Bốn đột phá chiến lược - mở 'đường băng' cho Hòa Bình cất cánh
Bài 2 - Cải cách hành chính - gỡ nút thắt, mở cánh cửa phát triển 8,96% - đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Hòa Bình trong năm 2024, đứng thứ 11 cả nước. Khép lại năm 2024, Hòa Bình vươn lên vị trí 25/63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, tăng 29 bậc so với năm 2020; Chỉ số cải cách hành chính (CCHC - Par Index) tăng 16 bậc so với năm 2020. Những con số
Bài 2 - Cải cách hành chính - gỡ nút thắt, mở cánh cửa phát triển
8,96% - đó là tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh Hòa Bình trong năm 2024, đứng thứ 11 cả nước. Khép lại năm 2024, Hòa Bình vươn lên vị trí 25/63 tỉnh, thành phố trong bảng xếp hạng Chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước, tăng 29 bậc so với năm 2020; Chỉ số cải cách hành chính (CCHC - Par Index) tăng 16 bậc so với năm 2020. Những con số "biết nói” ấy là minh chứng rõ nét cho nỗ lực thực hiện đột phá chiến lược hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh nhằm đẩy mạnh thu hút đầu tư. Bởi để phát triển bền vững, không thể chỉ dựa vào những dự án lớn hay dòng vốn đổ về, mà cần hơn hết là một bộ máy đủ nhẹ để vận hành, đủ linh hoạt để điều chỉnh và đủ tâm huyết để phục vụ.

Việc giải quyết thủ tục hành chính được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Chuyển biến về "chất" trong cải cách hành chính
CCHC luôn được xác định là nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của các cấp, các ngành, nhất là công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC). Do đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch CCHC, Kế hoạch kiểm soát TTHC 5 năm giai đoạn 2021 - 2025 và được cụ thể hóa trong kế hoạch CCHC hàng năm; đồng thời ban hành nhiều văn bản chỉ đạo điều hành nhiệm vụ CCHC của tỉnh. Kịp thời ban hành các quyết định công bố, công khai TTHC thuộc phạm vi quản lý của tỉnh và cập nhật, đăng tải trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Thực hiện tích hợp, cung cấp dịch vụ công (DVC) trực tuyến trên Cổng DVC quốc gia đạt tỷ lệ 88,87%. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, ứng dụng chứng thư số, chữ ký số đã triển khai tới 100% cơ quan hành chính nhà nước ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã.
Việc thực hiện cải cách thể chế, cải cách tài chính công cũng đạt được nhiều kết quả tích cực. Đến nay, 100% TTHC thuộc phạm vi quản lý của tỉnh đều được đồng bộ trên Cổng DVC tỉnh và niêm yết công khai tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả các cấp, Trang thông tin điện tử của các sở, ngành, địa phương. Tỷ lệ TTHC được giải quyết đúng hạn và trong hạn toàn tỉnh hàng năm đạt trên 99%.
Đặc biệt, từ năm 2023, mô hình "Chính quyền thân thiện vì Nhân dân phục vụ" được triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh đã được Nhân dân, doanh nghiệp ghi nhận, đánh giá cao. Mô hình được triển khai tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả tại UBND các huyện, thành phố và 100% xã, phường, thị trấn đã góp phần quan trọng trong cải cách TTHC, xây dựng chính quyền thực sự "do dân, vì dân”. Các cơ quan, đơn vị, địa phương cũng quan tâm thực hiện tốt công tác kiểm tra CCHC, kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chấn chỉnh, khắc phục những hạn chế.
Bên cạnh đó, việc xây dựng và phát triển chính quyền điện tử được chú trọng với nhiều kết quả đáng ghi nhận, tạo sự chuyển biến rõ nét trong CCHC. Đồng chí Đặng Mai Sơn, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh bao gồm Cổng DVC tỉnh Hòa Bình với tên miền "https://dichvucong. hoabinh.gov.vn” hiện cung cấp 1.838 TTHC (trong đó có 1.030 DVC trực tuyến toàn trình và 808 DVC trực tuyến một phần) của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh, đồng thời liên thông dữ liệu với Hệ thống một cửa điện tử của tỉnh. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành triển khai tới 100% cơ quan hành chính nhà nước ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã. Các cơ quan nhà nước xử lý văn bản điện tử hoàn toàn trên môi trường mạng qua Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, đồng thời thực hiện ký số văn bản điện tử, liên thông gửi lên trục liên thông quốc gia. Kết quả ứng dụng chứng thư số, chữ ký số được triển khai đến 100% cơ quan nhà nước của tỉnh, từ cấp tỉnh đến cấp xã. Đến thời điểm hiện tại đã cấp được 23.242 chứng thư số, chữ ký số cho tổ chức và cá nhân. Theo đó, 100% sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn đã sử dụng chữ ký số của tổ chức và cá nhân để trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng.
Tác phong, tinh thần phục vụ và lề lối, thái độ làm việc của cán bộ, công chức, viên chức ngày càng được nâng cao, góp phần ngăn ngừa tình trạng cửa quyền, sách nhiễu, gây phiền hà, khó khăn trong tiếp nhận hồ sơ và giải quyết TTHC cho cá nhân, tổ chức. Theo đánh giá từ Cổng DVC quốc gia về Bộ chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp (DN) trong thực hiện TTHC, cung cấp DVC, tính đến ngày 15/12/2024, tỉnh Hòa Bình đạt 85.43 điểm, xếp hạng 10/63 tỉnh, thành phố. CCHC được triển khai thực hiện một cách thực chất, đồng bộ, hiệu quả đã góp phần quan trọng trong cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút đầu tư.
Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó
Năm 2020 tỉnh Hòa Bình xếp thứ 44/63 tỉnh, thành phố trên bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Điều này cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh còn nhiều hạn chế, nhất là việc tiếp cận đất đai gặp nhiều khó khăn do TTHC còn phức tạp; một số quy hoạch chồng chéo, chưa được xử lý; công tác thỏa thuận, bồi thường giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn. Nhất là công tác phối hợp giữa các cơ quan có lúc, có nơi chưa tốt; tinh thần, thái độ, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ trực tiếp giải quyết các công việc của DN, nhà đầu tư (NĐT) còn nhiều hạn chế… Đây chính là điểm nghẽn, là nút thắt phải được quyết tâm tháo gỡ, là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng của nhiệm kỳ này.
Để chủ động, tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các DN, NĐT trên địa bàn, tỉnh Hòa Bình đã thành lập Ban Chỉ đạo cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và nâng cao Chỉ số PCI tỉnh Hòa Bình; thành lập Ban Chỉ đạo các dự án trọng điểm; thành lập Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ DN, NĐT, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Các cấp, ban, ngành, đoàn thể thường xuyên tổ chức tiếp xúc, đối thoại với các DN, NĐT như: Hội nghị giao ban chuyên đề tỉnh Hòa Bình đồng hành với DN cùng phát triển; Hội nghị tháo gỡ khó khăn cho DN, NĐT gắn với giải pháp nâng cao Chỉ số PCI. Các cấp, ngành triển khai thực hiện cơ chế, chính sách, quy trình, thủ tục hỗ trợ DN vừa và nhỏ, chuyển đổi hộ kinh doanh cá thể sang loại hình DN. Hỗ trợ các DN gặp vướng mắc trong việc vay vốn tại các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh thông qua hội nghị kết nối ngân hàng, DN. Công tác huy động vốn được đẩy mạnh, tập trung các giải pháp mở rộng đầu tư tín dụng đi đôi với tăng cường quản lý chất lượng tín dụng cho vay các chương trình ưu tiên.
Hiện nay, thủ tục đăng ký thành lập DN được cấp trong ngày; thời gian cấp phép xây dựng trung bình là 14 ngày; tiếp cận điện năng, cấp điện trung bình từ 2,99 - 3,57 ngày, rút ngắn từ 1,89 - 4,01 ngày so với quy định của ngành điện; thực hiện nộp thuế, hoàn thuế điện tử; giao dịch hồ sơ điện tử trong lĩnh vực bảo hiểm xã hội...
Công tác thu hút đầu tư và hoạt động của các DN trong giai đoạn 2021 - 2023 gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong năm 2021, 2022 do ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19. Từ năm 2024 bắt đầu có sự khởi sắc, bứt tốc với những con số ấn tượng. Chỉ riêng năm 2024, có 410 DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký khoảng 8.000 tỷ đồng; có 9 dự án đầu tư được chấp thuận chủ trương đầu tư đồng thời chấp thuận nhà đầu tư và 11 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; 6 dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại được chấp thuận nhà đầu tư, 47 lượt dự án đầu tư được chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 10.800 tỷ đồng. Như vậy, trong giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Hòa Bình thu hút được 194 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký gần 117.192 tỷ đồng; có 2.177 DN, 301 hợp tác xã thành lập mới.
Muốn phát triển phải bắt đầu từ cách vận hành bộ máy. Và khi TTHC được cải cách, tinh gọn; thể chế đã có sự điều chỉnh linh hoạt, phù hợp thì thứ cần được chăm chút tiếp theo chính là những con người sẽ vận hành bộ máy ấy. Bởi mọi bộ máy, thể chế chỉ vận hành hiệu quả khi được dẫn dắt bởi những con người có năng lực và trách nhiệm. Đầu tư cho con người, vì thế luôn là dạng đầu tư có độ trễ cao nhưng sinh lời bền vững nhất. Đó là lý do vì sao, sau CCHC, hoàn thiện thể chế, Hòa Bình tập trung đầu tư cho con người như một lựa chọn chiến lược lâu dài, để tạo ra nội lực vững bền cho mọi bước chuyển mình.