Công nghiệp ô tô Việt Nam, cần nhất là thị trường

Cần các chính sách hỗ trợ về thuế, phí nhằm kích thích tiêu dùng, hướng tới đạt mục tiêu quy mô thị trường từ 1 triệu xe trở lên vào năm 2030, đủ sức hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư.

Cần hỗ trợ thuế, phí để nâng quy mô thị trường

Ông Lê Huy Khôi, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công thương) cho biết, ngành công nghiệp ô tô Việt Nam nên tập trung thực hiện một số nhóm giải pháp chính để có thể đạt mục tiêu nâng cao tỷ lệ nội địa hóa. Qua đó, nâng hàm lượng giá trị gia tăng của Việt Nam trong sản phẩm ô tô và cả sản lượng.

Ô tô sản xuất tại Việt Nam không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn hướng tới đẩy mạnh xuất khẩu.

Ô tô sản xuất tại Việt Nam không chỉ tiêu thụ trong nước mà còn hướng tới đẩy mạnh xuất khẩu.

Giải pháp đầu tiên được ông Khôi nhắc tới là khuyến khích, phát triển thị trường ô tô trong nước thông qua thực hiện các chính sách hỗ trợ (lâu dài và đủ mạnh) về thuế, phí… Điều này nhằm kích thích tiêu dùng, hướng tới đạt mục tiêu từ 1 triệu xe trở lên vào năm 2030, đảm bảo quy mô thị trường đủ sức hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó theo ông Khôi cần xây dựng, định hướng các chính sách phát triển ngành ô tô mang tầm dài hạn, đảm bảo thực thi có hiệu quả. Đảm bảo từng bước nâng dần tỉ lệ xe sản xuất trong nước và định hướng đẩy mạnh xuất khẩu.

Đồng quan điểm, ông Vũ Tấn Công, Phó tổng giám đốc thường trực Công ty TNHH Tư vấn Công nghiệp và Thương mại ô tô Việt Nam cho hay, muốn ngành công nghiệp ô tô phát triển thì phải có một thị trường (trong và ngoài nước) đủ lớn để tiêu thụ ô tô, chi tiết và tổng thành và phụ tùng ô tô.

"Muốn vậy, sản phẩm của ngành công nghiệp ô tô phải đáp ứng nhu cầu thị trường và có giá cả hợp lý", ông Công chia sẻ.

Muốn làm được điều này, ông Công cho rằng chính quyền địa phương nơi có đại lý ô tô nên hỗ trợ các doanh nghiệp này trong việc giảm chi phí thuê đất, giảm thuế TNDN và các chi phí khác có liên quan. Với hệ thống kinh doanh và dịch vụ phát triển, thị trường ô tô Việt Nam sẽ được mở rộng.

Bên cạnh đó, với định hướng phát triển các loại xe thân thiện môi trường, các loại xe điện và plug-in hybrid (PHEV) cần được miễn toàn bộ thuế TTĐB, thuế giá trị gia tăng và lệ phí trước bạ (riêng xe điện hiện vẫn đang được miễn lệ phí trước bạ). "Khi ô tô nguyên chiếc, chi tiết - tổng thành và phụ tùng ô tô được xuất khẩu thành công ra thị trường quốc tế, thì nhà sản xuất các sản phẩm này sẽ được hưởng một khoản hoàn trả từ Chính phủ cho doanh nghiệp sản xuất (khoảng 5-10% giá FOB - Free On Board) tùy theo loại sản phẩm của mỗi đơn hàng xuất khẩu", ông Công nói thêm.

Theo nghiên cứu của GS.TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch hội đồng trường Đại học Bách khoa Hà Nội, chuyển dịch năng lượng và công nghệ sẽ diễn ra mạnh mẽ từ năm 2030 với lĩnh vực đường bộ. Cơ bản là chuyển dịch từ năng lượng hóa thạch sang điện và năng lượng xanh (hydrogen, amoniac, ethanol...).

Sự thâm nhập của các loại nhiên liệu mới sẽ thúc đẩy các nhà sản xuất phương tiện đường bộ điều chỉnh sản xuất kinh doanh, sự thay đổi thị phần luân chuyển vận tải hàng hóa, tác động đến ngành ô tô.

Do đó, chiến lược mới của ngành công nghiệp ô tô cần bám sát các kịch bản giảm phát thải khí nhà kính để đạt mục tiêu vào năm 2045.

Chuyên gia cho rằng cần thành lập và vận hành Học viện Quốc gia nghiên cứu và phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Chuyên gia cho rằng cần thành lập và vận hành Học viện Quốc gia nghiên cứu và phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam.

Tiến tới làm chủ công nghệ ô tô

Đại diện Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công thương) cũng cho rằng, để phát triển công nghiệp ô tô cần tăng cường quản lý nhà nước đối với việc xem xét, lựa chọn và phê duyệt các dự án đầu tư, đặc biệt là các dự án đầu tư mới theo hướng lựa chọn các nhà đầu tư có chính sách ưu tiên sử dụng các sản phẩm, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ô tô trong nước, hỗ trợ chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực… nhằm thúc đẩy sự tham gia vào chuỗi sản xuất ngành ô tô của các tập đoàn này.

Thêm vào đó, cần tăng cường thu hút đầu tư thay thế các thiết bị, công nghệ sản xuất cũ; tiếp nhận, chuyển giao máy móc hiện đại đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, đặc biệt trong việc chế tạo sản phẩm, phân tích, kiểm tra, chứng nhận hợp quy, quy chuẩn sản phẩm.

Ông Vũ Tấn Công cho rằng, cần thành lập và vận hành Học viện Quốc gia nghiên cứu và phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Học viện này sẽ thực hiện nghiên cứu, phát triển và xác định theo từng giai đoạn:

"Kinh phí hoạt động cho học viện này chủ yếu là kinh phí nhà nước và một phần kinh phí hỗ trợ của các tổ chức trong và ngoài nước. Các doanh nghiệp và tổ chức Việt Nam trong ngành công nghiệp ô tô sẽ được thụ hưởng miễn phí các kết quả nghiên cứu của học viện này.

Học viện sẽ nghiên cứu, phát triển sản phẩm ô tô, chi tiết và tổng thành, phụ tùng ô tô phù hợp với thị trường Việt Nam và thị trường các quốc gia tham gia các hiệp định thương mại tự do...".

Cần hình thành các cụm công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam và dành những ưu đãi, hỗ trợ để phát triển.

Cần hình thành các cụm công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam và dành những ưu đãi, hỗ trợ để phát triển.

Đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa

Phát triển công nghiệp hỗ trợ là điều bắt buộc khi phát triển công nghiệp ô tô. Vì vậy, phát triển công nghiệp hỗ trợ luôn được đặt lên hàng đầu.

Một trong những giải pháp được ông Lê Huy Khôi nêu là xây dựng chiến lược phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam trong giai đoạn mới với các mục tiêu, định hướng rõ ràng, phù hợp với xu hướng phát triển ngành công nghiệp ô tô trên thế giới. Đồng thời, xác định và thiết lập đối tác chiến lược, khuyến khích đầu tư các dự án đủ lớn để tạo dựng thị trường cho công nghiệp hỗ trợ…

Liên quan đến cụm liên kết công nghiệp, ông Vũ Tấn Công cũng đưa ra giải pháp tương tự. Theo ông Công, cần thành lập và vận hành 5 cụm công nghiệp ô tô tại: Hải Phòng, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Quảng Nam và TP.HCM để cung cấp chi tiết và tổng thành ô tô cho các doanh nghiệp tại đó và các địa phương lân cận.

"Để thành lập được các cụm công nghiệp như vậy, đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước cần xây dựng lộ trình cắt giảm thuế TTĐB, thuế VAT và trước bạ theo tỷ lệ nội địa hóa trong nước (tính theo giá trị). Giải pháp này rất quan trọng vì nó khuyến khích ô tô sản xuất lắp ráp trong nước sử dụng chi tiết, tổng thành sản xuất trong nước. Qua đó, công nghiệp hỗ trợ ô tô sẽ phát triển. Đồng thời, với tỷ lệ nội địa hóa nội khối từ 40% trở nên, ô tô sản xuất lắp ráp tại Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường các nước thuộc các Hiệp định Thương mại tự do ATIGA, RCEP và CPTPP sẽ được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu 0%.

Tiếp đến, cần miễn phí chuyển giao công nghệ, miễn thuế nhập khẩu và thuế GTGT cho các trang thiết bị sản xuất tại các nhà máy công nghiệp hỗ trợ ô tô.

Các địa phương nơi có nhà máy công nghiệp hỗ trợ ô tô nên có một gói các hỗ trợ cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ô tô đóng trên địa bàn như: Miễn hoặc giảm tiền thuê đất trong (5-10) năm; hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực; hỗ trợ hoặc cho thuê nhà giá rẻ cho cán bộ và công nhân làm việc tại các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ô tô; miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân cho cán bộ và công nhân làm việc tại các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ô tô. Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước nên có gói tín dụng ưu đãi và hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ ô tô", ông Công chia sẻ.

Hồng Hạnh

Tùng Lê

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baogiaothong.vn/cong-nghiep-o-to-viet-nam-can-nhat-la-thi-truong-19224100519081067.htm
Zalo