trẻ để phòng ngừa bệnh tay chân miệng (Ảnh minh họa)

Cần vệ sinh đồ chơi của trẻ để phòng ngừa bệnh tay chân miệng (Ảnh minh họa)

Virus cũng có thể tồn tại trên tay người bệnh, người chăm sóc, các vật dụng, đồ chơi hoặc bề mặt bị nhiễm virus.

Bệnh thường gặp nhất ở trẻ em dưới 5 tuổi và rất dễ bùng phát thành dịch lớn nếu không được kiểm soát tốt, đặc biệt trong môi trường tập thể như trường học, nhà trẻ.

Hiện nay, bệnh tay chân miệng chưa có vaccine phòng ngừa đặc hiệu. Do đó, biện pháp phòng bệnh chủ yếu và hiệu quả nhất là giữ gìn vệ sinh cá nhân và vệ sinh môi trường.

HCDC khuyến cáo người dân, đặc biệt là phụ huynh và người chăm sóc trẻ nhỏ, cần thực hiện nghiêm túc biện pháp như: Rửa tay thường xuyên, vệ sinh ăn uống, làm sạch bề mặt và đồ chơi, cách ly người bệnh và không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

Khi phát hiện trẻ có các dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh tay chân miệng như sốt (nhẹ hoặc cao), mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, xuất hiện các nốt phỏng nước đặc trưng ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông hoặc có vết loét ở miệng, phụ huynh cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được chẩn đoán và hướng dẫn điều trị kịp thời.

Kim Dung/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/so-ca-tay-chan-mieng-tphcm-tang-dot-bien-post1201622.vov
Zalo