Phi công Ukraine dùng chiến thuật từ thời Chiến tranh Lạnh đối phó hỏa lực Nga

Các phi công Ukraine đang áp dụng chiến thuật bay mà phương Tây ít sử dụng kể từ Chiến tranh Lạnh, Business Insider dẫn lời một cựu phi công F-16 của Mỹ cho biết.

Cuộc chiến tại Ukraine đã mang đến cho phương Tây nhiều bài học đa dạng mà họ có thể cần áp dụng nếu xung đột giữa các cường quốc xảy ra. Cựu Đại tá Không quân Mỹ John Venable, hiện là chuyên gia quốc phòng tại Viện Mitchell, nói rằng, một trong những bài học đó là cách thức bay ở độ cao thấp. Và kỹ thuật này cần phải được áp dụng trở lại trong quá trình huấn luyện quân đội hiện đại.

Phi công Ukraine điều khiển tiêm kích F-16. Ảnh: Reuters

Phi công Ukraine điều khiển tiêm kích F-16. Ảnh: Reuters

Ở châu Âu trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, "chúng tôi luôn bay ở độ cao thấp", ông Venable lưu ý. Nhà phân tích này nói thêm, Mỹ đang "luyện tập chống lại các tình huống có nguy cơ cao trong trường hợp bị tấn công bằng tên lửa đất đối không”.

Cựu phi công Venable nghỉ hưu vào năm 2007 sau 25 năm phục vụ trong Không quân Mỹ. Ông đã có hơn 300 giờ chiến đấu ở Kuwait, Iraq và Afghanistan. Venable cho biết việc bay ở độ cao thấp để tránh các mối đe dọa từ mặt đất có thể đặc biệt khó khăn.

"Việc duy trì khả năng bay ở độ cao rất thấp là một kỹ thuật rất phức tạp và không dễ thực hiện. Phải mất một thời gian để làm được điều đó. Và trong quá trình này, bạn có thể mất rất nhiều máy bay hoặc phi công vì những cú va chạm với mặt đất".

Phi công Ukraine phải bay theo cách này để tránh những mối đe dọa ở trên không lẫn dưới mặt đất. Theo ông Venable, các phi công Ukraine "bay rất thấp, rồi bất ngờ bật lên, tăng độ cao" để tấn công mục tiêu trên không hoặc trên mặt đất và sau khi thả đạn dược hoặc bắn tên lửa xong, họ phải hạ độ cao để tranh rủi ro. Kỹ năng này đã không còn là một phần trong hoạt động huấn luyện của phương Tây”.

Theo chuyên gia Venable, không quân Mỹ "chỉ áp dụng chiến thuật bay tầm thấp cho đến khi thực hiện Chiến dịch Bão táp Sa mạc vào năm 1991. Một số máy bay của Mỹ đã bị mất trong những ngày đầu, vì vậy họ đã chuyển sang sử dụng các chiến thuật tầm trung. "Đây là lúc lực lượng này bắt đầu từ bỏ các chiến thuật tầm thấp", ông Venable nhấn mạnh.

Phương Tây không phải điều máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư của họ vào không phận tranh chấp trong nhiều thập kỷ qua. Ngoài ra, các máy bay tàng hình như tiêm kích F-35 Lightning II cho phép họ bay ở độ cao lớn hơn mà không phải lo lắng nhiều về mối đe dọa từ tên lửa đất đối không. Nhưng lợi thế này có thể bị xói mòn.

"Đến một thời điểm nào đó trong tương lai, ngay cả những máy bay tàng hình như F-35 cũng phải sử dụng chiến thuật bay thấp trong các cuộc giao tranh của họ. Đó là điều mà Mỹ cần phải xem xét”, chuyên gia Venable lưu ý.

Phương Tây vẫn chưa loại bỏ hoàn toàn tất cả máy bay cũ của họ. Nếu xung đột xảy ra, những máy bay cũ này có thể sẽ phải sử dụng các chiến thuật tương tự như chiến thuật mà lực lượng không quân Ukraine đang áp dụng với các máy bay chiến đấu thời Liên Xô của họ và tiêm kích F-16 do Mỹ sản xuất.

Venable cho biết: "Cuối cùng, ngay cả các máy bay chiến đấu tàng hình cũng có thể cần phải bay thấp, để tránh mối đe dọa từ tên lửa đất đối không ngày càng tiên tiến hơn”. Phương Tây không nên bỏ qua điều này.

Một báo cáo của Không quân Mỹ cho biết: "Trong một thế giới mà các hệ thống phòng không ngày càng tinh vi, Mỹ cần duy trì lực lượng không quân vững mạnh. Trong chiến đấu, nhiều máy bay sẽ phải hoạt động ở độ cao thấp tới 30m và di chuyển với tốc độ cao để đánh bại radar tên lửa mặt đất đồng thời tránh tên lửa đất đối không tinh vi, pháo phòng không cùng máy bay chiến đấu của đối phương".

Phương Tây đang học hỏi từ Ukraine

Cuộc chiến tại Ukraine xuất hiện nhiều hệ thống phòng không và tên lửa tiên tiến, khiến hoạt động của máy bay bị hạn chế. Các chuyên gia về chiến tranh cho biết phương Tây cần tăng cường kho vũ khí phòng không trong trường hợp bị cuốn vào một cuộc xung đột trực tiếp – điều mà các nhà lãnh đạo Mỹ và châu Âu luôn lo ngại.

Phương Tây đã không phải đối mặt với những cuộc chiến như cuộc chiến tại Ukraine trong suốt thời gian dài. Đây là một cuộc chiến ác liệt, dữ dội và sử dụng nhiều pháo binh. Cả hai bên đều bị tổn thất lớn về nhân lực, vật lực.

Cuộc chiến cho thấy Nga vẫn là đối thủ đáng gờm, cả ở trên không, trên bộ và trên biển, lợi hại hơn so với những đối thủ khác mà hầu hết các nước phương Tây phải đối mặt trong những thập kỷ gần đây.

Một cựu chiến binh Mỹ từng chiến đấu tại Ukraine cho biết, nhiều binh sỹ phương Tây tham gia cuộc chiến đã thất bại vì họ đã quen với việc chiến đấu ở thế có lợi thế và không thích nghi được với tình hình thực tế ở Ukraine.

Phương Tây cần nhìn vào Ukraine để học cách đối mặt với những tình huống nguy hiểm trong một cuộc chiến, trong đó có cả việc chiến đấu trên không và triển khai thiết bị quân sự, ông Venable nhấn mạnh.

“Chúng ta có thể học được rất nhiều từ Ukraine về việc chiến đấu với Nga trên không. Sẽ rất có giá trị nếu tìm hiểu suy nghĩ của những phi công này để biết họ đang phải đối mặt với điều gì và họ sẽ chống lại các mối đe dọa như thế nào", chuyên gia Venable lưu ý.

Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo Business Insider

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/quan-sat/phi-cong-ukraine-dung-chien-thuat-tu-thoi-chien-tranh-lanh-doi-pho-hoa-luc-nga-post1150869.vov
Zalo