Siết xét tuyển học bạ từ 2025 là quy định hoàn toàn đúng đắn

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh trình độ đại học, tuyển sinh trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non ban hành kèm Thông tư số 08/2022/TT-BGDĐT.

Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến siết xét tuyển học bạ từ 2025 là quy định hoàn toàn đúng đắn.

Dự thảo này có nội dung đáng chú ý: "Sửa đổi, bổ sung khoản 1 và khoản 2 Điều 18 như sau: "1. Cơ sở đào tạo có thể tổ chức xét tuyển sớm theo phương thức phù hợp để tuyển chọn những thí sinh có năng lực và thành tích học tập vượt trội.

Chỉ tiêu xét tuyển sớm do cơ sở đào tạo quy định nhưng không vượt quá 20% chỉ tiêu của từng ngành, nhóm ngành đào tạo; bảo đảm điểm chuẩn trúng tuyển xét tuyển sớm (sau khi quy đổi tương đương) không thấp hơn điểm chuẩn trúng tuyển của đợt xét tuyển theo kế hoạch chung."

Liên quan đến việc các cơ sở giáo dục đại học xét tuyển theo phương thức lấy điểm học bạ trung học phổ thông, trên một diễn đàn giáo dục, một số ý kiến bày tỏ quan điểm cần loại bỏ hình thức xét tuyển này. Thay vào đó, các trường đại học cần tổ chức một kỳ thi chung để phân loại thí sinh như thời gian trước.

Bởi vì, điểm học bạ mỗi trường có một cách đánh giá khác nhau, chưa kể có tiêu cực trong việc nâng điểm. Cho nên, đề thi đại học phải là đề chung cho cả nước, không có chuyện thí sinh học được, học đều lại không thể làm được bài và ngược lại. Hơn nữa, bỏ hẳn phương thức xét tuyển bằng học bạ cũng là cách giúp giảm áp lực học tập cho học sinh, đồng thời đảm bảo công bằng cho các em ở các vùng miền khác nhau.

Tuy vậy, một giáo viên bậc trung học phổ thông cho biết, tại khoản 2 Điều 34 Luật Giáo dục đại học năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 quy định các cơ sở giáo dục đại học được tự chủ quyết định phương thức tuyển sinh.

Nghĩa là, các cơ sở giáo dục đại học được phép xét tuyển theo phương thức lấy điểm học bạ trung học phổ thông. Phương thức này thuộc 1 trong 20 phương thức xét tuyển đại học theo quy định hiện nay của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

"Khách quan mà nói, từ 2016 đến nay, phương thức xét tuyển đại học lấy điểm học bạ có một số ưu điểm như giúp thí sinh chủ động lựa chọn thời gian xét tuyển, giảm áp lực thi cử đối với kỳ thi tốt nghiệp, cơ hội chọn ngành nghề đa dạng, tiêu chí và điều kiện xét tuyển dựa trên kết quả học tập trong suốt quá trình chứ không bị phụ thuộc vào một kỳ thi duy nhất. Hầu hết trong số hơn 240 trường đại học, học viện trên cả nước dành chỉ tiêu cho phương thức này.

Thế nhưng, cũng cần thẳng thắn nhìn nhận, từ năm 2015, điểm xét tốt nghiệp bao gồm 50% trung bình điểm thi và 50% điểm trung bình cả năm lớp 12 đã nảy sinh việc "làm đẹp" học bạ lớp 12 ở nhiều trường. Theo đó, nhà trường định hướng kiểm tra lớp 12 nhẹ nhàng để học sinh đạt điểm cao. Từ năm 2017, tuyển sinh đại học có thêm phương thức xét tuyển học bạ dẫn đến việc gian lận, tiêu cực, cho điểm vô tội vạ có chiều hướng gia tăng, thậm chí là mất kiểm soát.

Bộ Giáo dục và Đào tạo dự kiến siết xét tuyển học bạ từ 2025 là quy định hoàn toàn đúng đắn. Thời gian tới, Bộ này cần nghiên cứu tiếp tục sửa đổi Luật Giáo dục đại học năm 2018 theo hướng bỏ xét tuyển theo phương thức lấy điểm học bạ để tạo công bằng trong tuyển sinh cho thí sinh", giáo viên này nêu quan điểm.

Phan Anh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/siet-xet-tuyen-hoc-ba-tu-2025-la-quy-dinh-hoan-toan-dung-dan-179241124153029553.htm
Zalo