Sinh con thứ 2 mẹ chồng chủ động muốn lên chăm cháu, tôi từ chối rồi thuê bảo mẫu 15 triệu/tháng

Nhớ lại khoảng thời gian mẹ chồng giúp khi sinh em bé đầu, tôi quá 'hãi'.

Tôi rất ngưỡng mộ những bà mẹ sau khi sinh con luôn có sự hỗ trợ tận tình của ông bà nội ngoại, bởi không phải ai cũng may mắn có được điều này. Chính vì thế tôi hy vọng bản thân trong tương lai lấy chồng, sinh con cũng sẽ được như vậy. Nhưng cho đến khi đạt được nó, tôi lại vỡ mộng.

Ám ảnh từ quá khứ, khi con gái đầu lòng ra đời và mẹ chồng đã phụ tôi chăm cháu nhưng thời điểm đó tôi không những nhàn hạ hơn mà ngược lại còn khổ cực hơn, chính vì thế ở lần sinh con thứ 2 này, tôi thẳng thừng từ chối việc mẹ chồng tiếp tục lên nhà giúp con dâu.

Ảnh minh họa

Vì chuyện này mà tôi và chồng cãi nhau. Anh ấy cho rằng, tôi thái độ với mẹ chồng, trong khi đó bà có lòng nên mới chủ động mở lời muốn hỗ trợ chăm cháu. Có bà nội chăm sẽ yên tâm hơn, cũng đỡ được một khoản tiền lớn so với việc thuê bảo mẫu, giúp việc bên ngoài. Hơn nữa, người trong gia đình nên nếu có phát sinh vấn đề thì dễ giải quyết, người lạ làm sao tin tưởng hoàn toàn mà giao con nhỏ cho họ.

Tôi đồng ý với những phân tích của chồng, nhưng tôi vẫn nhất quyết thà tốn 15 triệu mỗi tháng để thuê bảo mẫu chất lượng, chứ không muốn quá khứ tiếp tục lặp lại. Sở dĩ, tôi “hãi” mẹ chồng như thế là vì có lý do cả. Ở lần sinh con gái đầu lòng, việc mẹ chồng giúp tôi chăm cháu tôi rất biết ơn, thế nhưng từ ngày bà dưới quê lên sống cùng con dâu thì bao nhiêu chuyện xảy ra.

Trong khi tôi cần một người có thể hỗ trợ mình cả chăm con lẫn làm việc nhà, tthì mẹ chồng mỗi ngày đều chỉ quấn cháu. Tôi đi làm về rất mệt, vừa vào nhà đã phải dọn dẹp, nấu ăn cho cả gia đình, còn mẹ chồng mỗi khi thấy con dâu bước đến cửa là lập tức giao con lại cho tôi rồi ra ngoài giao du với mấy cô hàng xóm. Mỗi sáng, tôi đều phải dậy từ rất sớm để nấu ăn, nấu cho cả phần cơm trưa của mẹ chồng vì bà chỉ chăm cháu, không chịu quán xuyến chuyện này.

Chưa kể là con gái ở nhà với bà nội liền ăn uống ngủ nghỉ không có trật tự, nề nếp gì cả. Ban ngày mẹ chồng tôi để con ngủ rất nhiều, nên đến tối đứa trẻ lại quấy khiến tôi không tài nào có thời gian riêng nghỉ ngơi. Dù sao mẹ chồng cũng lớn tuổi, nên tôi rất thông cảm cho việc bà không thể tích cực vui chơi, rèn cho cháu những hoạt động thể chất. Tuy nhiên, bà cũng không thể vì dỗ cháu mà ngày nào cũng để đứa trẻ xem tivi, ipad.

Ảnh minh họa

Nhớ lại khoảng thời gian mẹ chồng lên nhà hỗ trợ chăm con đầu lòng, tôi thực sự rất ám ảnh cảnh cơ cực của bản thân lúc đó. Chính vì lý do này nên dù chồng có ra sức nài nỉ, tôi vẫn kiên định với lựa chọn của mình. Thậm chí, tôi còn dõng dạc tuyên bố, nếu chồng không bỏ tiền thuê bảo mẫu thì tôi sẽ tự chi tiền của bản thân, vì tôi cũng là người chủ động tài chính chứ không phụ thuộc hoàn toàn vào anh ấy.

Còn về phía mẹ chồng, tôi sẽ lựa lời từ chối bà một cách khéo léo, sao cho không làm sứt mẻ tình cảm gia đình. Tôi không biết các mẹ bỉm khác thế nào, có từng rơi vào hoàn cảnh giống tôi chưa nhưng tôi chắc chắn quyết định này là sáng suốt, chỉ cần quá khứ không lặp lại là được, tôi sợ lắm rồi…

Tâm sự từ độc giả thuhanh…@gmail.com

Nhờ ông bà phụ chăm cháu mang lại nhiều lợi ích và cũng có những hạn chế đáng lưu ý. Một trong những điểm mạnh lớn nhất là sự chăm sóc ấm áp và yêu thương từ ông bà, những người thường có nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi dạy trẻ. Sự tương tác này không chỉ giúp trẻ cảm thấy an toàn mà còn củng cố mối quan hệ gia đình, tạo ra những kỷ niệm đẹp giữa các thế hệ. Thêm vào đó, việc này giúp tiết kiệm chi phí so với việc thuê bảo mẫu hoặc gửi trẻ ở các cơ sở giữ trẻ.

Tuy nhiên, cũng cần nhận diện những thách thức có thể phát sinh. Sự khác biệt trong phương pháp nuôi dạy giữa ông bà và cha mẹ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển toàn diện cho trẻ, đặc biệt khi các quy tắc và cách ứng xử không thống nhất. Hơn nữa, sức khỏe và năng lực của ông bà có thể hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc. Cha mẹ cũng có thể cảm thấy áp lực khi phải phụ thuộc vào ông bà, lo ngại về việc trẻ sẽ không được nuôi dạy theo những giá trị mà họ muốn truyền đạt. Do đó, việc giao tiếp rõ ràng và thấu hiểu giữa các thế hệ là rất quan trọng để tạo ra một môi trường nuôi dưỡng tốt nhất cho trẻ.

Nguồn Góc nhìn pháp lý: https://gocnhinphaply.nguoiduatin.vn/sinh-con-thu-2-me-chong-chu-dong-muon-len-cham-chau-toi-tu-choi-roi-thue-bao-mau-15-trieuthang-9615.html
Zalo