Sinh viên có thể được miễn học phí nếu học ngành này

Đây là ngành học đang được Bộ GD&ĐT đề nghị các trường đại học phải có chính sách ưu tiên, trong đó có miễn giảm học phí cho sinh viên.

Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng của ngành sản xuất chip và linh kiện bán dẫn. Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, cả nước cần 10.000 kỹ sư mỗi năm, nhưng nguồn nhân lực hiện đáp ứng chưa tới 20%.

Tại Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển ngành Công nghiệp bán dẫn vừa được tổ chức mới đây, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cho biết đang nghiên cứu, đề xuất sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách miễn, giảm học phí đối với học sinh, sinh viên theo học các chuyên ngành đào tạo liên quan đến ngành Công nghiệp bán dẫn.

Thời gian qua, Bộ GD&ĐT, các trường đại học đã chủ động vào cuộc, tích cực triển khai chương trình phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn. Từ giữa năm 2024, các trường đại học đã tuyển sinh, bắt đầu đào tạo khoảng 18.000 sinh viên cho ngành này và kế hoạch năm sau có thể tuyển sinh, đào tạo nhiều hơn. Các trường đại học, cả khối trường công và tư đều đang rất tích cực tham gia, nhiều trường chủ động đầu tư phòng thí nghiệm, trang thiết bị, thu hút chuyên gia và giảng viên.

Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng đang khẩn trương xây dựng chương trình đào tạo chuẩn về vi mạch bán dẫn để hoàn thành trong quý 1 năm 2025.

Sinh viên ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Sinh viên ngành Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, Đại học Bách khoa Hà Nội.

Trong văn bản của Bộ GD&ĐT gửi các trường ngày 9/12 về "Phát triển nguồn nhân lực ngành Công nghiệp bán dẫn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050", Bộ GD&ĐT cũng nêu, các trường đại học phải có chính sách ưu tiên, gồm học bổng, miễn giảm học phí, ký túc xá... cho sinh viên ngành bán dẫn.

Hiện tại có 18 trường đại học được ưu tiên đầu tư ngân sách để hình thành, nâng cấp phòng thí nghiệm bán dẫn. Khoảng 1.300 giảng viên sẽ được đào tạo chuyên sâu về ngành công nghiệp bán dẫn. Học phí các ngành, chương trình thuộc lĩnh vực vi mạch, bán dẫn ở các trường từ 16-78 triệu đồng/năm.

Ngành Công nghiệp bán dẫn là gì?

Ngành Công nghiệp bán dẫn là một lĩnh vực trong công nghiệp chuyên sản xuất và phát triển các thành phần điện tử dựa trên tinh thể bán dẫn. Ngành đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển của khoa học kỹ thuật và kinh tế toàn cầu; là nền tảng cho các thiết bị điện tử, vi mạch, và các linh kiện điện tử khác, được sử dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực của đời sống, từ điện thoại thông minh, máy tính, đến ô tô và thiết bị y tế.

Ngành Công nghiệp bán dẫn bao gồm các lĩnh vực chính sau: Thiết kế vi mạch: Lập kế hoạch và tạo ra các vi mạch với kích thước và chức năng cụ thể; Sản xuất bán dẫn: Chế tạo các vi mạch trên tấm bán dẫn bằng các quy trình tiên tiến như in thạch bản và khắc ion; Kiểm thử bảo đảm: Đảm bảo chất lượng và hiệu suất của các sản phẩm bán dẫn trước khi xuất xưởng; Đóng gói bán dẫn: Bảo vệ các vi mạch khỏi tác động môi trường và hỗ trợ kết nối với các thiết bị khác.

Sinh viên tốt nghiệp ngành Công nghiệp bán dẫn có thể đảm nhiệm các vị trí công việc như Kỹ sư thiết kế Mạch; Chuyên gia tiêu chí kiểm thử; Chuyên gia bảo mật mạch; Quản lý dự án thiết kế mạch; Kỹ sư giải pháp thiết kế; Kỹ sư tương tác hệ thống; Kỹ sư thử nghiệm mạch; Kỹ sư vận hành hệ thống điều khiển tự động; Chủ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thiết bị, cung cấp giải pháp kỹ thuật thuộc lĩnh vực điện tử, máy tính và tự động hóa; Giảng viên, nghiên cứu viên làm việc tại các viện nghiên cứu, trường đại học đào tạo về kỹ thuật điện tử, máy tính.

Đỗ Vi

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/sinh-vien-co-the-duoc-mien-hoc-phi-neu-hoc-nganh-nay-169241219170557069.htm
Zalo