Siêu tàu sân bay Mỹ tới ngoài khơi Iran giữa lúc Trung Đông căng thẳng

USS Theodore Roosevelt là một trong những chiến hạm lớn nhất của hải quân Mỹ, được ví như thành phố nổi trên biển với thủy thủ đoàn 5.000 người. Hiện Mỹ vừa điều siêu tàu sân bay này tới ngoài khơi Iran giữa lúc tình hình Trung Đông căng thẳng sau vụ ám sát thủ lĩnh Hamas.

Truyền thông Nga đưa tin, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt (CVN 71) của Mỹ đã thực hiện thành công quá trình chuyển từ Vịnh Ba Tư sang eo biển Hormuz.

Việc con tàu sân bay với nhóm chiến hạm hùng hậu hộ tống di chuyển tại Trung Đông đã thu hút sự chú ý, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong khu vực

Điều thú vị là dù tàu đi sát bờ biển Iran nhưng Tehran không thực hiện bất kỳ biện pháp nào chống lại tàu sân bay và nhóm tàu hộ tống nó của Mỹ.

Eo biển Hormuz, nơi phần lớn lượng dầu xuất khẩu của thế giới đi qua, từ lâu đã trở thành một điểm nóng trên bản đồ địa chính trị.

Sự xuất hiện của một tàu sân bay Mỹ ở khu vực chiến lược quan trọng này làm dấy lên lo ngại về khả năng leo thang xung đột.

Các chuyên gia lưu ý rằng sự hiện diện của USS Theodore Roosevelt ngoài khơi Iran là do lo ngại về một cuộc tấn công quy mô lớn của Iran vào Israel sau cái chết của thủ lĩnh Hamas.

Tình hình trong khu vực đã leo thang trong những tuần gần đây, nhiều nhà phân tích cho rằng Mỹ đang thực hiện các bước đi để chứng tỏ sức mạnh và sự sẵn sàng bảo vệ đồng minh Israel của mình.

USS Theodore Roosevelt là siêu tàu sân bay thứ tư thuộc lớp Nimitz, khởi đóng ngày 31/10/1981 và hạ thủy sau đó ba năm.

Tàu được đưa vào biên chế hải quân Mỹ ngày 25/10/1986 và được đặt theo tên Theodore Roosevelt, tổng thống thứ 26 của Mỹ.

Logo của tàu có hình bán thân của tổng thống Roosevelt, bên dưới là chữ "TR" (viết tắt của Theodore Roosevelt) và dòng khẩu hiệu tiếng Latin "Qui Plantavit Curabit" (Người ươm mầm ta sẽ chăm sóc ta).

USS Theodore Roosevelt có chiều dài 333 m, rộng 77 m và lượng giãn nước đầy tải 106.000 tấn, là một trong những chiến hạm lớn nhất trong lịch sử hải quân Mỹ.

Với thủy thủ đoàn 5.000 người, USS Theodore Roosevelt được ví như một "thành phố nổi" trên đại dương.

Con tàu có một bưu điện với mã định danh riêng, cho phép thủy thủ gửi và nhận thư từ gia đình.

Các lá thư thường được vận chuyển bởi máy bay vận tải C-2A Greyhound khi USS Theodore Roosevelt hoạt động gần những nước có căn cứ Mỹ.

Trên tàu không có wifi hay sóng điện thoại di động, mỗi thủy thủ chỉ được truy cập Internet trên các máy tính chung, thời gian sử dụng phụ thuộc vào cấp bậc và chức vụ.

Để thực hiện nhiệm vụ trên khắp các đại dương của thế giới, USS Theodore Roosevelt được trang bị hai lò phản ứng hạt nhân A4W đặt trong khoang riêng biệt để cung cấp năng lượng cho hệ thống động cơ và điện.

Nhiệt lượng từ phản ứng phân hạch trong lò phản ứng đun nóng nước và tạo ra hơi nước áp suất cao.

Hơi nước được đẩy qua 4 turbine để tạo lực quay cho 4 chân vịt bằng hợp kim đồng, mỗi chiếc có đường kính 7,6 m và nặng 30 tấn, giúp tàu có thể đạt tốc độ tối đa 56 km/h khi đầy tải.

Điều này giúp tàu không phải mang theo nhiên liệu dự trữ, cho phép tăng thời gian và tầm hoạt động trên biển, bởi tàu sân bay lớp Nimitz chỉ phải tiếp nhiên liệu sau 20-25 năm hoạt động.

Một phần hơi nước được dẫn tới hệ thống piston thuộc máy phóng hơi nước bên dưới boong tàu, tạo lực đẩy giúp các máy bay xuất phát trên đường băng ngắn.

Tàu sân bay USS Theodore Roosevelt được biên chế không đoàn trên hạm (CVW), có thể mang tối đa 130 tiêm kích F/A-18 hoặc 85-90 máy bay các loại, nhưng thường chỉ triển khai 64 phi cơ.

Lực lượng đang phục vụ trên tàu Theodore Roosevelt là Không đoàn tàu sân bay số 11 (CVW-11) gồm 9 phi đoàn.

Khí tài chủ lực của USS Theodore Roosevelt là 48 tiêm kích đa năng F/A-18E/F Super Hornet gần đây là việc bổ sung máy bay tàng hình F-35C.

Đội hình hỗ trợ gồm 6 máy bay tác chiến điện tử EA-18G Growler, 4 máy bay cảnh báo sớm và chỉ huy trên không E-2C/D Hawkeye.

Hoạt động vận tải, tiếp tế hậu cần cho tàu được giao cho phi đoàn vận tải cơ C-2A Greyhoun

Tàu còn được biên chế hai phi đoàn trực thăng MH-60S/R làm nhiệm vụ vận tải hạng nhẹ, săn ngầm, trinh sát và tìm kiếm cứu hộ.

Ngoài không đoàn tàu sân bay, USS Theodore Roosevelt được trang bị các tổ hợp vũ khí phòng không, gồm hai bệ phóng tên lửa Mk 57 Sea Sparrow, hai bệ tên lửa tầm ngắn RIM-116 và ba tổ hợp pháo phòng thủ tầm cực gần Phalanx.

Tàu cũng được trang bị một số bệ phóng mồi bẫy để đánh lừa tên lửa diệt hạm đối phương.

Một nhóm tác chiến tàu sân bay (CSG) của lực lượng này thường bao gồm 1 tàu sân bay, 1 tàu tuần dương và 2-3 tàu khu trục.

Ngoài ra, tùy theo tình hình nhiệm vụ mà nó còn được phối thuộc thêm một tàu ngầm hạt nhân nhằm đối phó với các mối đe dọa dưới mặt nước.

Riêng với nhóm CSG số 9, tàu USS Theodore Roosevelt được hộ tống bởi tàu tuần dương lớp Ticonderoga USS Bunker Hill (CG-52).

5 tàu khu trục lớp Arleigh Burke là USS Pinckney (DDG-91), USS Russell (DDG-59), USS Paul Hamilton (DDG-60), USS Kidd (DDG-100) và USS Rafael Peralta (DDG-115) cùng một hoặc hai tàu ngầm nguyên tử cũng thuộc nhóm biên chế này để bảo vệ cho tàu USS Theodore Roosevelt.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/sieu-tau-san-bay-my-toi-ngoai-khoi-iran-giua-luc-trung-dong-cang-thang-post584958.antd
Zalo