Siêu bão số 3 giật trên cấp 17 lao nhanh vào Bắc Bộ
NLĐO) - Siêu bão số 3 đang vẫn đang giật trên cấp 17, di chuyển với tốc độ 20 km/giờ và hướng vào khu vực Vịnh Bắc Bộ. Các tỉnh cần khẩn trương có biện pháp ứng phó. Người dân nên ở nhà từ sáng thứ 7 để tránh bão
Theo bản tin khẩn cấp mới nhất của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 7 giờ ngày 6-9, vị trí tâm siêu bão số 3 (tên quốc tế là bão Yagi) ở vào khoảng 19,2 độ Vĩ Bắc; 112,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách đảo Hải Nam (Trung Quốc) khoảng 160 km về phía Đông Đông Nam; cách Quảng Ninh khoảng 600 km về phía Đông Đông Nam.
Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão số 3 mạnh cấp 16 (184-201 km/giờ), giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 15-20 km , giật trên cấp 17, di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 20 km/giờ.
Đến 7 giờ ngày 7-9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 20,6 độ Vĩ Bắc; 108,3 độ Kinh Đông, cách Quảng Ninh khoảng 120 km về phía Đông Đông Nam. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12, giật cấp 16, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 15-20 km/giờ và đi vào Bắc vịnh Bắc Bộ.
Đến 19 giờ 7-9, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 21,3 độ Vĩ Bắc; 105,8 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực phía Đông Bắc Bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 6-7, giật cấp 9, di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ khoảng 20 km/giờ suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới.
Trên biển: Vùng biển phía Tây Bắc của khu vực Bắc Biển Đông có gió mạnh cấp 11-14, vùng gần tâm siêu bão đi qua cấp 15-16, giật trên cấp 17; biển động dữ dội.
Từ khoảng trưa 6-9, vùng biển phía Đông của vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ) có gió mạnh dần lên cấp 6-7. Từ tối và đêm 6-9, khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) gió mạnh dần lên cấp 8-9, sau tăng lên cấp 10-11, vùng gần tâm bão đi qua cấp 12-14, giật cấp 17; biển động dữ dội.
Trên đất liền: Từ đêm 6-9 và gần sáng 7-9, vùng ven biển từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão cấp 10-12, giật cấp 14; khu vực sâu trong đất liền phía Đông Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6-8, giật cấp 9-11 (thời điểm gió mạnh nhất trong khoảng từ sáng đến chiều tối 7-9).
Sóng biển: Vùng biển phía Tây Bắc của khu vực Bắc Biển Đông có sóng biển cao 7-9 m, vùng gần tâm siêu bão 10-12 m. Biển động dữ dội.
Từ trưa 6-9, khu vực vịnh Bắc Bộ (bao gồm huyện đảo Bạch Long Vỹ, Cô Tô) sóng cao 2-4 m, sau tăng lên 3-5 m, vùng gần tâm bão đi qua 6-8 m. Từ đêm 6-9 và gần sáng 7-9, vùng biển ven bờ từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa sóng cao 2-3 m, sau tăng lên 2-4 m, vùng gần tâm bão 3-5 m.
Mưa lớn: Trong ngày hôm nay 6-9, ở khu vực phía Đông Bắc Bộ, khu vực từ Thanh Hóa-Thừa Thiên Huế có mưa dông do tác động vành ngoài hoàn lưu bão số 3.
Từ đêm 6-9 đến sáng 9-9, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có khả năng xuất hiện một đợt mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến từ 100-350 mm, có nơi trên 500 mm (mưa lớn nhất ở phía Đông Bắc Bộ tập trung trong ngày và đêm 7-9; phía Tây Bắc Bộ từ tối 7-9 đến đêm 8-9).
Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.
Dông, lốc xoáy: Do ảnh hưởng của hoàn lưu bão rộng, cần đề phòng nguy cơ xảy ra dông, lốc và gió giật mạnh cả trước và trong khi bão đổ bộ.
Người dân nên ở nhà từ sáng thứ 7 để tránh siêu bão
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, cho biết đây là cơn bão rất mạnh, hoàn lưu rộng. Vùng gió mạnh trên cấp 8 có bán kính khoảng 250 km, vùng có gió mạnh trên cấp 10 khoảng 150 km, vùng có gió mạnh trên cấp 12 khoảng 80 km xung quanh tâm bão.
Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai đề nghị các tỉnh cần tập trung kiên quyết kêu gọi, thông báo, hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch, tàu vận tải) còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú, trong đó nắm vững thông tin chi tiết từng tàu trong khu vực nguy cơ ảnh hưởng của bão.
Kiên quyết không để người dân ở lại trên tàu cá, các lồng, bè, chòi canh khi bão đổ bộ (trường hợp cần thiết phải chủ động cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân). Tổ chức sắp xếp tàu thuyền, có biện pháp tránh va đập, hư hỏng, đứt dây neo, chìm tại nơi neo đậu, nhất là trên các đảo.
Từ sáng thứ 7, người dân nên ở nhà vì theo dự báo bán kính hoàn lưu của bão rất rộng. Ngoài ảnh hưởng của bão còn có thể có giông lốc xảy ra trong khi hiện nay người dân sử dụng mái tôn, biển quảng cáo rất nhiều, cây xanh cũng có nguy cơ đổ gãy cao.