SIPAS 2024: Gương soi chất lượng chính quyền
Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) năm 2024 tiếp tục đóng vai trò như một 'tấm gương soi' phản ánh chân thực chất lượng điều hành và phục vụ của chính quyền các cấp.

Cán bộ tại bộ phận một cửa thành phố Huế phục vụ người dân, doanh nghiệp đến giải quyết thủ tục hành chính. (Ảnh: HOÀNG OANH)
Với mức tăng trung bình trên toàn quốc, SIPAS 2024 cho thấy những chuyển động tích cực trong cải cách hành chính, song cũng bộc lộ rõ sự phân hóa giữa các địa phương. Qua phân tích kết quả tại 14 tỉnh, thành phố miền trung-Tây Nguyên, loạt bài này không chỉ nhận diện điểm nghẽn cải cách ở những nơi tụt hạng mà còn khơi mở những bài học thực tiễn và gợi mở giải pháp cho một nền hành chính phục vụ, thực chất và bền vững hơn.
Bài 3: Cải cách để phát triển, không vì chỉ số
Chỉ số SIPAS là thước đo niềm tin của người dân đối với chính quyền. Cải cách hành chính không thể thành công nếu chỉ dừng ở hình thức mà cần những thay đổi thực chất từ thể chế, con người đến cơ chế kiểm tra, giám sát với mục tiêu phục vụ người dân tốt hơn.
Không thể "kéo" sự hài lòng bằng hình thức
Bài học từ các địa phương có chỉ số SIPAS thấp như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Đắk Lắk, Phú Yên cho thấy: đầu tư vào công nghệ, cơ sở vật chất, cải tiến quy trình là cần thiết, nhưng nếu thiếu sự tận tâm của đội ngũ cán bộ và quyết tâm chính trị từ lãnh đạo, thì mọi nỗ lực dễ trở nên hình thức.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng nhìn nhận: "Sự hài lòng của người dân không thể cải thiện chỉ bằng báo cáo đẹp hay vài mô hình điểm. Cần cải cách thật, lắng nghe thật và hành động thật. Chúng tôi đã và đang chỉ đạo rà soát toàn diện các thủ tục còn gây phiền hà, kéo dài thời gian, nhất là ở lĩnh vực đất đai, đầu tư".
Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Trị, ông Ngô Quang Chiến cho biết thêm: Chỉ số SIPAS không chỉ là con số "trưng bày", mà phải là gương soi năng lực phục vụ.
Từ góc nhìn người dân, chị Nguyễn Trần Minh Hồng, ở Phường 5, thành phố Đông Hà, phản ánh: Tôi từng nộp hồ sơ xin giấy phép xây dựng, dù hồ sơ đầy đủ nhưng vẫn phải đi lại ba lần vì cán bộ cứ bắt bổ sung giấy tờ khi cái này, mai cái khác, mà không hướng dẫn ngay lần đầu tiên nộp hồ sơ.
Còn doanh nhân Hồ Xuân Hiếu, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Tổng công ty Thương mại Quảng Trị, cho rằng, nếu bộ máy hành chính còn mang tâm lý ban phát, tính quyền lực cao hơn, mạnh hơn tính phục vụ, thì người dân và doanh nghiệp khó lòng hài lòng.

Đông đảo người dân, đại diện các doanh nghiệp đến giải quyết thủ tục hành chính tại bộ phận một cửa Ủy ban nhân dân thành phố Huế. (Ảnh: HOÀNG OANH)
Bài học từ những địa phương dẫn đầu
Cải cách hành chính tại các tỉnh miền trung-Tây Nguyên đang có những bước tiến quan trọng. Trong đó, thành phố Huế và Đà Nẵng là hai địa phương điển hình trong việc đổi mới thủ tục hành chính, hướng tới sự phục vụ công dân tốt hơn và nâng cao chỉ số hài lòng của người dân đối với các dịch vụ công.
Ông Trần Hữu Thùy Giang, Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố Huế, chia sẻ: Thành phố đã xây dựng một môi trường làm việc thuận lợi cho người dân thông qua việc triển khai các dịch vụ công trực tuyến. Chúng tôi thấy rằng cải cách hành chính không thể tách rời khỏi việc đơn giản hóa thủ tục, vì vậy, địa phương đã xây dựng hệ thống dịch vụ công trực tuyến để người dân dễ dàng hoàn tất thủ tục mà không cần phải đến trực tiếp.
Để đạt được mục tiêu này, Huế đã đầu tư mạnh vào công nghệ thông tin, từ việc triển khai các cổng dịch vụ công trực tuyến, giúp công dân thực hiện các thủ tục hành chính mà không cần tiếp xúc trực tiếp với các cơ quan chức năng. Thành phố cũng đẩy mạnh số hóa các hồ sơ, giấy tờ liên quan đến các thủ tục hành chính, giúp việc lưu trữ tiện lợi, giảm sai sót. Một sáng kiến nổi bật là hệ thống "một cửa điện tử", nơi công dân có thể theo dõi tiến trình giải quyết hồ sơ và nhận kết quả qua các phương thức trực tuyến, giúp tiết kiệm thời gian cho cả người dân và cơ quan hành chính.
Huế cũng chú trọng đến công tác đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ công chức, bảo đảm quá trình xử lý công việc nhanh, chính xác và không gây phiền hà cho người dân. Đặc biệt, Huế đã xây dựng chương trình đào tạo liên tục cho cán bộ công chức, giúp họ nắm bắt các thay đổi trong luật pháp, quy trình thủ tục hành chính mới và kỹ năng phục vụ người dân tốt hơn.
Kết quả từ công tác cải cách hành chính tại Huế đã đạt được những thành công rõ rệt. Thành phố đạt 83,91% chỉ số hài lòng SIPAS trong năm 2024, xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, cho thấy sự tiến bộ trong việc cải thiện chất lượng quản lý hành chính và nâng cao sự hài lòng của người dân.

Người dân hài lòng trước việc cán bộ tại bộ phận một cửa các địa phương tiếp xúc, trả lời các vấn đề mà người dân quan tâm liên quan đến thủ tục hành chính. (Ảnh: PHƯƠNG NAM)
Tương tự Huế, Đà Nẵng cũng thực hiện nhiều bước đi mạnh mẽ trong công tác cải cách hành chính. Thành phố đặc biệt chú trọng vào ứng dụng công nghệ thông tin để cải thiện thủ tục hành chính và phục vụ công dân. Ông Nguyễn Hữu Lợi, Giám đốc Sở Nội vụ thành phố, cho biết: "Chúng tôi đã phát triển hệ thống quản lý hành chính điện tử để giúp công dân và doanh nghiệp thực hiện các thủ tục hành chính dễ dàng và tiện lợi nhất, đồng thời giảm thiểu việc phải tiếp xúc trực tiếp với cán bộ".
Đà Nẵng cũng chú trọng số hóa các thủ tục hành chính và thực hiện quản lý điện tử nhằm bảo đảm tính minh bạch. Đồng thời, đã triển khai hệ thống một cửa điện tử, nơi người dân và doanh nghiệp có thể theo dõi tình trạng hồ sơ và nhận kết quả trực tuyến, giúp giảm thiểu tình trạng trì hoãn và tạo sự công bằng trong xử lý thủ tục. Thành phố cũng thực hiện cải cách quy trình tại các cơ quan hành chính nhằm đơn giản hóa thủ tục, giảm thiểu các bước không cần thiết.
Đà Nẵng chú trọng đẩy mạnh kiểm tra, giám sát quy trình thực hiện thủ tục hành chính. Các cơ quan hành chính đều có bộ phận giám sát và đánh giá kết quả làm việc của cán bộ công chức, bảo đảm mọi quy trình đều được thực hiện đúng quy định, không có sự chậm trễ. Thành phố cũng xây dựng hệ thống phản hồi, nơi công dân dễ dàng gửi ý kiến đóng góp, phản ánh về chất lượng dịch vụ công, qua đó giúp chính quyền kịp thời điều chỉnh, cải tiến quy trình.
Từ những nỗ lực đó, Đà Nẵng đã đạt 83,38% chỉ số hài lòng SIPAS trong năm 2023, xếp thứ 22/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, tiếp tục cải thiện chỉ số này trong năm 2024.
Những nỗ lực của Huế và Đà Nẵng không chỉ nhằm nâng cao chỉ số hài lòng của công dân mà còn tạo ra một nền hành chính minh bạch, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu của thời đại số. Việc ứng dụng công nghệ, tối giản thủ tục và đào tạo đội ngũ công chức là những yếu tố quan trọng giúp hai thành phố đi đầu trong công tác cải cách hành chính tại miền trung.

Các cơ quan công quyền giải quyết thủ tục hành chính của người dân ngày càng được trang bị máy móc, phương tiện hiện đại để phục vụ công vụ. (Ảnh: CÔNG LÝ)
Thay đổi từ đội ngũ công chức và thể chế phục vụ
Tại tỉnh Quảng Ngãi, Giám đốc Sở Nội vụ Tạ Công Dũng cho biết, địa phương đang xây dựng kế hoạch bồi dưỡng đạo đức công vụ, kỹ năng giao tiếp, xử lý tình huống thực tế cho cán bộ một cửa và chuyên viên trực tiếp giải quyết hồ sơ.
Tại tỉnh Đắk Lắk, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Ayun H’Hương cho hay: "Chúng tôi đang phối hợp đưa cán bộ xuống tận cơ sở, hướng dẫn người dân kê khai, nộp hồ sơ trực tuyến, đồng thời dịch một số thủ tục sang tiếng Êđê, Mnông... để tăng tính thân thiện và dễ tiếp cận".
Ở góc nhìn doanh nghiệp, ông N.V.T (người xin được giấu tên), Giám đốc một công ty đầu tư tại Đắk Lắk chia sẻ: "Chúng tôi từng mất hơn 5 tháng để hoàn tất thủ tục thuê đất dù đã có chấp thuận chủ trương đầu tư. Sự chậm trễ khiến doanh nghiệp chùn bước nếu tỉnh không cải tiến".
Tại tỉnh Phú Yên, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Lê Tấn Hổ cho rằng: "Chúng tôi sẽ không chỉ chạy theo chỉ số mà phải cải thiện thực chất môi trường hành chính. Việc phân cấp, ủy quyền, cải tiến quy trình nội bộ được xem xét lại, đồng thời tổ chức đối thoại định kỳ với doanh nghiệp".

Theo lãnh đạo các địa phương, mô hình cải cách hành chính hiệu quả cần dựa trên ba trụ cột: minh bạch, số hóa, giám sát xã hội. (Ảnh: HIỀN CỪ)
Mô hình cải cách hành chính hiệu quả cần dựa trên ba trụ cột: minh bạch, số hóa, giám sát xã hội. Trong đó, minh bạch không chỉ là công khai quy trình, thủ tục mà còn công khai kết quả xử lý, đánh giá chất lượng phục vụ, quy trách nhiệm rõ ràng. Việc ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số để cải tiến quy trình, nâng cao tính minh bạch, giảm thời gian, chi phí và tiếp xúc trực tiếp trong quá trình cung cấp dịch vụ công hiện được các địa phương quan tâm thực hiện.
Đồng quan điểm, ông Tạ Công Dũng, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Quảng Ngãi, cho rằng: Số hóa đóng vai trò quan trọng trong cải cách hành chính, công việc cốt lõi bao gồm cung cấp dịch vụ công trực tuyến; nâng cao chất lượng phục vụ tại hệ thống một cửa điện tử; triển khai cơ sở dữ liệu dùng chung, định danh điện tử, giám sát hành chính bằng công nghệ… là nhiệm vụ rất quan trọng với các địa phương trong thời gian tới.
Ông Hồ Quang Bửu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam, chia sẻ, tỉnh đã lập đường dây nóng 24/7 để tiếp nhận phản ánh của người dân và doanh nghiệp. Các phản ánh được xử lý kịp thời, trực tiếp, công khai quy trình xử lý để người dân biết rõ ai chịu trách nhiệm và thời hạn xử lý. Tỉnh cũng triển khai các kênh khảo sát nhanh qua Zalo, Facebook, tổ chức lấy ý kiến người dân qua họp dân cư và online, tăng cường giám sát, kiểm tra việc thực hiện thủ tục ở các cấp.
Chỉ số SIPAS không đơn thuần là con số mà là tấm gương phản ánh chất lượng chính quyền phục vụ. Để cải thiện bền vững, các địa phương phải vượt qua tâm lý thành tích, sẵn sàng nhìn nhận điểm yếu, cải cách từ bên trong với cam kết mạnh mẽ từ người đứng đầu. Cải cách hành chính chỉ có ý nghĩa và mang lại hiệu quả thật sự khi hướng tới mục tiêu phục vụ dân, do dân, chịu sự giám sát của dân, tổ chức, doanh nghiệp… nhằm góp phần quan trọng vào sự phát triển của xã hội.