Sinh vật kim loại đầu tiên trên Trái Đất: Loài ốc biển sống sâu 2.000 mét, vỏ cứng như sắt, cắn vào chỉ có rụng răng!

Sống ở đáy biển sâu, ốc sên thủy nhiệt là loài duy nhất có lớp vỏ kim loại siêu cứng. Chúng có thể chịu áp lực khủng khiếp và khiến kẻ thù phải chùn bước.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Từ trước đến nay, con người luôn tin rằng sự sống trên Trái Đất chủ yếu dựa trên nền tảng cacbon. Nhưng rồi, mọi thứ đã thay đổi khi các nhà khoa học khám phá ra một "vũ trụ song song" giữa lòng đại dương – nơi tồn tại một hệ sinh thái kỳ quái với sự sống… làm bằng kim loại. Nghe tưởng như phim khoa học viễn tưởng, nhưng đây lại là sự thật: dưới đáy biển sâu, ở những miệng phun thủy nhiệt nóng bỏng, có một loài động vật giáp xác sở hữu lớp vỏ không khác gì áo giáp thép – thứ kim loại đủ cứng để làm rụng răng bất kỳ sinh vật nào dám liều lĩnh cắn thử!

Tên của sinh vật "cứng đầu" này là ốc sên chân vảy, hay còn được gọi là ốc sên thủy nhiệt. Ngay từ lần đầu phát hiện ở Ấn Độ Dương cách đây khoảng 9 năm, loài ốc này đã gây sốc cho giới khoa học bởi lớp vỏ “ngoài hành tinh” của mình. Cứ tưởng là một loài ốc mong manh, yếu ớt sống ở nơi hiểm trở, nhưng không – nó lại được bao bọc bởi một lớp vỏ kim loại cực kỳ đặc biệt: phần lớn làm từ sắt sunfua – một dạng khoáng chất thường chỉ thấy trong đá và quặng. Đặc biệt, dù bị va đập, lớp kim loại này có thể vỡ nhưng không hề vô dụng – chính sự vỡ đó giúp phân tán năng lượng và bảo vệ sinh vật bên trong.

Hiện nay, Trái Đất có khoảng hơn 20.000 loài động vật giáp xác, phần lớn đều không có thiên địch vì có thể rụt mình vào trong vỏ cứng. Nhưng ốc sên thủy nhiệt lại nâng cấp hoàn toàn khái niệm "vỏ cứng", đến mức một số nhà khoa học còn cho rằng viên đạn cũng không xuyên thủng được. Chúng sống ở độ sâu hơn 2.000 mét dưới mặt nước, nơi nhiệt độ, áp suất và điều kiện sống khắc nghiệt đến mức không một sinh vật thông thường nào tồn tại được.

Cấu trúc vỏ của chúng cũng "ngầu" không kém: gồm ba lớp bảo vệ chắc chắn. Lớp ngoài cùng dày khoảng 30 micromet, làm từ sulfua sắt, có màu ánh kim như kim loại, là tuyến phòng thủ đầu tiên. Lớp giữa là sừng hữu cơ dày tới 150 micromet – đóng vai trò như một lớp đệm hấp thụ lực, giúp giảm tổn thương bên trong. Cuối cùng, lớp trong cùng là aragonite – một dạng canxi carbonat phổ biến trong san hô và các loài thân mềm, hỗ trợ cấu trúc cứng cáp bên trong.

Không chỉ vậy, vảy của loài ốc này còn có thể phát nọc độc, và chúng… ăn thịt lẫn nhau như một phần sinh tồn thường thấy. Việc một loài vật tiến hóa để vừa chống lại kẻ thù, vừa tự phòng ngừa đồng loại đã khiến các nhà khoa học vô cùng kinh ngạc. Giới nghiên cứu vẫn chưa thể giải mã hết bí mật xoay quanh siêu sinh vật này, nhưng nhiều người tin rằng nếu con người học được cách bắt chước cấu trúc vỏ ốc này, chúng ta có thể tạo ra các vật liệu siêu bền mới – có thể là áo giáp chống đạn thế hệ mới, thiết bị dưới nước siêu chịu nhiệt, hay thậm chí là công nghệ hàng không vũ trụ tương lai.

Một phát hiện nhỏ, nhưng tiềm năng lại to như vũ trụ. Câu chuyện về ốc sên kim loại này khiến người ta phải nhìn lại: liệu Trái Đất còn bao nhiêu sinh vật "ẩn thân" ở những nơi con người chưa từng chạm tới?

Bảo Ngọc (t/h)

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/sinh-vat-kim-loai-dau-tien-tren-trai-dat-loai-oc-bien-song-sau-2-000-met-vo-cung-nhu-sat-can-vao-chi-co-rung-rang/20250430110055868
Zalo