'Siêu cổ phiếu' từng đắt nhất sàn chứng khoán nay lãi èo uột
Từng là cổ phiếu đắt đỏ nhất sàn chứng khoán, thị giá L14 nay bốc hơi 92% so với đỉnh. Nguyên nhân do Licogi 14 kinh doanh khá lẹt đẹt và mất nguồn thu đầu tư chứng khoán.
Theo báo cáo tài chính quý II/2024, CTCP Licogi 14 (HNX: L14) ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 22 tỷ đồng, tăng 65% so với cùng kỳ năm 2023. Nhờ giảm mạnh giá vốn, biên lãi gộp được nâng lên từ 30% lên hơn 85%.
Kỳ vừa rồi, các loại chi phí của Licogi 14 đều tăng đột biến. Đáng chú ý nhất là chi phí bán hàng tăng gần 12 lần và chi phí tài chính tăng gần 15 lần.
Đối với chi phí tài chính, khoản phát sinh từ lãi vay chỉ chiếm hơn 7% trong khi phần còn lại chủ yếu do công ty đầu tư thua lỗ và phải tăng trích lập dự phòng cho các khoản đầu tư này.
Sau khi khấu trừ thuế và các loại chi phí, Licogi 14 báo lãi ròng gần 5 tỷ đồng, giảm 4% so với cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Licogi 14 giảm không đáng kể xuống gần 44 tỷ đồng. Trong khi đó, lợi nhuận sau thuế lại tăng 7% lên gần 9 tỷ đồng.
Trong năm 2024, ban lãnh đạo Licogi 14 đặt kế hoạch tổng doanh thu 178 tỷ đồng và lãi sau thuế 25 tỷ đồng, tăng lần lượt 7% và 3% so với năm trước. Như vậy, sau nửa năm kinh doanh, doanh nghiệp bất động sản này mới hoàn thành 25% chỉ tiêu doanh thu và 36% mục tiêu lợi nhuận.
Giai đoạn 2020-2022, nhiều cổ phiếu được đẩy lên mức định giá cao ngất ngưởng rồi lại lao dốc không phanh. Nổi bật nhất trong số đó là mã L14 của Licogi 14 với đồ thị "cây thông".
Cổ phiếu này bắt đầu bứt phá kể từ tháng 10/2021 tại vùng quanh 70.000 đồng và leo dốc thẳng đứng lên mức đỉnh lịch sử 413.000 đồng/cổ phiếu (giá đã điều chỉnh). Thị giá này cũng giúp L14 trở thành cổ phiếu đắt nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam khi đó.
Tuy nhiên, trong các tháng đầu năm 2022, cổ phiếu L14 bắt đầu rơi tự do sau khi các vụ việc tiêu cực trên thị trường bất động sản và trái phiếu.
Đến hết phiên 24/7, cổ phiếu L14 tạm dừng ở mốc 32.800 đồng/đơn vị, thấp nhất kể từ tháng 11/2022. So với đỉnh lịch sử, L14 đã bốc hơi 92% giá trị, vốn hóa thị trường qua đó bị kéo xuống còn hơn 1.000 tỷ đồng.
Dù là doanh nghiệp xây dựng và phát triển bất động sản, phần lớn doanh thu của Licogi 14 đến từ hoạt động đầu tư tài chính, trong đó có chứng khoán.
Việc đầu tư chứng khoán hiệu quả trong năm 2021 giúp kết quả kinh doanh của Licogi 14 vụt sáng. Dù doanh thu thuần chỉ đạt 56 tỷ đồng, công ty vẫn báo lãi kỷ lục 326 tỷ đồng quý IV/2021 nhờ nguồn thu từ lãi chứng khoán. Lũy kế cả năm 2021, lợi nhuận công ty tiến lên mức cao nhất lịch sử 371 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tình hình kinh doanh đã bắt đầu đảo chiều trong năm 2022. Lợi nhuận công ty giảm còn 112 tỷ đồng trong quý I và đặc biệt lỗ kỷ lục 346 tỷ đồng trong quý II, chủ yếu bị ảnh hưởng từ đợt lao dốc chung của thị trường chứng khoán.
Từ đó đến nay, doanh thu lẫn lợi nhuận hàng quý của doanh nghiệp bất động sản đều không có sự khởi sắc.
Đến hết quý II năm nay, cơ cấu tài sản của Licogi 14 vẫn ghi nhận khoản đầu tư chứng khoán 55 tỷ đồng, tăng gấp 4 lần so với đầu năm.