Sinh viên quốc tế: 'Phải lòng' Tết Việt

Với nhiều sinh viên quốc tế, Tết Việt không chỉ mang ý nghĩa đoàn viên mà còn là cơ hội quý giá để khám phá những phong tục, tập quán và hương vị đặc trưng của ngày đầu Năm mới giữa lòng đất nước hình chữ S.

William Vũ Đức Hải (bên trái) cùng bạn tham gia Hội Xuân quốc tế ULIS 2025. (Ảnh: Bảo Anh)

William Vũ Đức Hải (bên trái) cùng bạn tham gia Hội Xuân quốc tế ULIS 2025. (Ảnh: Bảo Anh)

Tết đầu tiên cùng mẹ ruột

Khi mới hai tuổi, từ trại trẻ mồ côi ở Hưng Yên, William Vũ Đức Hải (Bỉ) được một gia đình người Bỉ nhận làm con nuôi. Dù lớn lên ở trời Âu, trong lòng chàng trai gốc Việt vẫn luôn đau đáu về quê hương và nguồn cội.

Năm tám tuổi, Đức Hải lần đầu tiên viết thư và gọi điện cho mẹ ruột ở Việt Nam. Khi ấy, cậu bé phải nhờ một người gốc Việt tại Bỉ làm phiên dịch. Đến năm 11 tuổi, Đức Hải cùng cha mẹ nuôi trở về Việt Nam gặp mẹ ruột ở quê nhà Hưng Yên. Cuộc gặp gỡ đầy xúc động ấy lại có một khoảng cách vô hình khi hai mẹ con trò chuyện qua người phiên dịch.

Trở lại Bỉ, Đức Hải không ngừng giữ liên lạc với mẹ ruột qua thư từ, điện thoại và cố gắng tìm hiểu thêm về văn hóa Việt Nam. Mỗi dòng thư, mỗi câu chuyện được kể từ bên kia bán cầu đều thắp lên trong Đức Hải niềm khao khát mãnh liệt: Một ngày nào đó được trở về, được nói tiếng Việt và sống trong tình yêu thương ruột thịt.

Năm 2023, sau khi tốt nghiệp Đại học KU Leuven, cậu quyết định quay lại Việt Nam, theo học tiếng Việt tại Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội.

Sự xuất hiện bất ngờ của Đức Hải tại Việt Nam khiến mẹ ruột và họ hàng ngỡ ngàng. Trong sáu tháng học tiếng Việt, Đức Hải không chỉ khám phá văn hóa quê hương mà còn có cơ hội về thăm ông bà ngoại. Năm 2024, Đức Hải lần đầu gặp cha ruột. Những khoảng cách từng tồn tại giữa Đức Hải và gia đình giờ đây dường như tan biến khi cậu có thể trò chuyện thoải mái với cha mẹ, các em và họ hàng bằng tiếng Việt.

Đức Hải xúc động với niềm hạnh phúc “có đến bốn người cha mẹ và tám người em”.

Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, Đức Hải quyết định ăn Tết tại Bạc Liêu – nơi mẹ ruột đang sinh sống. Đây là cái Tết đầu tiên của cậu trên quê hương, là dịp để cậu thực sự trải nghiệm và hòa mình vào phong tục cổ truyền.

Cậu hào hứng kể về dự định “sẽ nấu các món ăn cổ truyền, khám phá phong tục Tết để có thể cảm nhận trọn vẹn cái Tết nơi quê hương”.

Với Đức Hải, hành trình trở về không đơn thuần là kết nối lại với gia đình ruột mà còn là một bước ngoặt đầy ý nghĩa, nơi cậu tìm thấy một phần sâu thẳm trong con người mình.

Tình yêu quê hương luôn âm ỉ trong trái tim người con xa xứ giờ đây đã được sưởi ấm bằng những cái ôm, những bữa cơm đoàn viên và những ngày Tết sum vầy. Câu chuyện của cậu là một minh chứng cảm động cho sự kỳ diệu của tình thân và sức mạnh không gì lay chuyển nổi của cội nguồn.

Sinh viên Bộ môn Ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, trải nghiệm Tết Việt. (Ảnh: Bảo Anh)

Sinh viên Bộ môn Ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, trải nghiệm Tết Việt. (Ảnh: Bảo Anh)

Đón Tết theo cách đặc biệt hơn

Chỉ mới đến Việt Nam học tập được hơn hai tháng, nhưng Hsiang Yu - du học sinh đến từ Đài Loan (Trung Quốc) đã nhanh chóng cảm nhận được không khí chuẩn bị Tết rộn ràng và ấm áp tại đây.

Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 này, thay vì trở về quê hương, Yu quyết định ở lại Việt Nam để đón Tết theo cách đặc biệt hơn: Mời bố mẹ từ Đài Loan sang thăm và cùng trải nghiệm Tết cổ truyền tại mảnh đất mà cậu đang sinh sống và học tập.

Yu chia sẻ: “Tết Việt Nam có nhiều điểm tương đồng với Đài Loan, như phong tục sum họp gia đình, bữa cơm đoàn viên hay tục lì xì đầu năm. Tuy nhiên, điều khiến em ấn tượng nhất chính là những nét đặc trưng rất riêng chỉ có ở Việt Nam. Đó là bánh chưng, bánh tét, những phiên chợ hoa rực rỡ hay cách người Việt dành những lời chúc tốt đẹp đầu năm mới cho nhau. Em quyết định ở lại để khám phá thêm những điều thú vị ấy”.

Trong kế hoạch đón bố mẹ sang Việt Nam, Yu chuẩn bị lịch trình khá chi tiết. Ngoài việc tham gia các hoạt động Tết truyền thống tại Hà Nội, Yu dự định đưa bố mẹ đến Đắk Lắk – thủ phủ cà phê của Việt Nam. Tại đây, cả gia đình sẽ cùng thưởng thức những ly cà phê thơm ngon và tìm hiểu văn hóa đặc sắc của vùng đất Tây Nguyên.

“Đắk Lắk không chỉ nổi tiếng với cà phê mà còn có những buôn làng và lễ hội đậm chất truyền thống”, Yu khẳng định “chắc chắn sẽ là trải nghiệm đáng nhớ cho cả bố mẹ và em”.

Không chỉ dừng lại ở việc khám phá, Yu còn mong muốn bố mẹ mình hiểu thêm về sự gần gũi trong văn hóa của hai quốc gia.

Cậu nói: “Việt Nam và Đài Loan đều coi trọng sự đoàn viên, tình thân trong dịp Tết. Em nghĩ, khi bố mẹ em chứng kiến cách người Việt chuẩn bị Tết, họ sẽ cảm nhận được những giá trị gia đình rất giống với quê hương mình”.

Chuyến hành trình của Yu và gia đình không chỉ là dịp để gắn kết thêm tình cảm, mà còn mở ra những cơ hội để tìm hiểu, kết nối văn hóa giữa hai dân tộc.

Cậu tâm sự với nụ cười rạng rỡ: “Em hy vọng rằng, qua lần đón Tết này, bố mẹ sẽ hiểu hơn về lý do em yêu quý Việt Nam đến vậy”.

Sinh viên Thụy Điển Lewen Astor Lillebror Walter tìm hiểu về thư pháp Việt tại Hội Xuân quốc tế ULIS 2025. (Ảnh: Bảo Anh)

Sinh viên Thụy Điển Lewen Astor Lillebror Walter tìm hiểu về thư pháp Việt tại Hội Xuân quốc tế ULIS 2025. (Ảnh: Bảo Anh)

Cảm giác chào đón về nhà

Sinh viên Thụy Điển Lewen Astor Lillebror Walter gắn bó với Tết cổ truyền Việt Nam qua những dịp ăn Tết cùng gia đình bạn bè Việt Nam. Mỗi năm, cậu lại thêm yêu mến nét văn hóa đậm đà bản sắc và không khí rộn ràng của ngày Tết tại đây.

Astor chia sẻ: “Tết Việt thật tưng bừng và nhộn nhịp. Hai bên đường, người dân bày bán cây đào, cây quất rực rỡ sắc xuân. Điều khiến tôi ấn tượng nhất là không khí đầm ấm của bữa cơm đoàn viên và sự hiếu khách của người Việt”.

Những năm trước, Astor đã có cơ hội tham gia chuẩn bị Tết cùng gia đình một người bạn. Từ việc dọn dẹp nhà cửa, đi chợ Tết, đến thưởng thức nem rán, chả giò, bánh chưng, mỗi hoạt động đều để lại trong cậu những ký ức đẹp đẽ.

Astor “cảm thấy rất ấm áp, như được sống trong chính gia đình của mình. Những ngày Tết, ở bất kỳ nhà nào mình ghé thăm cũng thấy cây đào, cây quất được trang trí đẹp mắt, thể hiện sự trân trọng năm mới”.

Astor đặc biệt yêu thích phong tục trao lì xì ngày Tết, “một cách rất ý nghĩa để chúc nhau may mắn đầu năm. Các món ăn thực sự ngon và phong phú, khiến tôi luôn mong chờ dịp Tết để thưởng thức”.

Năm nay, Astor sẽ ăn Tết tại TP. Hồ Chí Minh cùng gia đình người bạn. Cậu háo hức lên kế hoạch tận hưởng những ngày đầu năm mới trọn vẹn nhất. Astor mong muốn khám phá nét văn hóa Tết của người miền Nam, từ các phong tục truyền thống đến các món ăn đặc trưng. Sau kỳ nghỉ Tết, cậu còn dành thời gian đi thăm những địa danh nổi tiếng như Cần Thơ, Cà Mau và Phú Quốc.

Với Astor, “Tết Việt luôn là dịp đặc biệt... Đó không chỉ là cơ hội để hiểu thêm về văn hóa mà còn để cảm nhận sự gắn kết và yêu thương giữa con người. Dù đến từ một đất nước xa xôi, nhưng ở đây, tôi luôn cảm thấy như được chào đón về nhà”.

TS. Trần Hữu Trí, Trưởng Bộ môn Ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam, Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội: “Nhiều sinh viên nước ngoài theo học ở trường cho rằng, họ đã “phải lòng” Tết Việt. Họ yêu cảnh sắc thiên nhiên, phong tục độc đáo của người Việt, những truyền thống đón năm mới tốt đẹp được giữ gìn; yêu hình ảnh người Việt lao động vất vả cả năm dành dụm sắm Tết; yêu cách mọi người tất bật chuẩn bị cho những nghi lễ quan trọng của ngày Tết, thích gói bánh chưng, chơi các trò chơi dân gian... Cảm nhận được chiều sâu văn hóa của Tết Việt, họ đã trở thành cầu nối văn hóa Việt Nam ra thế giới, lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống của Tết Việt đến bạn bè quốc tế”.

Bảo Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/sinh-vien-quoc-te-phai-long-tet-viet-301872.html
Zalo