Thủ tướng Đức Olaf Scholz mới đây cho biết, nước này đã ký hợp đồng mua 17 thêm đơn vị hệ thống tên lửa phòng không IRIS-T hiện đại để cung cấp cho Ukraine.
Người đứng đầu chính phủ Đức đưa ra thông tin này trong một cuộc họp báo tại căn cứ không quân gần Kiel. Tại căn cứ quân sự nói trên, ông Scholz đã làm lễ tiếp nhận 1 hệ thống IRIS-T sản xuất cho Quân đội Đức.
Tại sự kiện, ông Scholz xác nhận rằng Berlin đã đặt hàng thêm 5 hệ thống phòng không IRIS-T cho lực lượng vũ trang nước này, cũng như thêm 17 tổ hợp nữa dành cho Ukraine.
Thủ tướng Scholz khẳng định, việc Bundeswehr (Lục quân Đức) mua 6 tổ hợp IRIS-T sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc củng cố sáng kiến phòng không chung Sky Shield của châu Âu.
Dự kiến 4 tổ hợp tên lửa phòng không IRIS-T nữa sẽ được gửi tới Ukraine vào cuối năm nay, và số còn lại sẽ được bàn giao từ năm sau, người đứng đầu chính phủ Đức cam kết.
Theo ông Scholtz, Lực lượng vũ trang Ukraine đã nhận được tổng cộng 7 tổ hợp IRIS-T, giúp bắn hạ hơn 250 tên lửa hành trình và máy bay không người lái cảm tử của Nga.
Kế hoạch của Kyiv và Berlin đó là 4 tổ hợp IRIS-T mới sẽ hoàn tất công tác huấn luyện nhân sự và hậu cần để đưa vào sử dụng trong lực lượng Vũ trang Ukraine vào cuối năm 2024 và phần còn lại vào năm tới.
Ukraine đã nhận được hệ thống phòng không tầm ngắn IRIS-T SLS đầu tiên từ Đức vào tháng 8 năm ngoái và đã được sử dụng ngay lập tức trên chiến trường và mang lại nhiều thành công.
Tổ hợp này được tạo ra để đánh chặn máy bay, trực thăng và UAV của đối phương. Ở phiên bản SLS, nó có khả năng tiêu diệt các mục tiêu khí động học từ cự ly lên tới 12 km và ở độ cao lên đến 8 km.
Đối với xe mang phóng tự hành, khung gầm bánh xích của xe địa hình bọc thép BvS10 thường được sử dụng, nhưng cũng có thể lắp đặt trên xe tải việt dã bánh lốp.
Vũ khí chính của tổ hợp này là tên lửa không đối không IRIS-T với đầu dẫn hồng ngoại, được sửa đổi đặc biệt để có thể phóng đi từ mặt đất.
Đối với phiên bản tầm trung IRIS-T SLM, hệ thống bao gồm 1 trung tâm điều khiển, 1 radar di động đa chức năng, từ 2 đến 4 bệ phóng tự hành trên khung gầm bánh hơi, mỗi bệ mang theo 8 tên lửa đánh chặn.
Bệ phóng thẳng đứng của IRIS-T SLM được gắn trên khung gầm xe tải hạng nhẹ và cung cấp khả năng tấn công mục tiêu 360 độ. Tầm bắn của tên lửa đạt mức 40 km, độ cao lên tới 20 km.
Theo một số thống kê, đơn giá đối với một hệ thống tên lửa phòng không tầm trung IRIS-T SLM vào khoảng 400 triệu USD, không hề rẻ nhưng hiệu quả được đánh giá “đáng đồng tiền bát gạo”.
Trong tương lai, Đức sẽ cho ra mắt phiên bản IRIS-T SLX với tầm bắn vượt trội, mang lại “chiếc ô” phòng không tầm xa rất tin cậy, đủ khả năng thiết lập lưới lửa phòng không cho những khu vực quan trọng nhất.
Bạch Dương