Số ca mắc sốt rét giảm trên 20%
Năm 2024, Bộ Y tế ghi nhận 353 ca sốt rét, giảm 21% so với cùng kỳ năm trước, trong đó 1/3 ca sốt rét là 'nhập cảnh' và không có trường hợp tử vong, không có dịch.
Theo Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Đình Cảnh, Viện trưởng Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương, trong giai đoạn 2014-2024, số trường hợp mắc và tử vong do sốt rét giảm dần qua các năm và đã giảm 97,76% (từ 15.752 ca xuống còn 353 ca/năm), đặc biệt giai đoạn 2014-2016 giảm mỗi năm 2 lần và giai đoạn 2019-2021 giảm mỗi năm trên 3 lần.
Trong năm 2024, số trường hợp mắc sốt rét là 353 trường hợp, giảm 21,21% so với cùng kỳ năm 2023; không có trường hợp tử vong do sốt rét, giảm 2 trường hợp so với cùng kỳ năm 2023; không có dịch sốt rét.
Cả nước hiện có 48 tỉnh, thành phố được công nhận loại trừ sốt rét. Các chỉ tiêu về phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét đạt so với lộ trình đề ra.
Trong vai trò chỉ đạo, giám sát các tuyến triển khai đồng bộ các hoạt động phòng, chống và loại trừ sốt rét trên phạm vi toàn quốc, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương đã có các biện pháp phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời người bệnh nhiễm ký sinh trùng sốt rét. Viện phối hợp địa phương tổ chức can thiệp các điểm nóng về sốt rét như huyện Khánh Vĩnh (tỉnh Khánh Hòa), huyện Mường Tè (tỉnh Lai Châu), Hướng Hóa (tỉnh Quảng Trị), Ninh Thuận, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông...
Theo Tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh, Chiến lược Quốc gia về phòng, chống và loại trừ bệnh sốt rét đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại quyết định 1920/QĐ-TTg, ngày 27/10/2011 và lộ trình loại trừ bệnh sốt rét tại Việt Nam cũng đã được Bộ Y tế phê duyệt tại Quyết định số 08/QĐ-BYT, ngày 5/1/2017 và Nghị quyết 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới đã khẳng định Việt Nam sẽ loại trừ sốt rét vào năm 2030.
Tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh cho biết, để Việt Nam loại trừ bệnh sốt rét vào năm 2030 thì đến năm 2027 toàn quốc phải không còn trường hợp mắc ký sinh trùng sốt rét nội địa. Tại các khu vực có điểm nóng, cần triển khai đồng bộ các giải pháp như đẩy mạnh sàng lọc, xét nghiệm nhóm nguy cơ cao, cũng như phát hiện điều trị kịp thời các trường hợp người bị nhiễm ký sinh trùng. Song song đó tổ chức phun hóa chất diệt muỗi, động viên người dân khu vực này nằm màn để phòng, chống muỗi đốt nhằm cắt đứt đường lây…
Song song với đó, phải thực hiện quyết liệt công tác phòng, chống để sốt rét không quay trở lại 48 tỉnh đã loại trừ bởi bệnh này truyền bằng muỗi trong khi việc diệt muỗi, phòng muỗi đốt không đơn giản.
Hiện Viện vẫn đang tiến hành giám sát trọng điểm về mật độ loài và nguy cơ vector. “Nơi nào có mật độ vector dày thì nguy cơ muỗi truyền sốt rét nhiều, chúng tôi sẽ khuyến cáo cần phun thuốc, bà con phải nằm màn. Đồng thời phải phát hiện sớm người mang ký sinh trùng để điều trị sớm, kịp thời. Đây chính là nguồn lây các ca bệnh, đặc biệt là những trường hợp nhập cảnh", Tiến sĩ Hoàng Đình Cảnh thông tin.
Bệnh sốt rét vẫn là một trong những vấn đề sức khỏe cộng đồng quan trọng, đặc biệt là ở các nước thu nhập thấp và trung bình. Đây là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm do ký sinh trùng Plasmodium gây ra, lây truyền qua muỗi Anopheles. Sốt rét hiện chưa có vaccine dự phòng, việc phòng, chống muỗi truyền bệnh là biện pháp hữu hiệu nhất để ngăn chặn sự lây lan của bệnh. Bệnh sốt rét nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ xuất hiện các biến chứng nặng – thể sốt rét ác tính và khi đó nguy cơ tử vong là rất cao.
Ngành y tế khuyến cáo người dân chủ động thực hiện các biện pháp ngăn ngừa muỗi đốt để phòng tránh sốt rét nói riêng và các bệnh do muỗi truyền. Những trường hợp đi lao động, học tập ở các nước vùng châu Phi hoặc các quốc gia, khu vực đang lưu hành bệnh sốt rét, vùng rừng núi… cần mang theo màn để ngủ, trước khi đi nên đến cơ sở y tế để được cấp thuốc dự phòng. Khi trở về từ vùng có sốt rét lưu hành cần đến cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm tầm soát bệnh sốt nhằm phát hiện điều trị kịp thời.