Sinh viên được trang bị kiến thức về pháp luật lao động, bảo hiểm xã hội
Chiều 20/5, Sở LĐTB&XH Hà Nội phối hợp với Thành đoàn Hà Nội, BHXH Hà Nội tổ chức Hội nghị Tuyên truyền phổ biến, trang bị kiến thức pháp luật lao động, BHXH cho sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Trưởng ban Tuyên giáo Thành đoàn Hà Nội Phạm Minh Phúc thông tin: Thanh niên là một trong những bộ phận chính của lực lượng lao động với khoảng 10,8 triệu người, chiếm tỷ lệ 21,4% lực lượng lao động trong cả nước, mang lại một nguồn cung ứng lao động dồi dào, trẻ và có tiềm năng.
Hiện nay các bạn đoàn viên, thanh niên, sinh viên rất chủ động, nhạy bén và sẵn sàng tiếp cận với việc làm. Thậm chí, ngay cả khi các bạn đang học tập tại trường đại học, cao đẳng hay trung cấp đã tham gia vào thị trường lao động vừa tăng thu nhập và tiếp thu các kiến thức thực tế.
Trong quá trình tham gia lao động, bên cạnh những thuận lợi, các bạn đoàn viên, thanh niên, sinh viên sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp có liên quan phát sinh giữa người sử dụng lao động với mỗi người lao động về chế độ làm việc, đãi ngộ, đóng BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp... Điều đó đã vô hình chung dẫn tới quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động có thể chưa được đảm bảo. Vì thế, việc trang bị các kiến thức về pháp luật lao động, BHXH cho các lao động trẻ đã, đang và sẽ tham gia vào thị trường lao động là hết sức cần thiết.
Tại Hội nghị Phó Trưởng phòng Lao động – Tiền lương – BHXH, Sở LĐTB&XH Hà Nội Nguyễn Thị Oanh phổ biến tới hơn 400 sinh viên chuyên đề về pháp luật lao động. Bao gồm các nội dung chính như quyền và nghĩa vụ của người lao động; quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động; các hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực lao động; việc làm và tuyển dụng; quy định về thử việc; hợp đồng lao động; chấm dứt hợp đồng lao động, nghĩa vụ và trách nhiệm của các bên.
Bà Nguyễn Thị Oanh lưu ý sinh viên sắp tốt nghiệp các quy định về thử việc, thời gian thử việc không quá 60 ngày đối với những công việc có chức danh nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên. Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó. Hợp đồng lao động phải được giao kết theo một trong các loại: hợp đồng lao động không xác định thời hạn; hợp đồng lao động xác định thời hạn...
Cũng tại Hội nghị, Phó Trưởng phòng Truyền thông, BHXH Hà Nội Lê Thị Ngọc Nghĩa đã phổ biến tới những sinh viên chuẩn bị gia nhập thị trường lao động về chính sách BHXH (BHXH bắt buộc, BHXH tự nguyện), BHYT; cách tra cứu, quản lý tham gia của cá nhân trên ứng dụng VssID – BHXH số.
Chia sẻ về việc tiếp nhận những kiến thức về pháp luật lao động, em Huỳnh Trọng Nguyên - Chủ tịch Hội Sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia, đang là sinh viên năm thứ ba ngành Luật cho hay: Chúng em tiếp nhận được nhiều thông tin cơ bản về pháp luật lao động. Em sắp ra trường nên rất quan tâm đến hai nội dung là giao kết hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động. Hội nghị này cung cấp những kiến thức rất bổ ích, giúp cho chúng em có thể biết để thực hiện đúng quyền và nghĩa vụ của bản thân cũng như trách nhiệm của người sử dụng lao động.
Trưởng ban Tuyên giáo Thành đoàn Hà Nội Phạm Minh Phúc cho rằng, những kiến thức mà các báo cáo viên chia sẻ giúp các bạn sinh viên nắm được quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm trong quan hệ lao động. Từ đó làm cơ sở để sinh viên khi tốt nghiệp ra trường có thể tham gia thị trường lao động một cách tự tin, đúng quy định của pháp luật về lao động. Và, mỗi sinh viên tham dự Hội nghị sẽ là một tuyên truyền viên tích cực tới bạn bè, người thân về việc thực hiện các quy định liên quan tới pháp luật lao động và BHXH.