Số ca mắc Sởi, nghi Sởi xu hướng tăng cao ở Hải Phòng

Tính từ đầu năm tới nay, trên địa bàn thành phố Hải Phòng đã ghi nhận 324 ca sốt phát ban nghi Sởi (221 ca dương tính) tại 14 quận, huyện, thành phố (trừ huyện Bạch Long Vĩ). Theo CDC Hải Phòng, tình hình bệnh Sởi, RSV, Cúm trên địa bàn đang diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng.

Trung tâm Kiểm soát bệnh thành phố (CDC Hải Phòng) vừa cho biết, tính từ 1/1 đến 22/3, trên địa bàn thành phố ghi nhận 324 ca sốt phát ban nghi Sởi (221 ca dương tính) tại 14 quận, huyện, thành phố (trừ huyện Bạch Long Vĩ).

Ghi nhận tại Khoa Khám bệnh yêu cầu Bệnh viện Trẻ em trong những ngày qua cho thấy, lượng bệnh nhi đến khám và điều trị liên quan bệnh truyền nhiễm tăng cao so với thời điểm đầu năm; trong đó, số bệnh nhân mắc Sởi đông hơn.

Trong 2 tuần nay, số bệnh nhân mắc Sởi, nghi Sởi nhập viện BV Trẻ em khám, điều trị tăng cao. Ảnh: BVTE

Trong 2 tuần nay, số bệnh nhân mắc Sởi, nghi Sởi nhập viện BV Trẻ em khám, điều trị tăng cao. Ảnh: BVTE

Theo đánh giá của CDC Hải Phòng, các ca bệnh sốt phát ban nghi Sởi nằm rải rác trên địa bàn, hiện chưa ghi nhận ổ dịch nào. Qua rà soát và đánh giá cho thấy, có tới 73,4% trường hợp mắc Sởi chưa tiêm, không tiêm, không rõ tiền sử tiêm chủng vaccine Sởi.

Theo CDC Hải Phòng, nhóm hơn 5 tuổi ghi nhận có số ca mắc cao nhất (40,7%), nhóm tuổi chưa đến lịch tiêm vaccine (0 đến 9 tháng tuổi) có số ca mắc chiếm 14,8%. Số trường hợp khỏi bệnh chiếm 58,3%, đang điều trị ổn định 26,6%, 1 ca có tình trạng nặng (0,3%) và không có ca bệnh tử vong. Về tiêm chủng vaccine phòng bệnh Sởi, trong ngày 22 và 23/3, địa bàn Kiến Thụy và Lê Chân đã triển khai tiêm 327 mũi tiêm vaccine cho trẻ em từ 6 - 9 tháng tuổi và từ 1 - 10 tuổi.

Về bệnh Sốt xuất huyết, tính từ đầu năm đến ngày 22/3, toàn thành phố ghi nhận 169 ca, không có ca tử vong; số ca mắc bệnh tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2024 (53 ca mắc) và phân bố tại 14/15 địa phương.

Toàn thành phố ghi nhận 39 ổ dịch, trong đó có 3 ổ dịch đang hoạt động. Về các bệnh truyền nhiễm khác như bệnh Tay - chân - miệng có 18 trường hợp mắc, Ho gà 3 trường hợp, Thủy đậu 15 trường hợp.

Liên quan công tác phòng chống bệnh sởi tại địa bàn, vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Phòng đã phối hợp Sở Y tế, Trung tâm kiểm soát bệnh tật CDC tổ chức tập huấn biện pháp phòng chống bệnh sởi tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố. Hội nghị được tổ chức trực tiếp từ điểm cầu trung tâm Sở GD & ĐT kết nối 30 điểm cầu 15 quận, huyện, thành phố với sự tham dự của hơn 500 đại biểu.

Qua đó, nâng cao nhận thức về lợi ích của công tác tiêm vaccine; tạo sự đồng thuận cao trong thực hiện của cán bộ giáo viên, học sinh, gia đình, học sinh để đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng.

CDC Hải Phòng khuyến cáo, thời gian cao điểm dịch bệnh, những đối tượng có hệ miễn dịch kém, sức đề kháng yếu, suy dinh dưỡng là điều kiện để virus tấn công vào cơ thể. Trẻ em chưa được tiêm chủng đúng lịch, chưa tiêm chủng đủ mũi các vắc xin trong những năm gần đây là yếu tố nguy cơ gây bùng phát dịch bệnh đặc biệt là bệnh sởi.

Theo đó, các bậc phụ huynh nên chú ý giữ vệ sinh cho trẻ, tạo cho trẻ thói quen đeo khẩu trang và hạn chế tụ tập tiếp xúc nơi đông người, bổ sung đa dạng nguồn thực phẩm dinh dưỡng giúp trẻ có một thể lực tốt, tăng sức đề kháng. Phòng Tiêm Chủng Vắc xin Bệnh viện Trẻ em có đầy đủ các loại vắc xin, luôn sẵn sàng khám, tư vấn và thực hiện tiêm vắc xin sởi cho cả người lớn và trẻ em.

Bệnh sởi lây truyền rất nhanh qua đường hô hấp. 90% người chưa có miễn dịch sẽ bị mắc bệnh nếu tiếp xúc gần với bệnh nhân sởi. Trung bình 1 người mắc bệnh có thể lây cho 12-18 người khác. Bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm tai giữa, viêm phổi, tiêu chảy, khô loét giác mạc mắt, thậm chí có thể viêm não dễ dẫn đến tử vong, bệnh đặc biệt nghiêm trọng ở trẻ nhỏ, trẻ suy dinh dưỡng. Chỉ có thể cắt đứt sự lây truyền khi miễn dịch cộng đồng đạt ít nhất 95%.

Minh Lý

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/so-ca-mac-soi-nghi-soi-xu-huong-tang-cao-o-hai-phong-169250326100901421.htm
Zalo