Singapore ra luật bảo vệ tài xế công nghệ

Singapore là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới thông qua luật công nhận tài xế hợp tác với các nền tảng gọi xe, giao hàng là người lao động và tăng cường quyền lợi cho những đối tượng này.

Được hỗ trợ nhà ở, lương hưu

Luật công nhân nền tảng vừa được Singapore thông qua, quy định từ năm 2025, những người làm việc trên nền tảng như tài xế giao hàng, tài xế taxi và cho thuê tư nhân sẽ được bảo vệ tốt hơn.

Các tài xế công nghệ giao đồ ăn bận rộn ngược xuôi trên phố Paya Lebar.

Các tài xế công nghệ giao đồ ăn bận rộn ngược xuôi trên phố Paya Lebar.

Tài xế công nghệ và đơn vị vận hành nền tảng đều phải đóng góp cho kế hoạch tiết kiệm bắt buộc thuộc Quỹ tiết kiệm trung ương Singapore (CPF) để hỗ trợ nhà ở và lương hưu, bồi thường tai nạn lao động và có tổ chức đại diện cho các tài xế công nghệ giống như công đoàn.

Khoản đóng góp CPF sẽ dần được tăng lên tương đương với khoản đóng góp của người lao động được trả lương kiểu truyền thống. Việc đóng góp vào CPF với tài xế sẽ bắt buộc nếu tính từ năm 2025, họ chưa đến 30 tuổi; còn với những người lớn tuổi hơn thì tùy chọn.

Bộ trưởng Bộ Nhân lực Singapore Koh Poh Koon cho biết, những chi phí đó về bản chất không khác so với những gì mà các nhà tuyển dụng thông thường phải chi trả và là một phần tất yếu khi điều hành doanh nghiệp.

Việc đưa ra quy định đóng góp vào CPF và bồi thường thương tích khi làm việc cho tài xế công nghệ là để đảm bảo các nhà khai thác nền tảng, vốn đang thu lợi từ công việc khó khăn và rủi ro mà các tài xế phải gánh chịu, phải cung cấp cho họ quyền và biện pháp bảo vệ cơ bản.

Bộ trưởng Koh cũng cho biết, quy định này sẽ tạo ra một sân chơi bình đẳng, cạnh tranh công bằng về mặt chi phí kinh doanh cho các công ty hoạt động tại Singapore.

Tăng sức hút với lao động

Thời gian vừa qua, dư luận Singapore lo ngại công việc hợp tác với các nền tảng trở nên thu hút lao động hơn. Điều này có thể khiến thanh niên Singapore lựa chọn làm nghề này dài hạn, thậm chí suốt đời thay vì lựa chọn các công việc có thể thăng tiến và đóng góp vào kinh tế nhiều hơn.

Tài xế công nghệ Grab bike tại Singapore.

Tài xế công nghệ Grab bike tại Singapore.

Phóng viên CNA đã gặp và trò chuyện với hai tài xế công nghệ. Một shipper lớn tuổi là Kelvin Lee, ngoài 50 tuổi, kiếm sống bằng nghề lái xe giao hàng 4 năm nay, còn người trẻ hơn là Raj, 33 tuổi, đã làm tài xế hợp tác với ứng dụng được 9 tháng.

Ông Lee có bằng tốt nghiệp đại học, phần lớn sự nghiệp làm trong lĩnh vực xây dựng sau đó ông chuyển sang làm ngành khách sạn nhưng vì Covid-19 nên ông mất việc. Ông dự định quay trở lại ngành khách sạn sau khi dịch bệnh qua đi nhưng cuối cùng lại thay đổi suy nghĩ, muốn ưu tiên dành nhiều thời gian hơn cho gia đình.

Tổng số tài xế công nghệ làm việc cho các nền tảng giao hàng, chia sẻ xe, taxi tại Singapore là khoảng 70.000 người, chiếm 93% trong số những người được công nhận là lao động hợp tác với các nền tảng tại Singapore.

Hiện ông làm 8 giờ/ngày, kiếm được từ 3.000 đô la Singapore (2.330 đô la Mỹ) đến 4.000 đô la Singapore/tháng. Tuy không có ngày nghỉ nhưng mỗi ngày chỉ làm việc bằng một nửa thời gian so với công việc trước đây.

Ông Lee coi công việc giao hàng là một công việc trung và dài hạn, chấp nhận có thể làm công việc này cho đến khi nghỉ hưu vào khoảng tuổi 60 hoặc 70 tuổi.

Còn với Raj, anh chuyển sang nghề tài xế công nghệ sau khi rời bỏ công việc bán hàng áp lực cao tại một công ty. Hiện, anh kiếm được tổng thu nhập khoảng 6.000 đô la Singapore/tháng. Sau khi trừ tiền trả góp mua ô tô và đổ xăng, thu nhập còn lại của anh là 3.500 đô la Singapore/tháng.

Raj xác định đây chỉ là công việc ngắn hạn trong thời gian tìm việc toàn thời gian với mức lương mong muốn là 10.000 đô la Singapore/tháng.

Tài xế Lee chia sẻ, ông hài lòng với công việc giao hàng vì ông không có nhiều gánh nặng tài chính. Hơn nữa, ở tuổi này, ông không còn mong đợi phát triển, thăng tiến trong nghề nghiệp.

Nhưng ông không khuyến khích những người trẻ tuổi làm nhân viên nền tảng toàn thời gian. "Công việc này không có sự phát triển nghề nghiệp và giới hạn số tiền có thể kiếm được", ông Lee chia sẻ.

Cùng mối quan tâm, Raj cho biết: "Tôi thực sự lo lắng về những người có học thức cao, có thể đóng góp lớn hơn cho nền kinh tế nhưng lại quyết định hợp tác với các nền tảng công nghệ vì thích tính linh hoạt trong công việc".

Raj biết hai tài xế đã tốt nghiệp đại học, thậm chí một người có bằng thạc sĩ, đã làm công việc tài xế công nghệ khá lâu dù ban đầu đây không phải lựa chọn của họ.

Ở độ tuổi khoảng 30 và chưa lập gia đình, những người bạn này của Raj không ngại tiếp tục làm công việc tài xế công nghệ lâu dài vì họ chưa có ràng buộc hay gánh nặng gia đình.

Không khuyến khích người trẻ

Tiến sĩ Mathew Mathews, nhà nghiên cứu, Trưởng phòng nghiên cứu xã hội thuộc Viện Nghiên cứu chính sách Singapore (IPS) cho hay, trong khi một số người coi nền tảng hoạt động như một bước chuyển tiếp trong lúc chờ việc mới thì rất đông lại coi đó là lựa chọn nghề nghiệp lâu dài.

Ông nói thêm: "Đôi khi vì ngành nghề này không có nhiều yêu cầu và họ thấy thu nhập cũng tương đương với các công việc khác nhưng lại không bị gò bó, phải báo cáo cấp trên".

Song ông Mathews chỉ ra, việc chính phủ đưa ra quy định đóng góp vào Quỹ tiết kiệm CPF cũng là cách để không khuyến khích người trẻ đổ xô làm tài xế công nghệ.

"Nếu như trước đây, nhiều người làm công việc này vì nghĩ có thể kiếm nhiều hơn so với công việc truyền thống thì nay với việc phải đóng góp thêm vào CPF, khoảng cách thu nhập trung bình giữa công việc tài xế công nghệ và công việc truyền thống sẽ không cách nhau quá xa", ông nói.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/singapore-ra-luat-bao-ve-tai-xe-cong-nghe-192241003232316027.htm
Zalo