Sinh viên 'vật lộn' với nồm ẩm: Mở máy lọc không khí cả ngày, đốt nến thơm, tinh dầu để chống ẩm
Mùa nồm ẩm ở miền Bắc không chỉ gây khó chịu mà còn ảnh hưởng đến sức khỏe và cuộc sống sinh hoạt của sinh viên, đặc biệt là những bạn đang sống trong ký túc xá hoặc thuê trọ. Nhiều người ví mùa nồm như một 'cơn ác mộng' khi sàn nhà lúc nào cũng ướt nhẹp, quần áo lâu khô, đồ đạc dễ bị nấm mốc. Đối mặt với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, mỗi sinh viên lại có cách thích nghi khác nhau để duy trì cuộc sống thoải mái và bảo vệ bản thân khỏi các tác động tiêu cực.
Những phiền toái không hồi kết
Mỗi năm, cứ vào thời điểm cuối tháng 2, tháng 3, Đặng Khánh Linh (21 tuổi) lại phải đối mặt với cơn “ác mộng” mang tên nồm ẩm. Là sinh viên năm ba sống tại một khu trọ nhỏ ở quận Cầu Giấy, Hà Nội, Linh dần quen với việc mỗi sáng thức dậy là thấy sàn nhà ướt nhẹp, chăn gối có cảm giác ẩm lạnh, còn quần áo thì phơi cả tuần vẫn chưa khô. “Mình bị viêm mũi dị ứng, nên thời tiết này đúng là cực hình. Mũi lúc nào cũng nghẹt, hắt hơi liên tục. Đi lại trong phòng cũng bất tiện vì sàn trơn, nhiều hôm vội vã mà suýt ngã”, Linh than thở.

Khánh Linh ngán ngẩm với mùa nồm.
Không chỉ riêng Linh, Minh Anh – sinh viên năm tư Học viện Báo chí và Tuyên truyền, hiện đang thuê trọ ở Cầu Giấy, Hà Nội – cũng có những trải nghiệm không mấy dễ chịu:
"Mọi thứ trong phòng đều ẩm ướt, chăn màn có cảm giác không khô ráo, tường thì bắt đầu xuất hiện nấm mốc. Sàn nhà trở thành 'bẫy ngầm' vì lúc nào cũng trơn trượt, có khi còn ngã vì bước vội mà không để ý. Mùa nồm ảnh hưởng nhiều đến tâm trạng, làm mình cảm thấy uể oải, không có động lực làm việc", Minh Anh chia sẻ.
Muôn vàn cách chống nồm
Đối phó với mùa nồm không hề đơn giản, nhất là đối với sinh viên khi điều kiện tài chính còn hạn chế. Tuy nhiên, Minh Anh cho rằng có nhiều mẹo nhỏ giúp giảm bớt sự ẩm ướt trong phòng mà không cần đầu tư quá nhiều "ngân khố":
"Mình thường dùng nến thơm để khử mùi và giảm bớt độ ẩm trong phòng. Ngoài ra, mình còn dùng tinh dầu tràm hoặc oải hương xông phòng để vừa tạo hương dễ chịu, vừa giúp kháng khuẩn, tránh mùi hôi do nồm", cô nói.
Minh Anh ưu tiên giải pháp tiết kiệm và hiệu quả như đặt bát muối trong phòng để hút ẩm. "Mình có đọc được mẹo này trên mạng và thấy khá hữu ích. Ngoài ra, mình cũng hạn chế lau nhà bằng nước mà thay vào đó dùng giẻ khô để tránh làm tăng thêm độ ẩm", Minh Anh chia sẻ thêm.

Minh Anh chia sẻ bộ bí quyết chống nồm vừa hiệu quả lại tiết kiệm.
Trong khi đó, Khánh Linh cũng đã tìm ra một số giải pháp giúp hạn chế phần nào sự khó chịu của thời tiết này. “Mình luôn bật máy lọc không khí để giúp không gian bớt ẩm hơn. Ngoài ra, mình đóng kín cửa để tránh hơi ẩm từ bên ngoài tràn vào. Chỗ cầu thang hay lối đi chung bị nước đọng thì mình đi dép để tránh trượt ngã”, Linh nói.
Một thói quen đặc biệt của Linh trong mùa nồm chính là tráng bát đũa bằng nước nóng. “Mình sợ vi khuẩn sinh sôi trong thời tiết ẩm thấp, nên luôn tráng bát đũa bằng nước nóng trước khi dùng để đảm bảo vệ sinh”, cô nàng chia sẻ thêm.
Tạ Bích Phương, sinh viên năm cuối Học viện Phụ nữ Việt nam, hiện tại đang sống tại ký túc xá chia sẻ bộ "bí kíp" chống nồm ẩm cực hiệu quả của bản thân:
"Mình có thử một vài cách và thấy khá hiệu quả. Một trong những cách đơn giản là sử dụng nước nóng để lau sàn, giúp sàn khô nhanh hơn hẳn. Đồng thời, mình giữ nhà thông thoáng nhưng hạn chế mở cửa để tránh hơi ẩm từ bên ngoài tràn vào. Ngoài ra, mình chọn lau nhà bằng nước nóng vì sàn sẽ khô nhanh hơn, hạn chế tình trạng ẩm ướt khó chịu. Để quần áo không bị ẩm và có mùi hôi, mình cũng đầu tư một chiếc máy sấy quần áo – vừa tiện lợi, vừa giúp đồ khô nhanh ngay cả trong những ngày thời tiết ẩm kéo dài," Phương chia sẻ.

Phương lau nhà bằng nước nóng để sàn nhà được khô nhanh hơn.
Bên cạnh đó, Phương cũng sử dụng báo cũ để lót dưới nệm, giày dép nhằm hạn chế hơi ẩm thấm vào đồ đạc. "Nhiều người không biết nhưng giấy báo có khả năng hút ẩm rất tốt. Mình lót dưới đệm, trong tủ giày và cả trong vali đựng quần áo để giữ cho đồ không bị ẩm mốc", Phương bật mí.
Chăm sóc sức khỏe trong mùa nồm: Đừng chủ quan!
Không chỉ ảnh hưởng đến đồ đạc và sinh hoạt, thời tiết nồm còn tác động trực tiếp đến sức khỏe, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp và da liễu. Chính vì vậy, Khánh Linh nhấn mạnh rằng việc bảo vệ sức khỏe trong mùa nồm rất quan trọng:
"Mình cố gắng uống nhiều nước, ăn uống đầy đủ để tăng cường đề kháng. Những ngày ẩm thấp thế này rất dễ bị cảm cúm, viêm họng nên cần phải chú ý giữ ấm cơ thể", Linh chia sẻ.
Còn với Bích Phương, cô cho rằng việc duy trì thói quen tập thể dục nhẹ nhàng cũng là một cách để thích nghi với mùa nồm:
"Dù trời có ẩm ướt thế nào thì mình vẫn cố gắng dành 15-20 phút tập thể dục mỗi ngày. Khi cơ thể hoạt động, mình cảm thấy tỉnh táo hơn, không còn bị ảnh hưởng quá nhiều bởi thời tiết khó chịu này", Phương cho biết.
Theo bác sĩ Nguyễn Mạnh Tuấn, Bệnh viện Nội tiết Trung ương, thời tiết nồm ẩm kéo dài có thể gây ra nhiều vấn đề sức khỏe, đặc biệt là các bệnh về đường hô hấp. “Độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn và nấm mốc phát triển, làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh như viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm phế quản và hen suyễn,” bác sĩ cho biết.
Ngoài ra, môi trường ẩm ướt còn khiến các bệnh về da như viêm da tiếp xúc, nấm da và hắc lào dễ xuất hiện hơn, đặc biệt ở những người có cơ địa nhạy cảm. Đối với người cao tuổi và trẻ nhỏ, thời tiết nồm ẩm kéo dài có thể khiến các bệnh lý mãn tính như viêm khớp, đau nhức xương khớp trở nên nghiêm trọng hơn.
“Để bảo vệ sức khỏe trong thời điểm này, mọi người nên giữ không gian sống khô ráo, thoáng mát, hạn chế đóng kín cửa cả ngày, sử dụng máy hút ẩm hoặc điều hòa để kiểm soát độ ẩm trong nhà. Đồng thời, cần vệ sinh tay thường xuyên, giữ ấm cơ thể và tăng cường sức đề kháng bằng chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng,” bác sĩ Tuấn khuyến cáo.