Sinh thiết lỏng - 'bửu bối' mới trong điều trị ung thư

Sinh thiết lỏng là phương pháp ít xâm lấn, giúp phát hiện và phân tích các dấu ấn sinh học trong cơ thể để điều trị bệnh ung thư

Thông tin này được công bố tại hội thảo khoa học "Sinh thiết lỏng trong kỷ nguyên y học cá thể hóa" do Viện Nghiên cứu - Đào tạo Y Dược Gia An 115 - Bệnh viện Gia An 115 T(P HCM) tổ chức ngày 12-4. Chương trình thu hút hơn 200 chuyên gia, bác sĩ, nhân viên y tế, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực ung thư, công nghệ sinh học, y học chính xác… trong nước và quốc tế tham gia.

Sinh thiết lỏng là phương pháp ít xâm lấn giúp phát hiện và phân tích các dấu ấn sinh học trong cơ thể

Sinh thiết lỏng là phương pháp ít xâm lấn giúp phát hiện và phân tích các dấu ấn sinh học trong cơ thể

Theo các chuyên gia, sự ra đời của các thuốc nhắm trúng đích trong chữa trị ung thư giúp nâng cao hiệu quả điều trị và chất lượng cuộc sống cho người bệnh so với hóa trị cổ điển. Sinh thiết mô phục vụ chẩn đoán là yêu cầu bắt buộc, được xem là tiêu chuẩn vàng trong thực hành lâm sàng từ trước đến nay.

Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng sinh thiết hoặc phẫu thuật được vì nhiều nguyên nhân khác nhau, cả khách quan lẫn chủ quan. Trong bối cảnh đó, sự ra đời của sinh thiết lỏng (liquid biopsy) là lựa chọn thay thế khi không có được mẫu mô, giúp giải quyết, vượt qua khó khăn, thách thức của lâm sàng.

Cập nhật những tiến bộ về kỹ thuật công nghệ và thực tế ứng dụng sinh thiết lỏng trong sàng lọc, chẩn đoán sớm ung thư, TS Meng Earn Lim (đến từ Singapore), cho hay sinh thiết lỏng là phương pháp ít xâm lấn giúp phát hiện và phân tích các dấu ấn sinh học trong cơ thể như máu, huyết thanh hoặc huyết tương, nước tiểu, nước bọt, dịch não tủy. Sinh thiết lỏng được ứng dụng đa dạng trong nghiên cứu và chẩn đoán ung thư, sàng lọc trước sinh không xâm lấn, bệnh chuyển hóa thoái hóa thần kinh, nghiên cứu về ghép tạng.

Riêng trong nghiên cứu ung thư, sinh thiết lỏng dùng để bổ trợ cho sinh thiết mô và khắc phục được các hạn chế như: Không có đủ mô khối u, khối u khó tiếp cận, cần theo dõi thường xuyên, cần nhiều thông tin về cơ chế phân tử của những tế bào ung thư không đồng nhất.

Các chỉ thị trong sinh thiết lỏng phổ biến nhất có thể kể đến: DNA tự do tuần hoàn trong máu, dịch tiết (cfDNA), DNA bắt nguồn từ tế bào u lưu hành tự do trong máu, dịch tiết (ctDNA), microRNAs, RNA tự do (cfRNA)…

Theo TS Nguyễn Thuận Lợi, Đơn vị Gen - Tế bào gốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu-Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), khoảng 70 gen liên quan bệnh ung thư tồn tại ở dạng ctDNA từ bệnh nhân giai đoạn muộn đã được điều trị và khoảng 50 loại ung thư liên quan đến ctDNA.

Theo các chuyên gia, ung thư vẫn đang là một trong những thách thức lớn của nền y học hiện đại, với số ca mắc mới và tử vong không ngừng gia tăng. Trên toàn cầu, năm 2022, số ca mắc mới lên đến gần 20 triệu và có hơn 9,7 triệu người tử vong do ung thư (theo GLOBOCAN 2022). Riêng Việt Nam ghi nhận 180.480 ca mắc mới và 120.184 ca tử vong do ung thư.

XUÂN THU

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/sinh-thiet-long-buu-boi-moi-trong-dieu-tri-ung-thu-196250412174916891.htm
Zalo