Nàng dâu sốc nặng trước yêu cầu sắm Tết của nhà chồng gia giáo

Mẹ chồng kể, năm nào bà cũng phải sắm sửa cho bố mẹ đẻ nhưng năm nay có tôi rồi, bà giao toàn bộ cho con dâu mới. Tuy nhiên, mẹ lại không đưa cho tôi đồng nào.

Tết luôn là khoảng thời gian bận rộn nhất trong năm. Người người nhà nhà "chạy" lo Tết. Và cũng bởi sự bận rộn ấy, vô số chuyện bi hài, nan giải đã xảy ra như tìm người giúp việc, sửa chữa nhà cửa, mua sắm quà Tết...

VietNamNet mở diễn đàn "Chuyện bi hài ngày Tết". Mời độc giả chia sẻ những câu chuyện của mình tại địa chỉ email: Bandoisong@vietnamnet.vn

5h sáng, mẹ chồng ở quê đã gọi điện cho tôi, giọng hớt hải: “Con ơi, con đã sắm sửa xong hết chưa, sắp xếp thời gian đi chợ đi nhé, chứ Tết đến nơi rồi. Không chỉ nhà mình mà còn nhà ông bà ngoại, ông bà nội, mấy nhà đấy, không phải ít đâu. Mà sắm thì phải ghi đầy đủ vào, không đến lúc thiếu lại bị các cụ mắng”.

Tôi bực bội nhưng không dám nói lại mẹ chồng, đành quay ra trách chồng: “Mẹ anh buồn cười thật, mới 5h mà đã gọi điện giục sắm Tết. Em còn bao nhiêu việc, sáng lại phải đi làm, có được rảnh rang như bố mẹ anh ở nhà đâu mà mọi việc dồn lên đầu em thế? Thế khi anh chưa lấy vợ, thì nhà anh ai sắm Tết?".

Ảnh minh họa: PX

Ảnh minh họa: PX

Chồng nghe tôi nói tỏ vẻ khó chịu, bảo: “Làm dâu thì phải thực hiện bổn phận của mình chứ mọi năm với năm nay cái gì. Năm nay em làm dâu mới thì càng phải thể hiện cho thật tốt. Nhà mình không như nhà khác, cái gì cũng phải chỉn chu, cẩn thận. Em làm xuề xòa là không được đâu".

Nghe giọng gia trưởng của chồng, tôi uất ức, không còn muốn ngủ tiếp nữa. Tôi đành ngồi dậy lên danh sách các món mua về nhà chồng, từ cành mai, cành đào đến bánh kẹo thắp hương, bánh kẹo ăn, đồ trang trí trong nhà, đồ biếu họ hàng gần xa để mẹ chồng tôi xách đi chúc Tết. Nói ra thật là nhiều...

Ngoài ra tôi còn phải chuẩn bị 4 mâm cơm hôm mùng 1 Tết để đón họ hàng về nhà chồng ăn. Vì bố chồng là con trưởng, chồng tôi là đích tôn nên việc đó là bắt buộc.

Tính mẹ tôi cẩn thận, không cho xuề xòa nên nhất định phải làm to. Mẹ dặn: "Đồ ăn con phải mua và sơ chế, để sẵn trong tủ lạnh để sáng mùng 1 dậy sớm lo liệu". Nghĩ đến cảnh ấy, tôi ngán ngẩm vô cùng.

Lo xong nhà chồng, tôi lại phải lo nhà ngoại, nhà nội của bố mẹ chồng. Thiết nghĩ một tay tôi làm tất cả các việc thì đến bao giờ cho xong?

Mẹ chồng kể, năm nào bà cũng phải sắm sửa cho bố mẹ đẻ nhưng năm nay có tôi rồi, bà giao toàn bộ cho con dâu mới. Tuy nhiên, mẹ lại không đưa cho tôi đồng nào. Chưa kể, tôi còn phải có trách nhiệm biếu tiền tiêu Tết cho ông bà.

Chồng không động viên còn lên giọng: “Em làm dâu nhà anh thì phải theo lề thói nhà anh. Bố mẹ anh gia giáo, coi trọng chữ tín, coi trọng lễ nghĩa, em phải hiểu".

"Năm đầu làm dâu". Đúng là vì năm đầu đó chứ nếu là năm 3, năm 4 thì có lẽ tôi đã làm tới để nhà anh và anh đi lo liệu. Đừng nghĩ cưới vợ về là bắt vợ "làm dâu"… Nhà riêng của tôi ở thành phố chưa có nổi bông hoa, hộp bánh, còn chưa dọn dẹp nhà cửa. Nhưng chắc tôi cũng chẳng còn sức mà lo.

Lo mấy ngày Tết mà tôi chạy cả tháng chưa xong. Tết với ai vui vẻ thế nào tôi không biết nhưng với tôi từ khi bước chân vào nhà chồng gia giáo, Tết thực sự thành nỗi ám ảnh rồi.

Độc giả giấu tên

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/nang-dau-soc-nang-truoc-yeu-cau-sam-tet-cua-nha-chong-gia-giao-2364228.html
Zalo