Sinh viên Đại học Đà Nẵng sáng chế các thiết bị và ứng dụng giúp khai thác tài nguyên bền vững
Tại các giải thưởng, cuộc thi nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo khu vực, quốc gia và quốc tế thời gian gần đây, sinh viên Đại học (ĐH) Đà Nẵng đã có nhiều đề tài đạt giải cao, bao gồm các sáng chế sản phẩm, thiết bị ứng dụng công nghệ 4.0 nhằm khai thác các tài nguyên thiết yếu như đất, nước hoặc điện năng… vì mục tiêu phát triển bền vững.
Quản lý hiệu quả điện năng
Trong khuôn khổ sự kiện Hội nghị Thành phố thông minh Việt Nam - Châu Á tại Hà Nội (ngày 3/12/2024), Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ Công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) đã vinh danh, trao Giải Nhất- Giải thưởng Sáng tạo tương lai VietFuture Awards năm 2024 cho nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng với đề tài “Thiết bị IoT tích hợp LoRaWAN quản lý chất lượng điện năng theo thời gian thực cho nhà máy” (lĩnh vực “Công nghệ xanh và Tiết kiệm năng lượng”). Nhóm sinh viên đạt giải gồm các em Phùng Hữu Gia Hưng, Phan Lê Văn Luyn, Nguyễn Trần Văn Vũ, Trương Ngọc Bình, Nguyễn Trung Tuấn đều là những sinh viên ham học hỏi và đam mê nghiên cứu khoa học ứng dụng.
Đại diện nhóm sinh viên đã ấp ủ đề tài nói trên xuất phát từ thực tế nhu cầu để thu thập dữ liệu từ xa trạm tụ bù hạ thế, phục vụ quản lý, vận hành các trạm điện năng, kịp thời phát hiện các vấn đề kỹ thuật và áp dụng từ quá trình thực tập tại Điện lực Chư Pưh (tỉnh Gia Lai). Nhóm đã nghiên cứu, tích hợp ứng dụng công nghệ 4.0 tích hợp IoT với mạng không dây LoRaWAN phù hợp với điều kiện những nơi không có sóng 3G/4G để giúp việc quản lý, điều tiết điện năng thuận tiện, hiệu quả hơn rất nhiều.
Đánh giá chất lượng tài nguyên đất
Cũng nhằm mục đích nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên đất, ứng dụng công nghệ 4.0 vào nông nghiệp để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cây trồng, nhóm sinh viên Trường ĐH Bách khoa – ĐH Đà Nẵng gồm Nguyễn Đại, Trần Lê Xuân Huy (Khoa Điện tử - Viễn thông) đã nghiên cứu, sáng chế, đưa vào ứng dụng “Thiết bị đo chất lượng đất 7 in 1 không dây loRaWan”.
Đây là đề tài đạt Giải Nhất Cuộc thi Smart Campus khu vực Châu Á – Thái Bình Dương năm 2024. Theo sinh viên Trần Lê Xuân Huy, sản phẩm của đề tài có thể ứng dụng dùng để xác định mật độ chất lượng chất dinh dưỡng trong đất, nhất là tình trạng, nguy cơ nhiễm phèn, nhiễm mặn… Ý nghĩa ứng dụng của đề tài còn giúp người nông dân kiểm chứng, đánh giá hiệu quả mức độ cải thiện chất lượng đất sau mỗi bón phân, phát hiện vấn đề phân bón không đảm bảo chất lượng để có hướng xử lý đảm bảo năng suất, chất lượng cây trồng.
Thiết bị do nhóm sáng chế ứng dụng công nghệ 4.0 dùng mạng không dây LoRaWAN kết hợp với các cảm biến, mạch sạc pin và tấm năng lượng mặt trời, anten để thu thập dữ liệu từ các cảm biến, hiển thị thông số và đồ thị giúp người sử dụng nhận biết được tình trạng của đất để từ đó cung cấp, điều chỉnh nước tưới và phân bón phù hợp. Thiết bị đã được ứng dụng thí điểm tại làng rau Túy Loan (xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng) và bước đầu cho kết quả tích cực, giúp giảm chi phí sản xuất, cải thiện chất lượng nông sản, được bà con nông dân ghi nhận, đánh giá cao.
Phát hiện rò rỉ trong hệ thống đường ống nước
Nhóm SV Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật - ĐH Đà Nẵng gồm Dương Thị Thanh Hà, Đoàn Anh Văn, Nguyễn Quang Vinh, Nguyễn Tấn Quý, Phạm Thanh Vỹ cũng được trao Giải Nhất Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học của ĐH Đà Nẵng năm học 2023-2024 (Lĩnh vực Khoa học Kỹ thuật và Công nghệ, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Y-Dược) và đạt giải Ba Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học thành phố Đà Nẵng năm 2024 với đề tài “Nghiên cứu thuật toán chẩn đoán đa vị trí rò rỉ trong đường ống nước và điều chỉnh áp suất đầu ra thông qua mạng 4G” .
Sinh viên Thanh Hà chia sẻ, thực tế để phát hiện rò rỉ nước trong hệ thống đường ống thường quan sát bằng mắt thường trong khi các vấn đề rò rỉ ở các đường ống chôn lấp nếu dùng thiết bị siêu âm tuy có độ chính xác cao nhưng giới hạn phạm vi chẩn đoán và tốn thời gian. Để khắc phục, nhóm nghiên cứu thiết kế một hệ thống chẩn đoán rò rỉ nước ứng dụng công nghệ 4G gồm các cảm biến về lưu lượng, áp suất (gắn ở hai đầu nhánh đường ống cần giám sát và trung tâm điều khiển xa đường ống). Phần cứng này có chức năng thu thập các dữ liệu từ các cảm biến, truyền về trung tâm xử lý qua mạng không dây 4G.
Thuật toán xử lý bằng phần mềm có giao diện hiển thị các thông số của hệ thống đường ống như: Lưu lượng, áp suất nước, vị trí điểm rò rỉ, nếu có. Trung tâm giám sát có máy tính nhúng ứng dụng thuật toán để chẩn đoán vị trí điểm rò rỉ, từ đó cảnh báo cho người vận hành.
Giảng viên hướng dẫn đề tài, TS. Phạm Thanh Phong (Khoa Điện - Điện tử, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật – ĐH Đà Nẵng) cho biết, hệ thống chẩn đoán nói trên có tính ứng dụng cao, phù hợp với các ống nước tổng, cấp nước cho một khu vực rộng như một phường, quận hay nhà máy. Phần mềm của sinh viên có thể phát triển, hoàn thiện, ứng dụng tốt khi được kiểm định bởi các cơ quan quản lý, tiếp tục thực nghiệm để hoàn thiện mô hình chế tạo và ứng dụng thực tế.
Các đề tài, sản phẩm điển hình của sinh viên ĐH Đà Nẵng không những cho thấy tiềm năng sáng tạo lớn của tuổi trẻ, thể hiện chất lượng đào tạo và uy tín, học hiệu hàng đầu của nhà trường trong hệ thống giáo dục ĐH nước nhà mà còn qua đó tiếp tục trui rèn, tích lũy kinh nghiệm để phát triển tư duy, năng lực nghiên cứu cho sinh viên, đóng góp các giá trị thiết thực vì cộng đồng.