SIPRI: Ngoại giao hạt nhân bị ảnh hưởng bởi xung đột ở Ukraine

Thành tựu giải trừ quân bị đang dần bị đảo ngược khi căng thẳng toàn cầu gia tăng và ngoại giao chững lại. SIPRI đã cảnh báo về 'nguy cơ cao' mà tình trạng này đặt ra.

Nga bắn thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào tháng 10/2022. Ảnh: AP

Nga bắn thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa vào tháng 10/2022. Ảnh: AP

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI), số lượng đầu đạn hạt nhân có thể sử dụng được trong các kho dự trữ quân sự trên thế giới đang tăng lên so với năm ngoái.

Đồng thời, thông tin liên lạc và quan hệ giữa các cường quốc hạt nhân chính đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ.

Đánh giá hàng năm về tình trạng vũ khí và giải trừ quân bị của SIPRI, được công bố ngày 12/6, cho thấy ước tính có khoảng 9.576 đầu đạn trong kho dự trữ quân sự có thể sử dụng vào tháng 1/2023.

Con số đó thể hiện sự gia tăng thêm 86 đầu đạn kể từ tháng 1/2022.

Nguy cơ từ vũ khí hạt nhân là "cao"

Báo cáo của SIPRI cho biết: "Việc cắt giảm các đầu đạn hoạt động trên toàn cầu dường như đã bị đình trệ và số lượng của chúng đang tăng trở lại".

Giám đốc SIPRI Dan Smith nêu rõ: “Trong giai đoạn căng thẳng địa chính trị và mất lòng tin cao độ này, với các kênh liên lạc giữa các đối thủ sở hữu vũ khí hạt nhân bị đóng hoặc hầu như không hoạt động, nguy cơ tính toán sai lầm, hiểu lầm hoặc tai nạn là rất cao”.

"Có một nhu cầu cấp thiết là khôi phục ngoại giao hạt nhân và tăng cường kiểm soát quốc tế đối với vũ khí hạt nhân", ông Smith nói thêm.

Đầu đạn của Mỹ và Nga luôn trong tình trạng báo động hoạt động cao

Trong số 9.576 đầu đạn có khả năng sử dụng, khoảng 2.000 đầu đạn trong số đó, gần như tất cả thuộc về Nga hoặc Mỹ, được duy trì trong tình trạng báo động hoạt động cao.

Điều đó có nghĩa là chúng được tích hợp với tên lửa hoặc được triển khai tại các căn cứ không quân có máy bay ném bom hạt nhân.

Theo SIPRI, có 9 quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân trên thế giới là Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Triều Tiên và Israel.

Xung đột Nga - Ukraine đã ảnh hưởng như thế nào?

Nga và Mỹ lại một lần nữa trở thành đối lập trực tiếp với nhau sau cuộc xung đột ở Ukraine nổ ra vào tháng 2 năm ngoái.

Nga vào tháng 2 năm nay đã đình chỉ tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START), hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân duy nhất còn lại giữa Washington và Moskva.

Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo nước này tạm dừng tham gia New START với Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo nước này tạm dừng tham gia New START với Mỹ. Ảnh: AFP/TTXVN

New START, được ký vào năm 2010, cho phép kiểm tra các địa điểm vũ khí và chia sẻ thông tin về việc bố trí các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm.

Theo SIPRI, Mỹ và Nga sở hữu gần 90% tổng số vũ khí hạt nhân.

Mặc dù báo cáo của SIPRI cho biết quy mô của kho vũ khí hạt nhân tương ứng hoặc đầu đạn có thể sử dụng dường như vẫn tương đối ổn định vào năm 2022, nhưng tính minh bạch về lực lượng hạt nhân đã giảm ở cả hai quốc gia.

Mỹ trước đây đã bị cuốn vào một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân với đối thủ trong Chiến tranh Lạnh là Liên Xô từ khi kết thúc Chiến tranh thế giới thứ hai cho đến khi Liên Xô sụp đổ chỉ hơn 30 năm trước.

Cuộc xung đột ở Ukraine đã đẩy quan hệ giữa hai cường quốc xuống mức thấp nhất kể từ năm 1991.

Tình trạng vũ khí hạt nhân của một số nước khác

Cũng theo báo cáo của SIPRI, kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc đã tăng từ 350 đầu đạn vào tháng 1/2022 lên 410 vào tháng 1/2023 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng.

Kho vũ khí hạt nhân của Anh được cho là vẫn giữ nguyên như năm 2022. Nhưng kho dự trữ chiến tranh dự kiến sẽ tăng lên trong tương lai khi Chính phủ Anh tuyên bố vào năm 2021 rằng họ sẽ nâng giới hạn từ 225 lên 260 đầu đạn.

Ấn Độ và Pakistan dường như cũng đang mở rộng kho vũ khí hạt nhân của họ. Theo báo cáo, trong khi Pakistan đang cảnh giác với Ấn Độ, bản thân Ấn Độ dường như cũng đang chú trọng đến các loại vũ khí tầm xa hơn.

SIPRI lưu ý, Triều Tiên tiếp tục ưu tiên chương trình hạt nhân quân sự như một phần trung tâm của chiến lược an ninh quốc gia, trong khi Israel, vốn không công khai thừa nhận lực lượng hạt nhân của mình, dường như cũng đang mở rộng kho vũ khí của họ.

Công Thuận/Báo Tin tức (Theo dw.com)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/ho-so-quan-su/sipri-ngoai-giao-hat-nhan-bi-anh-huong-boi-xung-dot-o-ukraine-20230612145147233.htm
Zalo